Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều trường đại học tổ chức thi riêng: Gánh nặng cho thí sinh

Chuyên gia cho rằng mỗi trường tổ chức một kỳ thi riêng sẽ gây khó khăn cho thí sinh. Các trường nên công nhận kết quả tổ chức thi của một số trường khác để giảm gánh nặng thi cử.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM gồm 120 câu hỏi hoàn toàn dưới dạng trắc nghiệm khách quan, được triển khai trên giấy gồm ba phần. Phần một kiểm tra khả năng đọc hiểu, sử dụng ngôn ngữ. Phần hai là Toán, tư duy logic và phân tích số liệu. Phần ba là giải quyết vấn đề thuộc các lĩnh vực Hóa, Lý, Sinh, Sử, Địa.

ĐH Quốc tế là một trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM. Năm nay, trường có 6 phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2021 với chỉ tiêu từ 10-30%.

Nhieu truong dai hoc to chuc thi rieng anh 1

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 28/3. Ảnh: Tiền Phong.

Đại học “mẹ”, đại học “con” đều tổ chức thi

Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM vừa diễn ra với gần 70.000 thí sinh dự thi. Kết quả của kỳ thi này được hơn 70 trường ĐH sử dụng để xét tuyển.

ĐH Quốc tế cũng tổ chức kỳ thi ĐGNL (dự kiến trong tháng 5 tới) để xét tuyển 20-50% chỉ tiêu. Tham gia kỳ thi (dự kiến diễn ra trong 2 ngày), thí sinh sẽ phải thi 2 bài thi bắt buộc là Toán và tư duy logic. Các bài thi tự chọn gồm: tiếng Anh, Hóa, Lý, Sinh.

Do các trường được tự chủ tuyển sinh, Bộ GD&ĐT không thể đứng ra tổ chức 1 kỳ thi như trước đây để phục vụ các trường. Nhưng nếu để tình trạng thi riêng “trăm hoa đua nở”, vết xe đổ trước “3 chung” rất có thể sẽ lặp lại, nhiều chuyên gia nhận định.

Tương tự, Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc tế Hồng Bàng vẫn giữ kỳ thi riêng như 2 năm qua.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có một phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức. Nhà trường sẽ dành khoảng 30-40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển này.

ĐH Việt Đức cũng dự kiến dành khoảng 70% chỉ tiêu để xét tuyển những thí sinh tham gia kỳ thi ĐGNL do trường tổ chức (dự kiến vào tháng 5). Bài thi gồm 2 phần là kiểm tra kiến thức cơ bản, kiến thức khối chuyên ngành đăng ký và bài kiểm tra tiếng Anh trên máy tính.

ĐH Quốc gia Hà Nội cũng bắt đầu tổ chức lại kỳ thi ĐGNL vào năm 2021 để các trường ĐH, Khoa trực thuộc tuyển sinh.

Cần giảm gánh nặng thi cử

Năm 2020, nhóm các trường khối Y dược dự kiến tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. Tuy nhiên, sau khi “cân đo đong đếm” các điều kiện, nhóm trường đã quyết định không tổ chức kỳ thi này.

Theo lý giải của các trường trong nhóm, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức vẫn có thể sử dụng kết quả để xét tuyển. Hơn nữa, việc tổ chức thi nếu không có sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT sẽ rất khó vì các trường chuyên ngành, không có đầy đủ giáo viên các môn cơ bản để ra đề thi. Quan trọng hơn, việc tổ chức thêm một kỳ thi sẽ tạo gánh nặng cho người học.

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp, cho hay năm nay, trường lấy kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển. Theo GS Chứ, các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ tuyển sinh nên nhiều trường đã tổ chức kỳ thi riêng, nhưng đang có xu hướng quay trở lại trước thời kỳ “3 chung” (trước năm 2002, mỗi trường ĐH có một kỳ thi riêng). Ông Chứ cho rằng để đảm bảo chất lượng cho các kỳ thi, không gây phiền hà cho thí sinh, có nhiều giải pháp, trong đó, quan trọng nhất, Bộ GD&ĐT cần phải kiểm soát chặt chẽ kế hoạch thi của các trường.

GS.TS Đặng Ứng Vận, ĐH Hoà Bình, đề xuất các trường ĐH nên công nhận kết quả tổ chức thi của các trường ĐH khác để giảm bớt việc thi cử cho thí sinh. Bộ GD&ĐT nên có chỉ đạo yêu cầu các trường lập nhóm để tổ chức kỳ thi riêng để đảm bảo quyền lợi cho người học. Nhưng giải pháp tốt nhất, theo GS Vận, có các trung tâm khảo thí như các nước tiên tiến để các trường ĐH chỉ việc lấy kết quả xét tuyển sinh.

Tại Hội nghị tuyển sinh 2021 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết công tác tuyển sinh trong năm 2021 và đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, chỉ cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tiếp tục thực hiện quyền tự chủ, sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, có thể tổ chức thi tuyển sinh theo nhóm trường theo hướng gọn nhẹ, thi trong một buổi nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh.

Đặc biệt, đối với các trường tổ chức thi riêng hoặc yêu cầu bài thi riêng để ĐGNL chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập để thuận lợi cho thí sinh, hạn chế việc các em phải thi tại nhiều trường, nhiều lần, gây tốn kém, lãng phí.

Trước khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) cho các trường ĐH, CĐ, mỗi trường có một kỳ thi tuyển sinh riêng. Tính ra, để có cơ hội trúng tuyển vào trường ĐH nào đó, mỗi thí sinh phải tham gia ít nhất 4 kỳ thi (1 kỳ thi tốt nghiệp, 3 kỳ thi vào 3 trường ĐH, CĐ) trong thời gian 1 tháng.

Bộ GD&ĐT lên tiếng việc các trường tăng học phí

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, trích một phần học phí để hỗ trợ sinh viên khó khăn.

https://tienphong.vn/nhieu-truong-dai-hoc-to-chuc-thi-rieng-ganh-nang-cho-thi-sinh-post1329983.tpo

Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm