Ngày 29/7, Đội cảnh sát giao thông số 2 (PC67 - Công an Hà Nội) làm thủ tục trao trả 3 xe máy bị mất trộm cho các chủ tài sản.
Đại úy Nguyễn Công Hà, cán bộ Đội cho biết, những phương tiện này là tang vật được CSGT xác minh từ các vụ vi phạm giao thông. Trong số đó, 2 xe máy bị mất trộm 6 năm trước
"Do người điều khiển vi phạm giao thông bỏ xe, quá thời hạn tạm giữ họ không đến làm thủ tục nhận xe nên lực lượng chức năng xác minh, truy nguồn gốc", đại úy Hà cho hay.
Anh Nguyễn Văn Tấn (27 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) kể, năm 2010, anh bị kẻ gian trộm chiếc xe Honda khi đang tổ chức đám cưới. Nghĩ khó tìm lại được tài sản nên người này không đến công an trình báo.
Cùng thời gian đó, chị Tô Mai Hương (quê Thái Bình) đến Công an phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) báo vụ mất xe. Theo nữ công nhân 26 tuổi, cô để chiếc xe mới mua gần 20 triệu đồng trong phòng trọ gần khu công nghiệp, lúc quay về Hương phát hiện tài sản đã bị mất.
“Sau khoảng 1 năm không thấy công an liên hệ, tôi nghĩ xe đã mất hoàn toàn, không thể tìm lại được nữa”, cô gái chia sẻ.
Nhiều chủ xe may mắn nhận lại tài sản sau khi mất trộm lâu năm. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo các bị hại, đầu năm 2016, họ bất ngờ được Đội CSGT số 2 gửi giấy mời đến trụ sở để xác nhận tài sản bị mất trộm gần 6 năm trước.
Đại úy Nguyễn Tuấn Cường, Phó đội trưởng Đội CSGT số 2 cho Zing.vn biết, với xe tang vật, nếu người điều khiển không đến trình diện sau 7 ngày xe bị tạm giữ, lực lượng chức năng truy chủ tài sản.
Vị Phó đội trưởng cho biết, theo hướng dẫn của Công an TP Hà Nội, trong tối đa 6 tháng sau đó, cảnh sát hoàn tất hồ sơ xác minh và trao trả xe tang vật này cho bị hại.
Theo đại úy Hà, nhiều khổ chủ sau khi mất trộm xe thường không đến công an trình báo. Họ nghĩ, nếu báo cũng khó tìm lại được tài sản. Tuy nhiên, điều đó gây khó khăn cho quá trình truy vấn nguồn gốc xe tang vật.
“Người dân khi mất trộm môtô hoặc bất kỳ loại phương tiện nào, nên đến công an quản lý địa bàn đó để tố giác”, đại úy Hà cho biết.