Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều YouTuber bịa đặt, đánh giá sai sự thật

Không ít blogger lợi dụng sức ảnh hưởng để đòi hỏi dịch vụ miễn phí. Một số người thậm chí nói dối để câu view, quay ra chỉ trích khách hàng nếu không được đáp ứng yêu cầu.

Vụ HayanTree, YouTuber về ẩm thực có tiếng, làm video sai sự thật khiến nhà hàng cua ngâm tương ở Hàn Quốc phải đóng cửa đang là tâm điểm chỉ trích trong cộng đồng mạng.

Trong clip đăng lên kênh cá nhân vào ngày 7/12, HayanTree phàn nàn về những hạt cơm dính trên mai cua, cho rằng nhà hàng đã dùng thức ăn thừa để chế biến đồ ăn cho khách. Video nhanh chóng viral, thu hút hàng triệu lượt xem. Quán ăn nhận đánh giá tiêu cực, chịu sức ép lớn đến mức phải đóng cửa ngay sau đó.

Thế nhưng cuối cùng, qua camera an ninh, nam YouTuber phát hiện những hạt cơm kia rơi ra từ món ăn trước của mình. Dù gỡ video và đăng lời xin lỗi chủ nhà hàng, HayanTree vẫn bị cộng đồng mạng chỉ trích.

Theo Korea Herald, chủ nhà hàng không chấp nhận lời xin lỗi của nam blogger. Ông còn trực tiếp gửi kiến nghị lên website Phủ Tổng thống, yêu cầu chính quyền đưa ra quy định bảo vệ các hộ kinh doanh trước làn sóng YouTuber, KOL trên mạng xã hội.

Youtuber danh gia nha hang anh 1

HayanTree lên tiếng xin lỗi sau khi khiến quán ăn phải đóng cửa do review sai sự thật của mình. Tuy nhiên anh vẫn bị dân mạng tẩy chay, phải tắt phần bình luận trên kênh vlog.

Việc các doanh nghiệp hợp tác với Influencer, tận dụng sức ảnh hưởng của họ nhằm quảng bá thương hiệu tới khách hàng tiềm năng ngày càng phổ biến. Thực tế này khiến ngày càng có nhiều người muốn trở thành "hot face" trên mạng để kiếm tiền.

Tuy nhiên, có không ít vụ lùm xùm xảy ra khi những blogger dựa vào sự ảnh hưởng của mình để gây áp lực cho "khách hàng" nhỏ, đòi hỏi được miễn phí dịch vụ. Thậm chí nhiều người sẵn sàng nói dối, bịa đặt để "câu view", ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người khác.

Bịa đặt

Ngày 27/10, đại diện cửa hàng bánh mỳ kẹp Matt's Burger Lab ở Toronto (Canada) bày tỏ sự bức xúc khi cửa hàng của mình bị blogger của trang Torontofoodwonders đánh giá sai sự thật.

Trước đó, blogger trên đã đến ăn tại Matt's Burger Lab rồi đăng nội dung chê trách chất lượng món ăn.

Blogger cho biết đã gọi suất gà có tên Dead Magnet, được cho là bao gồm hai miếng đùi gà rán. Nhưng phần ăn người này nhận được chỉ có một miếng gà và lớp topping gồm pho mát cheddar, xà lách trộn, cà chua, dưa chua và sốt chipotle hun khói, hương vị cũng không được như mong đợi.

Bên cạnh mô tả hình thức, Torontofoodwonders nhận xét món burger có "vị chua rất lạ".

Youtuber danh gia nha hang anh 2

Chủ nhân Matt's Burger Lab muốn làm rõ vụ việc sau khi bị blogger đánh giá sai về món ăn của mình.

Khi nhìn thấy bài đánh giá tiêu cực được đăng lên Instagram, Matt Yilmaz - chủ nhà hàng kiêm đầu bếp - đã lên tiếng. Anh nói rằng tôn trọng quyền bày tỏ ý kiến ​​cá nhân của mọi thực khách, nhưng rõ ràng bài đăng của Torontofoodwonders có những ý kiến sai sự thật.

"Tôi đã cố gắng làm rõ sự hiểu lầm bằng cách để lại bình luận dưới bài đăng của họ, nhưng bình luận của tôi đã bị xóa 2 lần", Yilmaz cho biết. Anh không còn cách nào khác ngoài chụp lại màn hình bài chỉ trích của họ và chia sẻ quan điểm tại trang cá nhân của mình.

Vị đầu bếp thắc mắc cơ sở nào mà blogger kia khẳng định đầu bếp đã xay thịt gà, bởi thực tế anh không làm vậy.

Yilmaz nói thêm trong bình luận (đã bị xóa) của mình rằng combo được blogger đặt không phải món trong ảnh quảng cáo của nhà hàng như họ mô tả, mà là một chiếc bánh mì kẹp thịt gà rán - trong đó gồm một đùi gà, và thực sự nằm trong chương trình khuyến mại.

"Họ có quyền, tôi công nhận điều đó. Nhưng không phải cứ cầm một cái điện thoại thông minh chụp ảnh là thành tín đồ ăn uống hay blogger được đâu", Yilmaz nói với blogTO.

Yilmaz bày tỏ việc bị đánh giá tiêu cực, sai sự thật như vậy là chuyện không vui đối với các chủ nhà hàng, đặc biệt trong thời điểm kinh doanh đang khó khăn vì bệnh dịch.

Dưới bài đăng của Yilmaz, những khách hàng thân quen của quán bày tỏ sự ủng hộ, khen ngợi thái độ phục vụ cũng như chất lượng đồ ăn. Nhiều người khác, dù chưa từng tới đây, cũng tỏ ý bênh vực.

Các ý kiến cho rằng việc blogger không phản ánh sự việc tại quán để được xử lý mà "im ỉm" đăng bài sai sự thật là sai, ảnh hưởng tới việc kinh doanh của người khác.

"Mục tiêu số một của chúng tôi luôn là phục vụ đồ ăn tốt nhất. Chúng tôi sẵn sàng ghi nhận phản hồi của bạn mọi lúc. Và giữa dịch bệnh khó khăn, cửa hàng vẫn đang gắng gượng và làm tốt nhất có thể", Yilmaz viết.

Youtuber danh gia nha hang anh 3

YouTuber Mariale Marrero bị chỉ trích vì bịa đặt, ảnh hưởng đến danh dự của chuyên viên trang điểm.

Chuyện YouTuber đánh giá sai sự thật, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và kinh doanh của người khác không hiếm. Tháng 7/2019, Mariale Marrero (tên thường gọi: Mar) - một YouTuber về làm đẹp - đã đến thẩm mỹ viện ở Vegas, ghi lại toàn bộ trải nghiệm của mình tại đây.

Trong video được đăng sau đó, cô nói rằng các sản phẩm trang điểm của thẩm mỹ viện làm cô bỏng da và tuyên bố mình đã bị nhiễm trùng da, Insider đưa tin.

Nội dung các dòng chú thích trong video của cô cũng chỉ trích cơ sở thẩm mỹ trên "để bộ dụng cụ nhiểm khuẩn", nói nước bẩn được dùng để rửa cọ trang điểm và cô bị sốc bởi sự thiếu sạch sẽ ở đây.

Sau khi video được đăng tải, Tiff, con gái của chuyên viên trang điểm cho Mar ngày hôm đó, đã lên tiếng tố cô nói dối trên Twitter. "Tất cả là do cô ta sắp đặt", Tiff nói.

Tiff cũng khẳng định chuyện dùng nước lau nhà để rửa cọ trang điểm là "lời nói dối mà Mar nghĩ ra để video kinh khủng của cô ta trở nên thú vị hơn".

Trái ngược với mục đích "hút view" ban đầu, Mar nhận hàng loạt chỉ trích. Cô phải đến gặp mẹ con nghệ sĩ trang điểm và xin lỗi vì đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống của họ, song vẫn khẳng định chuyện bị nhiễm trùng da là thật.

Gia đình Tiff muốn cùng Mar đi khám da liễu để biết được sự thật và đòi nữ YouTuber phải gỡ video xuống. Đoạn video review về thẩm mỹ viện hiện tại đã không còn trên kênh của Mar.

Đòi hỏi

Nhiều người nổi tiếng trên mạng thường đề nghị sử dụng dịch vụ miễn phí để review cho các nhãn hàng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng lựa chọn chi tiền cho hình thức quảng cáo này. Song khi bị khước từ, một số Influencer sẵn sàng quay ra nói xấu, chỉ trích đơn vị mình từng định hợp tác.

Năm 2018, người điều hành khách sạn Charleville Lodge Dublin, Paul Stenson, đã chia sẻ ảnh chụp màn hình email từ một YouTuber đề nghị được đến ở miễn phí để review về dịch vụ tại đây. Đáp lại, đại diện khách sạn từ chối. Paul Stenson cũng khuyên người này nên trả phí cho tất cả dịch vụ trải nghiệm về sau.

Tuy nhiên, khi bị khước từ đề nghị, blogger kia đã "bóc phốt" khách sạn, nhiều người cùng cộng đồng "có sức ảnh hưởng" với cô cũng đã lên tiếng chỉ trích doanh nghiệp này. Khách sạn nhận đánh giá 1 sao từ cộng đồng mạng. Sự việc gây nên tranh cãi lớn.

Trước phản ứng dữ dội từ dân mạng, Paul Stenson đã đưa ra quyết định cấm tất cả blogger đến khách sạn và quán cà phê của mình.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bị ngập trong các đánh giá tiêu cực vì đơn giản là yêu cầu ai đó trả tiền cho hàng hóa hoặc dịch vụ họ được cung cấp".

"Ý thức về quyền lợi quá mạnh mẽ trong cộng đồng viết blog cùng sự thô lỗ, khó chịu và sự căm ghét đối với người khác sau khi một thành viên của các bạn không được đồng ý miễn phí dịch vụ đang mang lại cho toàn bộ ngành của bạn một cái mác xấu xí", Paul Stenson viết.

Youtuber danh gia nha hang anh 4

Các Influencer thường đề nghị được trải nghiệm dịch vụ miễn phí để đánh giá.

Một sự việc khác xảy ra năm 2019 khiến nhiều người bức xúc. Melissa, nhân viên PR cho một Influencer (giấu tên), đã gửi email cho ảnh viện áo cưới Betrothed & Co (Anh) để xin gói dịch vụ chụp ảnh cưới miễn phí trị giá 5.000 USD, đổi lại là vài bài đăng quảng cáo trên trang cá nhân của người có sức ảnh hưởng kia.

"Hãy lưu ý, chúng tôi đã gửi đề nghị cho 4 công ty chụp ảnh cưới khác nên sự phản hồi sớm sẽ là lợi thế cho công ty bạn", Melissa viết trong thư.

Frankie Lowe và Laura Dunning, những người điều hành ảnh viện, không hứng thú với đề nghị này, thậm chí cảm thấy đó còn là lời mời hợp tác khiếm nhã. Đại diện ảnh viện đã đăng nội dung email lên trang cá nhân.

"Chúng tôi không bao giờ chia sẻ email của khách hàng, trừ trường hợp này. Chúng tôi là một doanh nghiệp nhỏ trong một ngành có sự cạnh tranh cao, và một email như thế này rõ ràng hạ thấp sự chăm chỉ của chúng tôi".

Sau lời từ chối, Melissa bức xúc và nói rằng ảnh viện làm việc "không chuyên nghiệp" và cách phản hồi của họ là "kinh khủng". Người này còn khẳng định Betrothed & Co đã bỏ lỡ cơ hội làm ăn béo bở khi từ chối mình.

Từ sĩ quan cảnh sát tới vlogger du lịch nổi tiếng

Từ một sĩ quan cảnh sát, Điền Tây Tiểu Ca trở thành vlogger nổi tiếng, được chọn làm đại sứ du lịch cho quê nhà Bảo Sơn (Vân Nam, Trung Quốc).

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm