Đối với ngành giáo dục, 2023 là năm ghi nhận nhiều sự kiện mang tính quyết định, nhưng cũng xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc, khiến các nhà giáo dục phải đặt ra câu hỏi “khi nào những chuyện như vậy mới chấm dứt”.
Để tổng kết lại năm giáo dục 2023, Tri thức - Znews đã có buổi trò chuyện với TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục phổ thông, Tổ chức Giáo dục Equest. TS Minh đưa ra những nhận xét về các vấn đề giáo dục trong năm qua, từ đó đưa ra đề xuất giải quyết cũng như những kỳ vọng cho giáo dục 2024.
Cần cơ chế chuyển đổi để không thiếu giáo viên cục bộ
Bàn về giáo dục bậc phổ thông năm 2023, ông Đàm Quang Minh nêu rằng tình trạng thiếu giáo viên cục bộ và thừa giáo viên ở một số địa phương, trường học vẫn tồn tại. Thực tế, đây không phải vấn đề của riêng năm 2023 mà đã xảy ra từ nhiều năm trước.
Ông Đàm Quang Minh cho rằng tình trạng thiếu giáo viên sẽ còn diễn ra trong nhiều năm tới. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Tháng 8 vừa qua, Bộ GD&ĐT báo cáo trong năm 2022-2023, cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên, cơ cấu đội ngũ nhà giáo mất cân đối giữa các môn học và vùng miền. Ông Minh nêu rằng sự thay đổi chương trình giáo dục phần nào khiến sự phân phối giáo viên thay đổi, dẫn đến tình trạng thiếu người dạy học, một thầy cô phải dạy đến 3-4 môn.
Theo ông, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong những năm tới vì lứa sinh viên sư phạm hiện tại ít đi, khiến sự thiếu hụt giáo viên ngày càng lớn.
Ông Đàm Quang Minh đề xuất các cơ quan quản lý cần có sự tính toán, dự phòng kỹ lưỡng hơn cho vấn đề này. Giải pháp tối ưu nhất không phải tăng lương mà là tạo ra đội ngũ giáo viên linh hoạt. Ông Minh cho rằng tăng lương chỉ giúp ngành sư phạm hấp dẫn thêm một chút, điều cốt yếu vẫn là giải quyết nguồn cung về giáo viên.
“Sư phạm là ngành đặc thù, đào tạo mất công mất sức nhưng rất khó chuyển đổi. Tôi nghĩ rằng nếu muốn giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, chúng ta cần có cơ chế chuyển đổi ngành nghề để sinh viên ngành khác cũng có cơ hội trở thành giáo viên, như vậy thì tình trạng thiếu giáo viên mới phần nào được cải thiện”, ông Minh nhấn mạnh.
Trường công căng thẳng vì thiếu giáo viên, đi cùng với đó là sự căng thẳng vì thừa học sinh khiến tỷ lệ chọi các kỳ thi đầu vào tăng mạnh. Lấy ví dụ ở TP.HCM, trong năm 2023, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập tại TP.HCM là khoảng 77.300 nên hơn 18.000 em trượt công lập.
Bàn về vấn đề này, TS Đàm Quang Minh nói rằng tình trạng căng thẳng thi đầu cấp bắt nguồn từ việc phân luồng giáo dục gây mất mất cân bằng tuyển sinh, đặc biệt là ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến nguồn cung trường học không đủ trong khi nhu cầu học lại tăng lên.
Tuy nhiên, ông Minh cũng ghi nhận một điều là sự phát triển của hệ thống phân luồng năm nay, điển hình là việc tuyển sinh theo bản đồ GIS ở TP.HCM, đã giảm tải được khá nhiều áp lực cho trường công lập.
Theo TS Minh, ngoài chuyện quy hoạch lại đô thị, trường học, ngành giáo dục có thể cân nhắc thêm phương án khác. Giải pháp đó là làm rõ đầu ra của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào các trường nghề đề thu hút thêm học sinh học nghề, như vậy thì sẽ giảm bớt tình trạng quá tải ở các trường công.
Nội dung tiếp theo của giáo dục phổ thông mà TS Minh bàn đến là tình trạng bạo lực học đường gia tăng. Điều đầu tiên mà TS nhấn mạnh là bạo lực không phải vấn đề của riêng giáo dục Việt Nam mà nó xảy ra ở tất cả nền giáo dục trên toàn thế giới.
Nói về lý do bạo lực học đường xảy ra liên tục trong năm 2023, TS Minh lý giải năm nay là năm khó khăn về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế. Do đó, sự khó khăn này ít nhiều tác động đến tâm lý con người. Khi vấn đề tâm lý gia tăng, nó sẽ phản ánh nhiều vấn đề của xã hội, trong đó có bạo lực gia đình và bạo lực học đường.
Theo TS Minh, điều quan trọng là chúng ta cần giải quyết các vấn đề xã hội rồi mới giải quyết được vấn đề liên quan bạo lực học đường. Một điều nữa là hệ thống phòng ngừa bạo lực học đường còn đang yếu. Chúng ta đang thiếu đi những chương trình phòng chống mang tính chiến lược quốc gia nên rất khó kiểm soát những vụ việc như vậy trong trường học.
Giải pháp ông Đàm Quang Minh đưa ra là đầu tư vào công tác tư vấn tâm lý học đường và gia tăng nhận thức cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh. Ngoài ra, các trường cũng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử và kiểm soát chặt việc người ngoài ra vào để tránh tình trạng phụ huynh đến lớp đánh giáo viên hoặc học sinh.
Tăng học phí đại học giúp cải thiện chất lượng đào tạo, nhưng đó cũng là yếu tố cản bước nhiều bạn trẻ. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Đề xuất phương án khi học phí đại học tăng nhanh
Nói thêm về những vấn đề trong giáo dục đại học. Kỳ tuyển sinh năm 2023 ghi nhận gần 120.000 thí sinh đậu nguyện vọng nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, kéo theo đó là tình trạng nhiều trường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu đặt ra.
TS Đàm Quang Minh có cái nhìn khá tích cực về câu chuyện này. Theo ông, việc nhiều thí sinh bỏ đại học bắt nguồn từ câu chuyện là lợi ích của học đại học không còn như trước.
Ngày nay, thí sinh có những lựa chọn khác mang lại lợi ích tốt hơn như học nghề, xuất khẩu lao động hoặc đi làm luôn. Hơn nữa, học phí đại học tăng nhanh cũng là lý do khiến nhiều bạn trẻ từ bỏ cơ hội vào đại học.
“Học phí tăng nhanh khiến đại học không còn là lựa chọn hấp dẫn. Nhưng tôi nghĩ rằng đây là một chuyện khá tích cực vì đại học không còn là lựa chọn duy nhất, các bạn trẻ sẽ không còn áp lực chuyện phải vào đại học mới được gọi là thành công”, TS Minh nói.
Cũng là câu chuyện tăng học phí đại học, TS Minh tin rằng việc tăng học phí sẽ phần nào cải thiện được chất lượng đào tạo cũng như chất lượng đầu ra vì nhiều trường hiện nay đã đầu tư rất nhiều cho chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, việc tăng học phí cũng nảy sinh một số vấn đề, ví dụ như bất bình đẳng trong giáo dục. Tăng học phí khiến nhiều học sinh thu nhập thấp không thể tiếp cận với giáo dục đại học.
Qua đó, TS Minh đề xuất nhà nước cần có sự can thiệp, điều phối nhiều hơn. Giải pháp đầu tiên có thể là đầu tư nhiều hơn cho các trường đại học ở ngoài Hà Nội và TP.HCM vì việc học đại học ở 2 thành phố này đắt đỏ về mặt vận hành lẫn sinh hoạt. Ngoài ra, ông Minh cũng đề xuất cần cải tiến và có thêm nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn cho sinh viên yên tâm học tập.
Khi được hỏi về tình hình tuyển sinh năm 2023, TS Đàm Quang Minh nói rằng việc tuyển sinh theo nhiều phương thức, đặc biệt là việc sử dụng bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là một tín hiệu tốt.
Theo ông, việc luyện đề, học tủ, học gạo như trước đây không còn phù hợp vì không có gì chắc chắn là một học sinh khối A sẽ giỏi làm kinh tế hay một học sinh khối B sẽ giỏi làm nghề y. Việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực sẽ giúp các trường đánh giá đúng năng lực của thí sinh vì bộ đề được xây dựng dựa trên những nhu cầu và tiêu chí tuyển sinh của trường đó.
Còn về quan điểm “tổ chức nhiều kỳ thi khiến học sinh thêm áp lực ôn tập”, ông Minh cho rằng điều này không hẳn là đúng. Lý do là đề của các trường theo hướng đánh giá năng lực, học sinh có luyện đề cũng chỉ là luyện cho quen dạng chứ không thể luyện theo kiểu học tủ.
Bản chất luyện thi ngày nay cũng khác ngày xưa nên sẽ không gây áp lực cho thí sinh, trái lại còn mang lại sự cạnh tranh công bằng cho các em. Hơn nữa việc có nhiều thời điểm thi cũng giảm bớt áp lực nặng nề của một kỳ thi duy nhất mang tính quyết định.
Vào đại học là một chuyện, ra trường đi làm lại là một chuyện khác. 2023 là năm chứng kiến hàng loạt tân cử nhân chật vật tìm việc vì các công ty khủng hoảng, buộc phải cắt giảm nhân sự và ngừng tuyển dụng.
Báo cáo Lương và Thị trường lao động năm 2024 - Talent Guide 2024 của Navigos Group nêu rằng trong năm vừa qua, 52,6% doanh nghiệp biện pháp ngưng tuyển dụng để ứng phó với những biến động của thị trường.
Bàn về vấn đề này, TS Đàm Quang Minh nêu rằng chuyện người trẻ thất nghiệp ở Việt Nam chỉ đang phản ánh tình hình kinh tế khó khăn. Khi nền kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp sẽ chọn phương án đầu tiên là ngừng tuyển dụng nên sự “hấp thụ” lao động trẻ kém đi, kéo theo tình trạng hàng loạt cử nhân mới ra trường không thể tìm được việc làm.
Theo TS Minh, ra trường thất nghiệp không phản ánh chất lượng giáo dục đại học, việc sinh viên ra trường làm trái ngành mới phản ánh điều đó. Thất nghiệp chỉ phản ánh sự hấp thụ nhân sự kém. Doanh nghiệp không có nhu cầu, kinh tế kém nên người tài đến đâu họ cũng không có nhu cầu tuyển.
Giải pháp TS Minh đưa ra là kích cầu tăng trưởng kinh tế. Một khi kinh tế khỏe trở lại, doanh nghiệp cần thêm người để phát triển việc kinh doanh, khi đó cử nhân mới có thêm nhiều cơ hội tìm công việc ổn định và lương cao.
Điểm sáng của giáo dục 2023
TS Đàm Quang Minh nêu rằng điểm sáng của ngành giáo dục năm 2023 chính là báo cáo tổng kết triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với những người làm giáo dục, đây là điểm tích cực vì nó giúp toàn ngành nhìn nhận, đánh giá được những nội dung đã triển khai, từ đó có thêm góc nhìn để triển khai chương trình hiệu quả hơn.
Báo cáo đồng thời chính thức ghi nhận những kết quả tích cực bước đầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp thay đổi căn bản về chương trình giáo dục bậc học phổ thông.
Năm 2024 là sẽ năm cuối cùng của việc triển khai toàn bộ chu kỳ giáo dục mới. TS Minh kỳ vọng ngành giáo dục sẽ có những bộ sách giáo khoa giá cả hợp lý hơn, việc điều phối giáo viên sẽ phù hợp hơn để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.
Ông cũng mong rằng chương trình giáo dục mới sẽ có những kết quả tích cực để toàn ngành có thêm niềm tin khi triển khai chương trình cho học sinh các cấp.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.