Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nhờ corona, tôi nhận ra sức khoẻ mình tệ hại đến mức nào'

Khẩu trang, nước rửa tay chỉ là giải pháp tạm thời. Thứ chúng ta cần nhất là đảm bảo sức khoẻ, không chỉ với dịch bệnh corona mà còn là chính bản thân mình trong tương lai.

3h20 sáng, Tiến Minh thức dậy với cơn đau đầu kinh niên. Như một thói quen, Minh vớ chiếc điện thoại đặt ở đầu giường và lướt trong vô thức.

Bật màn hình và truy cập vào trang báo quen thuộc, Minh thấy hoang mang khi thấy số ca nhiễm virus corona trên thế giới lên đến 45.051 ca với hơn 1.115 ca tử vong.

Ca dương tính thứ 15 tại Việt Nam cũng vừa được phát hiện.

Nỗi sợ hãi, hoang mang và mối lo "không biết đến bao giờ đến mình" bao trùm lên Minh. Nhìn lên bàn làm việc, anh cảm thấy an tâm đôi chút khi nhìn về phía 5 hộp khẩu trang cùng 5 chai nước rửa tay mua được dưới quê, trước khi về lại Sài Gòn làm việc.

Minh, 26 tuổi, làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế bản vẽ. Đêm qua anh làm việc đến 1h sáng, những giấc ngủ chập chờn diễn ra vì cơn đau đầu.

Anh rời giường uống ngụm nước, cơn đau khiến Minh không chịu nổi. Nghĩ đến đống bản vẽ còn tồn khi nãy anh bỗng rợn người.

Minh quen tay mở tủ lấy thuốc uống. Đây là lần thứ hai trong ngày anh dung nạp “paracetamol 500 mg” vào người.

corona anh 1

Cà phê, thuốc giảm đau là những thứ đáng sợ hơn cả virus corona.

"Corona còn không sợ, đau đầu thì sợ gì", Minh tự an ủi.

Nhưng rồi anh cũng tự nói đấy chỉ là "lừa mình dối người". Minh nhận ra rằng lo sợ dịch bệnh corona làm gì khi chính mình đang huỷ hoại cơ thể hàng ngày bằng việc cày khuya, mì gói, gà rán, nước có gas.

Nếu có đau đầu, từ một kiến trúc sư trẻ tuổi, anh "biến hình" thành bác sĩ và tự dùng những liều thuốc giảm đau không điều độ.

Corona không chỉ là đại dịch, đây là dịp giúp anh nhận ra chính mình đã đối xử tệ với bản thân thế nào.

Không là những chiếc khẩu trang mỏng manh, không hẳn là những chai nước rửa tay đậm mùi hương liệu với cồn sát khuẩn. Thứ chúng ta cần nhất hiện tại là đảm bảo sức khoẻ, không chỉ với dịch bệnh corona mà còn là chính bản thân mình trong tương lai.

Bệnh tật không chỉ là nỗi sợ vô hình

Hơn một tuần từ ngày trở lại làm việc sau Tết, nhân viên trong công ty Minh được khuyến khích làm việc tại nhà. Tất nhiên, Minh đồng ý. Anh cũng sợ bệnh như bao nhiêu người khác.

"Công tác phòng chống bệnh dịch" cũng được anh chuẩn bị kỹ. Sau khi trở lại thành phố, trong nhà anh nào là mì ly ăn liền, nước ngọt, cà phê lon chất đầy tủ lạnh.

Nhốt mình trong nhà, "tự cách ly" với xã hội, đã 4 ngày nay Minh đều ăn mì gói.

Nhưng Minh cũng rất đỗi hoang mang khi nghe thông tin “virus corona sẽ tấn công những người có sức đề kháng kém, hay bệnh vặt” hơn là những người thường xuyên luyện tập thể thao, sức khoẻ tốt.

Minh bỗng sợ hãi. Sau cơn đau đầu, mất ngủ đêm qua, anh bỏ bữa sáng và nốc 2 gói cà phê hoà tan. Tối qua, anh chỉ ngủ được vài tiếng.

corona anh 2

Những ngày qua, khẩu trang bỗng trở thành thứ phòng bệnh với mức giá trên trời.

Khoan bàn đến chuyện virus nCoV, những loại thức ăn này khiến sức khoẻ Minh xấu đi. Và nếu không có dịch corona, anh không biết mình sẽ đày đoạ sức khoẻ mình đến bao giờ.

Phòng trọ của Minh cũng được gọi là đầy đủ tiện nghi khi được trang bị đủ thứ vật dụng từ nơi ngủ cho đến bếp ăn.

Tuy nhiên, số lần chàng trai này vào bếp nấu một món ăn đúng nghĩa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có chăng đó chỉ là những lần anh đun nước sôi đổ vào mì hoặc pha cà phê.

Hiện tại, khi chứng kiến những con số về dịch bệnh không ngừng tăng, Minh mới nhận ra corona chỉ là nỗi sợ vô hình. Đáng sợ hơn chính là sức khoẻ của Minh bị chính mình bào mòn mỗi ngày.

"Nhờ corona, tôi nhận ra sức khoẻ mình yếu và tệ hại đến mức nào. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, chỉ có mình nếu không chú ý đến sức khoẻ, mọi thứ sau này còn tệ hơn", Tiến Minh nói với Zing.vn.

Làm việc quá sức, thức khuya là tự huỷ hoại bản thân

45.051 ca nhiễm vì virus Corona, 1.115 ca tử vong vì dịch bệnh (tính đến ngày 12/2). Đó là những con số chúng ta đối mặt hàng ngày trong cơn đại dịch.

Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi sẽ có bao nhiêu người trẻ "nhiễm bệnh mạn tính", tử vong vì làm việc quá sức và ăn uống không lành mạnh.

Một nghiên cứu từ Viện sức khoẻ và môi trường Mỹ được tiến hành trên 10.793 người để đánh giá tác động của việc làm việc quá sức dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ con người.

Theo đó, người thường xuyên làm việc ngoài giờ có tỷ lệ thương tật cao hơn 61% so với người khác. Ngoài ra, số người làm việc trên 12 giờ mỗi ngày tăng tỷ lệ mắc bệnh mạn tính lên đến 37%. Số người làm việc nhiều hơn 60 giờ mỗi tuần có mức độ mắc bệnh là 23%.

Nghiên cứu này cũng cho rằng mệt mỏi, quá sức là nguyên nhân chính gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Cụ thể, nếu bạn dậy vào lúc 8h và thức đến 1h ngày hôm sau (làm việc liên tục 17h liền) thì thể chất của bạn tương đương với người đàn ông nặng 73 kg uống hai lon bia 355 ml.

Và nếu bạn mất ngủ và thức đến 5h sáng, khả năng kiểm soát của não bộ tương đương với người có nồng độ cồn trong máu đạt 0,1% (tại Việt Nam, mức nồng độ cồn này đủ để bạn bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng).

Cũng theo nghiên cứu, những loại bệnh mà người làm việc quá sức thường mắc phải là cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, các bệnh liên quan về xương khớp. Đối với sức khoẻ tinh thần, người thường xuyên gặp stress dễ bị mệt mỏi, căng thẳng và dẫn đến trầm cảm.

corona anh 3

Làm việc quá sức khiến sức khoẻ nhiều người bị bào mòn nghiêm trọng.

Tại Nhật Bản, "karoshi" - thuật ngữ dùng để chỉ những cá nhân tử vong đột ngột vì làm việc quá sức - đang là nỗi ám ảnh. Hiện tượng này ngày càng phổ biến xảy ra tại các nước châu Á. Nguyên nhân chính của "cái chết karoshi" chủ yếu đến từ đau tim, đột quỵ do căng thẳng và ăn uống thiếu lành mạnh.

Tại đất nước mặt trời mọc, chính phủ tỏ ra bất lực, người dân gọi đây là cơn ác mộng.

Để diệt trừ “karoshi”, hồi tháng 5/2017, chính phủ điểm mặt chỉ tên hơn 300 công ty toàn quốc để lập ra danh sách đen những nơi có môi trường làm việc vắt kiệt sức người.

Thủ tướng Shinzo Abe đã đích thân tuyên chiến với “karoshi” và công bố chương trình mang tên “Thứ sáu Quan trọng”.

Theo đó, nhân viên được khuyến khích rời công ty sớm vào các ngày thứ sáu cuối cùng của tháng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích chương trình này không mang tính cưỡng chế và nhiều công ty đơn giản chỉ là lờ nó đi.

“Những đứa trẻ già trước tuổi”

“Đau nửa đầu, lệch đốt sống lưng, có dấu hiệu thoái hoá đốt sống cổ, gan nhiễm mỡ loại 1”.

Nhìn vào kết quả khám sức khoẻ định kỳ cuối năm do công ty tổ chức, Hoàng Vương (25 tuổi, nhân viên IT) tưởng mình cầm nhầm hồ sơ của bệnh nhân 50 tuổi.

Không, giấy khám sức khoẻ để tên của Vương.

Nhân viên văn phòng, 25 tuổi, ngày làm việc 8 tiếng, thêm thời gian tăng ca nữa là hơn 12 tiếng mỗi ngày.

Người Minh nói chuyện nhiều nhất là cấp trên, khách hàng nhưng không phải gặp mặt trực tiếp, mà là Facetime, chat bằng ứng dụng.

Đói thì order vội vài món đồ ăn, từ món cơm xào đầy dầu mỡ cho đến mấy ổ bánh mì đầy carlories. Đầu giờ chiều, anh cũng không có được bữa ăn healthy mà là mấy gói bim bim, snack được công ty trang bị sẵn.

Nếu ít thời gian hơn, mì gói trong lúc này là "lựa chọn đúng, tiện lợi".

corona anh 4

Mì gói, đồ đóng hộp và nước uống có gas đang góp phần làm huỷ hoại sức khoẻ chúng ta.

Và nước ngọt, tăng lực, cà phê pha sẵn lúc nào cũng có sẵn trong văn phòng. Đấy cũng là những thứ Vương nạp vào người để "lấy sức" tiếp tục làm việc.

Nước khoáng, nước detox trong đầu Minh là một khái niệm xa lạ, thậm chí “xa xỉ”.

“Bạn bè đồng trang lứa với mình đi khám sức khoẻ không đau nửa đầu cũng gan, máu nhiễm mỡ. Không thì cũng có đứa bị thoái hoá đốt sống cổ”, Vương kể.

Chia sẻ với Zing.vn, anh mạnh dạn gọi mình và bạn bè là những đứa trẻ già trước tuổi. Tất cả là do thói quen ăn uống không lành mạnh, làm việc quá sức và thiếu khoa học.

Nghe về dịch bệnh corona, Vương tỏ ra đồng cảm. Nhưng chính anh cũng vẽ ra viễn cảnh không mấy tốt đẹp nếu chẳng may mình từ vùng dịch trở về.

"Với người khoẻ mạnh, sẽ mất một khoảng thời gian để cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus. Nhưng đối với những đứa trẻ 'già trước tuổi, đầy bệnh tật' như mình, điều này sẽ mất thời gian khá lâu. Cũng nhờ dịch bệnh, mình mới biết thời gian qua đã đối xử tệ với bản thân", Vương khẳng định.

Anh sẽ tập từ chối đồ ăn đóng hộp, nước uống có gas. Nhưng để làm được điều này, anh không biết mình phải tập đến khi nào. Khó khăn và đầy thử thách.

Bệnh nhân không mắc virus corona 'vô tình bị bỏ rơi' tại Trung Quốc

Khi mọi bác sĩ tại Trung Quốc lao vào cuộc chiến chống virus corona, nhiều bệnh nhân mắc các vấn đề nghiêm trọng khác không còn được chữa trị đầy đủ và chịu đau đớn kéo dài.

Hoài Vỹ

Bạn có thể quan tâm