Sau trận đấu giữa CLB Hải Phòng và Bình Định tại vòng 8 V.League 2022, trọng tài chính Hoàng Ngọc Hà khi đang làm thủ tục giấy tờ thì bị một người đàn ông mặc áo đỏ nhổ nước bọt vào mặt. Tổ trọng tài đã báo cáo giám sát trọng tài và ban tổ chức giải về việc bị CĐV tấn công, dọa đánh sau trận đấu.
Người này được xác định là Trần Tiến Dũng, "trùm pháo sáng" của CĐV Hải Phòng. Ông Dũng có một tiền án về tội Gây rối trật tự công cộng, bị tuyên phạt 12 tháng tù treo hồi năm 2012.
Với hành vi này, CĐV Hải Phòng này có thể bị xử lý ra sao?
Hình ảnh ông Dũng tấn công trọng tài sau trận đấu bị camera ghi lại. Ảnh cắt từ clip. |
Luật sư Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway) đánh giá đây là hành vi phản cảm, có dấu hiệu xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của người khác và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trích dẫn quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, luật sư cho rằng CĐV có thể bị xử phạt về hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Mức phạt đối với hành vi này là 2-3 triệu đồng.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cũng cho rằng CĐV Hùng có thể bị xử phạt 2-3 triệu đồng. Ngoài ra, ông Giáp nhận định cơ quan chức năng còn có thể xem xét xử lý hình sự đối với CĐV này về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.
Để cấu thành tội phạm hình sự, luật sư cho biết hành vi cần bao gồm đầy đủ những yếu tố cấu thành sau:
Về chủ thể, người thực hiện hành vi là người có năng lực trách nhiệm hình sự và có khả năng nhận thức khi thực hiện hành vi của mình.
Về khách thể, hành vi này được thực hiện bằng lời nói hoặc hành động, xâm phạm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân phẩm, danh dự của người khác.
Về chủ quan, người thực hiện hành vi với lỗi cố ý, cố tình thực hiện hành vi nhằm làm nhục người khác với nhiều động cơ khác nhau như để trả thù hay thỏa mãn các mục đích cá nhân khác.
Về khách quan, hành vi này xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm người khác và có thể được thể hiện bằng lời nói (sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu...) hoặc hành động (lột trần, nhổ nước bọt vào mặt, ném cà chua, trứng thối... vào nạn nhân trước đám đông để bêu riếu). Đặc trưng của tội này là thường diễn ra công khai, trực tiếp và trước nhiều người
Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội danh này.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người phạm tội nếu thuộc khoản 1, Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị hại có yêu cầu khởi tố. Nếu bị xử lý hình sự theo khoản 1 Điều này, người phạm tội sẽ đối diện mức phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.