Nhồi máu cơ tim có xu hướng trẻ hóa khi phát hiện ngày càng nhiều ở người trẻ tuổi. Ảnh: Stocksy. |
3h sáng, anh T. bất ngờ cảm nhận cơn đau nhói. Cơn đau như bị ai đấm vào ngực khiến người đàn ông khó thở, gần như mất hết cảm giác một bên tay trái, miệng không thể nói được.
Bằng chút sức lực cuối cùng, anh dùng chân cố lay vợ đang ngủ say. Ở tuổi 32, người đàn ông khỏe mạnh, đang là trụ cột gia đình, bất ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim.
Anh T.T. (32 tuổi, Bình Phước) xót xa chia sẻ với Tri thức - Znews: “Lúc nghe tin, tôi và vợ sốc lắm. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc mình lại mắc phải căn bệnh này”.
Cơn đau ngực lúc 3h sáng
Nhớ lại thời điểm lên cơn nhồi máu cơ tim, anh T. vẫn còn nguyên cảm giác vừa ôm chặt ngực, vừa phải đứng còng lưng để thở dốc. Vợ anh luống cuống, mở toang hết cửa sổ rồi dìu chồng ra ngoài.
Chờ đến sáng, anh đến phòng khám gần nhà kiểm tra rồi sững sờ khi bác sĩ thông báo phải lên TP.HCM gấp vì nhồi máu cơ tim.
“Bình thường, tôi không hút thuốc. Mỗi khi tiếp khách mới hút vài điếu nhưng không đáng kể. Sức khỏe tôi hoàn toàn bình thường”, anh T. băn khoăn.
Sau khi được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất, anh T. được chụp mạch vành cấp cứu và phát hiện một nhánh động mạch vành phình dãn có kích thước rất lớn bị tắc. Do quá nhiều huyết khối, bác sĩ không thể can thiệp đặt stent ngay. Thay vào đó, anh được cho sử dụng thuốc chống huyết khối và theo dõi.
“Lúc vào viện, tôi gần như không thể nói được vì tức ngực, khó thở. Mới hôm qua, tôi còn phải lấy hơi mới nói được chứ không nói được nhiều như bây giờ”, người đàn ông chia sẻ.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất, cho hay trường hợp anh T. nhập viện trễ so với “khung giờ vàng” điều trị. Lúc này, tình trạng tắc động mạch vành đã muộn, người bệnh phải được đánh giá cẩn thận rồi mới đưa ra quyết định điều trị.
“Hiện tại, tình trạng bệnh nhân cải thiện hơn nhiều. Tuỳ vào kết quả chụp kiểm tra đánh giá lại mạch vành sắp tới, chúng tôi mới quyết định có nên đặt stent hay không. Nếu có tiến triển tốt, người bệnh sẽ không cần can thiệp mà chỉ cần điều trị dự phòng thứ phát bằng thuốc”, PGS Tân chia sẻ.
Bác sĩ Tân trao đổi phương pháp điều trị với anh T. Ảnh: Linh Thuỳ. |
Ngày càng nhiều người trẻ nhồi máu cơ tim
Chia sẻ với Tri thức - Znews, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất, ước tính mỗi tháng tại đơn vị này, số bệnh nhân trẻ tuổi (dưới 45 tuổi) phải cấp cứu vì nhồi máu cơ tim chiếm khoảng 20-30%. Điều đáng buồn là nhiều người mới chỉ ngoài 30 tuổi.
Theo PGS Tân, hiện nay, các yếu tố nguy cơ chính gây nhồi máu cơ tim xuất hiện ngày một nhiều ở những người trẻ, chẳng hạn hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, đái tháo đường... Một số trường hợp liên quan đến sử dụng chất gây nghiện như cần sa, cocaine...
“Số người nhập viện vì sử dụng chất kích thích không nhiều. Nhưng trường hợp nhập viện có tiền sử hút thuốc lá lại nhiều vô kể”, bác sĩ nói.
Bên cạnh đó, lối sống ít vận động, thường xuyên ăn thực phẩm nhiều chất béo cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rối loạn đường huyết… Đây đều là những yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch, lâu dần dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Đa số người nhập viện do mắc các bệnh lý tim mạch có tiền sử hút thuốc lá nhiều. Ảnh: Unsplash. |
Những căn bệnh trên đa phần không có triệu chứng nên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Hoặc đôi khi người bệnh có những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn như khó chịu nhẹ ở vùng ngực, khó thở, biểu hiện rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng gắng sức hơn so với trước đây, hay chỉ mệt…
“Vì tuổi còn trẻ, nhiều người không nghĩ rằng mình mắc bệnh tim mạch xơ vữa. Chỉ đến khi phải nhập viện vì nhồi máu cơ tim, họ mới bất ngờ khi biết mình mắc bệnh tim mạch”, PGS Tân chia sẻ thêm.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim ở người trẻ là tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm, lối sống kém vận động, hay tăng hoạt tính của một số yếu tố viêm trong cơ thể...
Theo PGS Tân, tỷ lệ cứu sống và hồi phục ở bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim thường cao nếu nhập viện sớm trong “thời gian vàng” điều trị. Bệnh nhân được nhập viện trong 3 giờ đầu có tỷ lệ cứu sống và hồi phục tốt nhất.
Nếu để càng lâu và không được điều trị, người bệnh sẽ bị nhiều biến chứng ảnh hưởng đến tiên lượng sống còn như suy tim, rối loạn nhịp tim, các biến chứng đe dọa tính mạng ngay như thủng vách liên thất, hở van tim cấp.
Ngoài ra, khi nhập viện muộn, dù được cứu sống, bệnh nhân và gia đình vẫn phải chịu gánh nặng rất nặng nề. Bên cạnh chi phí điều trị rất lớn, người bệnh đang trong độ tuổi lao động nặng gần như không thể quay lại làm việc như trước đây, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Do đó, PGS Tân khuyến cáo mọi người cần đi khám tim mạch ngay khi có những triệu chứng dù chỉ thoáng qua như đau ngực, khó thở, hay có bất cứ triệu chứng nào khó chịu ở vùng ngực.
Bên cạnh đó, việc tầm soát sức khỏe thường xuyên cũng là cách để mọi người nhận biết các yếu tố nguy cơ, từ đó tầm soát sức khỏe tim mạch chuyên sâu để có phương án điều trị sớm, tránh các biến chứng sau này.
'Vệ sĩ' vô hình của con người
Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.
Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.