Nhóm bạn trẻ sống và dạy chụp ảnh cho công nhân dọn rác
Thành quả của thời gian sống cùng, hướng dẫn các công nhân dọn rác tự chụp ảnh là một triển làm "Rác - cuộc sống quanh tôi" của các thành viên của nhóm Photovoie miền Nam.
Anh Lâm Văn Thông chỉ tay vào tấm ảnh mình chụp. |
Vợ chồng bác Ba thích thú xem lại những bức ảnh mình và đồng nghiệp chụp. |
Ngày chủ nhật (14/4), tại Cung văn hóa lao động TP.HCM bỗng nhiên có nhiều người công nhân thu gom rác tới xem triển lãm ảnh, ảnh xoay quanh cái nghề quanh năm làm bạn với rác. Những bức ảnh triển lãm 38 ảnh do chính những người thu gom rác dân lập tại quận Bình Thạnh và Gò Vấp chụp lại.
Để có những bức hình rất thực ấy, 6 bạn trẻ của nhóm Photovoice miền Nam, là các sinh viên, đã dành hơn 1 tuần nhập vai, sống, ăn, ở và làm cùng với các cô, chú thu gom rác. Đều đặn trong 1 tuần, các bạn thức đi thu gom rác từ 3h sáng cho đến trưa, hóa thân thành những công nhân rác thực thụ.
“Biết trước là nghề này chẳng sung sướng gì, nhưng chỉ khi sống cùng mọi người chúng mình mới cảm nhận rõ cơ cực cái nghề này. Thương nhất khi chiều đi làm về, ăn vội bữa cơm chiều rồi ngủ từ 7h tối để sáng mai dậy sớm đi làm, không có một sự giải trí gì, chỉ quanh quẩn làm bạn với rác”, bạn Khổng Thị Thúy Mỹ, trưởng nhóm dự án chia sẻ.
Bạn Bùi Thị Mỹ Yến (21 tuổi, ĐH Quốc Tế) thổ lộ: “Mình thấy có những bạn trong trường mình không tôn trọng cô lao công, rồi mình cũng muốn hiểu, trải nghiệm về cuộc sống của công nhân dọn rác nên mình tham gia dự án. Mình chẳng sợ cực, dơ bẩn mà còn thấy thú vị, qua những ngày sống cùng, mình được mấy cô chú thương lắm, xem như con trong nhà”.
Hòa nhập cùng, các bạn tình nguyện viên chỉ cô, chú cách sử dụng máy chụp hình. Sau đó giao máy trong một tuần, để tự chính bản thân họ chụp được những bức hình về chính cái nghề của họ. Thành quả là hơn 100 bức hình thu được sau đó. “Từ trước giờ tôi có biết chụp ảnh là gì đâu, được mấy bạn chỉ cho thấy cũng đơn giản, hóa ra chỉ cần bấm nút là chụp được. Có máy ảnh trong một tuần, tôi thường xuyên mang bên người để thấy cái gì hay là chụp liền”, anh Lâm Văn Thông ( 33 tuổi) kể lại. Đến nay anh Thông đã gắn bó với cái nghiệp của mình đươc 14 năm.
Trong buổi triển lãm, vẫn khoác trên mình chiếc đồng phục công nhân vệ sinh cũ, đã sờn màu; hai vợ chồng cô chú Phạm Văn Thiệt, Nguyễn Thị Đi chăm chú xem kỹ từng bức ảnh mình và đồng nghiệp chụp. Chỉ tay vào bức ảnh với nội dung “Chồng tôi kéo xe, con hẻm nhỏ quá nên nhìn thấy thương lắm. Tôi đang bị bệnh nặng cũng ráng giúp”, cô Đi chia sẻ. Trong khi đó, bác Ba (tên thân mật của chú Thiệt) cười khoe: “Bà xã tôi chụp đó, tôi thích bức này nhất”.
Photovoice được hiểu là phương pháp để cho chính chủ thể tự chụp ảnh, kể lại câu chuyện của mình qua ảnh. Hoạt động trên nằm trong dự án Tăng cường hòa nhập và tiếp cận an sinh xã hội cho người thu gom rác dân lập tại 7 quận của TP.HCM do nguồn tài trợ của Ủy ban châu Âu (EC) phối hợp cùng mạng lưới Thế hệ xanh thực hiện.
Xem lại một số tác phẩm từ Photovoice:
Triển lãm thu hút nhiều bạn trẻ tham quan. |
“Cúi mặt nhặt rác” : "Chúng tôi phải kiếm thêm bằng việc lượm lặt từng bị ni lông, chai mủ. Hình ảnh người lượm rác trên chiếc xe lam lúc nào cũng khom lưng, sát mặt vào rác để lượm lặt từng bao ni lông, chai mủ, mùi hôi nồng nặc cứ bay vào mũi và hít vào phổi. Vẫn biết là độc hại nguy hiểm, bệnh hoạn, luôn luôn phải tiếp xúc với miễn chai, kim tiêm, nguồn gây nhiễm HIV. Biết nhưng vẫn phải làm để kiếm sống. Lưng thì bị ánh nắng mặt trời chiếu vào bỏng rát cả người cả mặt" - ảnh : Trịnh Văn Du. |
“Ngoan - Hột bơ” : "Chị lựa hộp sữa, hột bơ. Hột bơ năm nào cũng lượm, bán 1 ký được 3.000 đồng, mỗi ngày có 2-3 ký. Ngoài hột bơ, mấy năm trước mua hột xoài, hột măng cụt. Mình đi tìm người ta, người ta để bảng mua mình tới mình án. Hỏi chủ hột bơ, người ta nói gửi về miền Tây người ta ươm trồng, mà không biết nói đúng hay không. Không chỉ có hột bơ, người ta mua cái gì mình lượm cái đó. Rửa sạch đem ra bán. Bữa nào ít để lại, dồn bữa nào nhiều đem bán" - ảnh: Bé Ngoan. |
“Sáu Ba kéo xe rác”, ảnh của cô Nguyễn Thị Đi. |
“Trước khi lấy rác”: "Cảnh trong đường rác lúc mình chưa lấy rác. Cảnh xe rác chuẩn bị lấy, khu này bên hẻm Thuỷ lợi 4 , phường 26. Quen từ lấy tiền rác thôi, nói chuyện thì dễ gì người ta nói chuyện với mình, người ta thấy mình người ta sợ muốn chết. Người ta thấy vậy, người ta tránh xa mình, đâu lại gần, chỉ có chị Thuý muốn xin nước là chị sẵn sang, lượm mấy giỏ bông, giỏ tre lượm cho chị. Với anh em chị Thuý, chỉ có mấy người là được. Được cái kiểu là giám tiếp xúc mình. Còn mấy người kia dễ gì" - ảnh: Lâm Văn Thông |
Môt bạn tình nguyện viên tham gia thu gom rác. |
Các thành viên của nhóm Photovoice miền Nam. |
Như Quỳnh
Theo Infonet