Nhiều video quảng cáo nồi cơm tách đường trên Facebook, YouTube hiện nay có dẫn công trình nghiên cứu của một số cơ quan uy tín, trong đó có Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội. Những thông tin này khiến nhiều người dân tin tưởng và cho rằng các nhà khoa học đang khuyến nghị người dân sử dụng loại nồi cơm này.
Trong một số chương trình truyền hình, kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội về nồi cơm tách đường cũng được giới thiệu với lời quảng cáo "một giải pháp của công nghệ giúp cải thiện sức khỏe".
Trên nhiều trang bán hàng trực tuyến cũng giới thiệu loại nồi này kèm mô tả: “Đã được đánh giá bởi Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực Phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội”.
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, PGS.TS Chu Kỳ Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết viện không phải cơ sở nghiên cứu, phát minh về nồi cơm tách đường, cũng như không quảng bá về loại nồi cơm này.
Loại nồi được quảng cáo có thể tách đường, tốt cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết hiện chưa có cơ sở khoa học để khẳng định điều này. |
"Kết quả nghiên cứu chỉ mang tính thống kê"
Theo PGS.TS Lương Hồng Nga, giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, nhóm nghiên cứu của viện vừa thực hiện đề tài "Đánh giá tính năng sản phẩm nồi cơm tách đường Homely”. Đây là một trong hàng loại nồi cơm tách đường đang được bán trên thị trường.
Trong đó, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích và đánh giá các chỉ tiêu dinh dưỡng và cơ lý của cơm nấu bằng nồi cơm điện thường và nồi cơm tách đường Homely. Đồng thời, các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá về phương diện cảm quan, nhằm chỉ ra sự khác biệt và mức độ chấp nhận của người tiêu dùng đối với cơm nấu từ hai loại nồi.
Với tư cách chủ nhiệm đề tài, PGS Nga cho hay về bản chất, nồi cơm điện tách đường nấu bằng điện chứa 2 lớp (lõi kép). Trong đó, một lớp nồi được chế tạo với các lỗ thủng nhỏ ở đáy để nước trong quá trình nấu được đưa xuống lớp bên dưới với mục tiêu làm mất đi một số chất hòa tan, các chất đường, làm giảm lượng đường trong cơm.
Kết quả cho thấy nồi cơm tách đường có làm giảm lượng đường tổng (8,4% ở gạo trắng, 20% ở gạo lứt), đường tan (25,8% và 31,2% tương ứng với mẫu gạo trắng và gạo lứt).
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, lượng đường trong cơm vốn dĩ thấp. Cơm là loại thực phẩm không chứa (chứa rất ít) đường đơn (glucose, fructose), chủ yếu là tinh bột (trên 80% chất khô là tinh bột).
Về điều này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng: “Nồi cơm này chỉ tách được lượng đường không đáng kể, không đáng để quảng cáo và mua về sử dụng”.
Nếu tin theo quảng cáo dẫn tới việc thoải mái ăn loại cơm được giới thiệu đã tách đường này, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người bệnh.
PGS.TS Lương Hồng Nga
Về độ tiêu hóa tinh bột, với gạo trắng, hàm lượng tinh bột tiêu hóa nhanh không có sự khác biệt. Tuy nhiên, cơm nấu nồi tách đường làm tăng hàm lượng tinh bột tiêu hóa chậm. Với gạo lứt, nồi cơm điện tách đường làm giảm khoảng 5% tinh bột tiêu hóa nhanh, tăng 5,8% tinh bột tiêu hóa chậm và không ảnh hưởng tinh bột bền.
Trong khi đó, cơm nấu bằng nồi tách đường làm giảm rõ rệt vitamin B1 (83,8% với gạo trắng và 67,8% với gạo lứt). Đây được cho là một chất dinh dưỡng quý, cần thiết trong cơm.
Theo PGS Nga, kết quả này chỉ mang ý nghĩa thống kê. Nhóm nghiên cứu so sánh mẫu kiểm chứng nấu bằng nồi thường với nồi cơm tách đường, cùng là 100 gram gạo.
Chưa hề kiểm định với người bệnh tiểu đường
Theo một số chuyên gia sức khỏe, nhiều quảng cáo trên YouTube, Facebook giới thiệu nồi cơm tách đường tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Với lời quảng cáo hấp dẫn, không ít bệnh nhân đã bỏ ra số tiền lớn mua loại nồi này.
Tuy nhiên, PGS Nga khẳng định: “Người tiêu dùng không nên tin vào quảng cáo nồi cơm điện tách đường tốt với người mắc bệnh tiểu đường, do chưa đủ cơ sở khoa học, chưa được kiểm chứng có hiệu quả tích cực đối với người mắc bệnh tiểu đường”.
Theo chuyên gia này, nhóm nghiên cứu mới chỉ dừng lại đánh giá, so sánh hai loại cơm nấu bằng nồi tách đường so với nồi thường, chỉ có ý nghĩa về mặt thống kê. Bà cảnh báo nếu tin theo quảng cáo dẫn tới việc thoải mái ăn loại cơm được giới thiệu “đã tách đường” này, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người bệnh.
“Muốn đánh giá về tiểu đường phải đánh giá cả chỉ số đường huyết. Kết quả nghiên cứu hiện tại chưa đủ cơ sở khoa học khẳng định nồi cơm điện tách đường có tác dụng và hiệu quả với người mắc bệnh tiểu đường.
Chúng tôi đề xuất cần xác định chỉ số đường huyết của cơm nấu bằng nồi cơm điện tách đường và tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên các loại gạo khác (gạo nếp, gạo xát dối, gạo Nhật…) để có được đánh giá tổng thể về hiệu quả của nồi cơm điện tách đường đối với người sử dụng, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường”, PGS Nga khẳng định.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh người dân không nên tin vào quảng cáo không có cơ sở khoa học. Người mắc bệnh tiểu đường cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, có chế độ dinh dưỡng phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ, thường xuyên luyên tập thể dục thể thao, không hút thuốc lá và uống rượu bia.