Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đang làm việc với 10 nhân viên của Phòng khám Đa khoa công nghệ 4.0 (tại phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) để làm rõ việc nhóm người này bán giấy xét nghiệm nCoV giả cho cổ động viên (CĐV) có nhu cầu vào sân theo dõi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản.
Theo cơ quan chức năng, nhóm này có dấu hiệu không test mà chỉ điền kết quả xét nghiệm rồi bán cho CĐV với giá 100.000-200.000 đồng/phiếu, thu lợi gần 50 triệu đồng trong ngày 11/11. Ngoài ra, họ còn có dấu hiệu làm giả một số giấy tờ, con dấu của cơ quan có thẩm quyền.
Với hành vi này, nhóm người này có thể bị xử lý ra sao?
Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch
Trong khi đội ngũ y bác sĩ, cơ quan chức năng cùng người dân đang phải gồng mình, căng sức phòng dịch, chấp nhận nhiều khó khăn, gian khổ, hành vi làm giả giấy xét nghiệm Covid-19 để bán cho những khán giả có nhu cầu nhằm kiếm lời là đáng lên án không thể chấp nhận, về cả góc độ luật pháp và đạo đức con người.
Dựa trên các hành vi như hành nghề mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; tự ý điền kết quả theo giấy tờ được đóng dấu, ký sẵn để bán lại mà không tiến hành test hay làm giả một số con dấu, giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền, có thể thấy hành vi của họ có dấu hiệu tội phạm hình sự. Tùy thuộc tính chất hành vi, những người liên quan có thể bị xử lý về 2 tội danh theo Bộ luật Hình sự 2015 là Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Giả mạo trong công tác.
Nhóm nhân viên làm giả giấy xét nghiệm. Ảnh: Đ.X. |
Về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh này.
Theo tài liệu cơ quan công an cung cấp, từ trưa 11/11 tới trước khi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản diễn ra, nhóm này đã bán ra hơn 300 phiếu xét nghiệm, thu lợi bất chính gần 50 triệu đồng. Với số tiền này, nhóm nhân viên có thể bị xử lý theo tình tiết định khung "thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng" tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 341 Bộ luật này. Khung hình phạt áp dụng là 2-5 năm tù.
Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, nhóm nhân viên không được cấp phép thực hiện hoạt động xét nghiệm. Tuy nhiên, họ vẫn dựng lều, bạt ngoài sân vận động để thực hiện hoạt động này dưới sự chỉ đạo của giám đốc phòng khám. Do đó, cần xem xét thêm trách nhiệm của người đứng đầu phòng khám.
Trong tình huống này, người đứng đầu đã trực tiếp ký, đóng dấu sẵn vào phiếu xét nghiệm để nhân viên bán cho các CĐV trong khi không có thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được cơ quan chức năng cho phép. Do đó, người này có thể bị xử lý về tội Giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Điều 359 Bộ luật này, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù 1-5 năm. Khoản 4 Điều 359 quy định nếu số giấy tờ giả được cấp từ 11 giấy trở lên, người phạm tội sẽ đối mặt khung hình phạt 12-20 năm tù.
Như vậy, với số lượng giấy xét nghiệm giả được bán ra là 300 tờ, người đứng đầu phòng khám có thể chịu mức án cao nhất là 20 năm tù.
Ngoài ra, người này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định trong 1-5 năm và phạt tiền 10-100 triệu đồng.