Nhiều người dân tại Đồng Nai chủ động tiêm vaccine có thành phần phòng bệnh bạch hầu tại các cơ sở tiêm chủng. Ảnh: Lê Xuân / TTXVN. |
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết những ngày qua, nhu cầu của người dân đến tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tăng cao.
Hiện tại, bệnh viện vẫn có đủ vaccine 5 trong 1 và các loại vaccine dịch vụ để phục vụ nhu cầu của người dân.
Các bác sĩ nhận định dù địa phương chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh bạch hầu, cũng không nằm ngoài nguy cơ do những năm trước, trong đợt dịch Covid-19, có nhiều trẻ đã bỏ lỡ mũi tiêm ngừa liên quan đến bệnh bạch hầu hoặc do tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 kéo dài vào năm 2023 nên cũng tạo nỗi lo dịch bệnh sẽ bùng phát.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết bệnh viện luôn sẵn sàng khu cách ly và điều trị đặc biệt, phòng khi có dịch bệnh xảy ra. Trường hợp có ghi nhận ca nhiễm bạch hầu, bệnh nhi sẽ được điều trị cách ly ngay lập tức. Khu vực cách ly và điều trị chỉ có nhân viên y tế được vào để chăm sóc. Bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn thuốc kháng sinh đặc hiệu để điều trị bệnh bạch hầu.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng. Người dân cần hiểu về bệnh và các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng bằng khăn sạch hoặc khuỷu tay áo khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể mũi họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh; thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; đảm bảo vệ sinh ăn uống; khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám và điều trị kịp thời…
Trước thông tin về tình hình bệnh bạch hầu, gần một tuần qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đổ xô đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, điều quan trọng là phải hiểu và nắm được các biện pháp để chủ động phòng, chống bệnh này.
Ghi nhận tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, trong sáng 17/7, có khoảng 100 người ở nhiều độ tuổi đến đây với mong muốn được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêm vaccine này tăng đột biến trong thời gian ngắn nên tại Trung tâm, loại vaccine 3 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván) Bosstrix của Bỉ đã hết.
Bà Nguyễn Thị Thương (54 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, bà biết được việc đã ghi nhận một trường hợp không qua khỏi do bệnh bạch hầu, đây là một loại bệnh nguy hiểm. Do bản thân có nhiều bệnh nền, sức khỏe yếu, bà đã chủ động đến cơ sở tiêm chủng để đăng ký tiêm vaccine phòng bạch hầu.
“Bản thân có nhiều bệnh nền, nên quan điểm của tôi luôn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tôi cũng không nhớ từng tiêm vaccine bạch hầu hay chưa, nhưng tôi vẫn chủ động đi tiêm phòng cho chắc. Giá của mỗi liều vaccine cũng tương đối thấp mà lại có thể bảo vệ được sức khỏe cho mình, giúp mình an tâm hơn," bà Nguyễn Thị Thương chia sẻ.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, số lượt người dân đưa trẻ đến tiêm vaccine phòng bạch hầu cũng tăng đột biến. Trước đây, mỗi ngày Bệnh viện tiêm phòng các loại vaccine từ 50 đến 70 trẻ, những ngày gần đây, lượng trẻ đi tiêm phòng tăng khoảng 30%.
Anh Nguyễn Đức Anh, ngụ phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, cho biết con gái anh trước đây đã tiêm được 2 mũi vaccine 5 trong 1. Do đợt dịch Covid-19 vừa qua, bé bị lỡ mất một mũi tiêm. Sau khi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh bạch hầu, gia đình lo lắng nên đã đưa con đi tiêm mũi nhắc lại cho an tâm.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, tổng nhu cầu năm 2024 của địa phương là hơn 90.000 liều vaccine 5 trong 1. Tuy nhiên, từ đầu năm đến tháng 7, tỉnh mới nhận được 35.500 liều.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình (Nhà xuất bản Công Thương liên kết công ty Cổ phần Sách Thái Hà Books) tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Giải thưởng dự kiến trao vào đầu tháng 10.