Rượu cũng có thể làm tăng huyết áp và có hại cho tất cả cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả dạ dày và gan. Ảnh: Addictioncenter. |
Từ bữa tiệc tại nơi làm việc đến buổi họp mặt gia đình và gặp gỡ bạn bè trong quán rượu, mùa lễ Tết là dịp chúng ta uống nhiều rượu hoặc các loại đồ uống có cồn hơn.
Nhiều người chắc hẳn đã trải qua cảm giác đau đầu sau cơn say trong dịp lễ Giáng sinh hay buổi tiệc cuối năm, mừng năm mới, nhưng bạn có bao giờ tự hỏi việc say thực sự gây ra hậu quả gì cho cơ thể?
Theo các chuyên gia, uống quá nhiều rượu gây ra ảnh hưởng về thể chất lẫn tinh thần cho chúng ta.
Nguy cơ sức khỏe
Signe Svanfeldt, chuyên gia dinh dưỡng của Lifesum, cho biết: “Một số loại đồ uống có cồn như rượu vang đỏ có chứa chất chống oxy hóa, nhưng ảnh hưởng tiêu cực của rượu vượt xa tác dụng tích cực của nó”.
Thật tuyệt khi thưởng thức một ly rượu nếu bạn thích nó. Nhưng Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyến nghị chúng ta không nên tiêu thụ quá 14 đơn vị rượu/tuần. Điều này mang đến nhiều tác hại cho sức khỏe.
Steph Keenan, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện về rượu và sức khỏe tâm thần With You, cho biết: “Uống quá nhiều rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và tim mạch. Rượu cũng có thể làm tăng huyết áp và có hại cho tất cả cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả dạ dày và gan”.
Uống rượu quá mức gây hại cho gan theo 2 hướng, đầu tiên nó làm sẹo trong gan, gọi là xơ gan.
Rob Hobson, Trưởng bộ phận dinh dưỡng tại Healthspan, chia sẻ: “Rượu làm thay đổi các chất hóa học đóng vai trò phân hủy và loại bỏ mô sẹo, từ đó hình thành mô sẹo. Theo thời gian, chúng thay thế các tế bào khỏe mạnh và gan phải vật lộn để hoạt động bình thường”.
Ngoài ra, rượu có thể gây tích tụ chất béo trong cơ quan.
“Bệnh gan nhiễm mỡ có thể khiến gan không hoạt động bình thường. Điều này có thể ngăn ngừa bằng cách ngừng uống rượu trong ít nhất 2 tuần”, ông Hobson nói.
Theo ông Hobson, bản chất sinh nhiệt của rượu có nghĩa là cơ thể cũng sử dụng chất này như nguồn năng lượng bên cạnh việc tích trữ chất béo. Uống rượu quá mức có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt đối với nam giới, điều này tập trung quanh bụng. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch".
Ngoài tác động trực tiếp, uống rượu đến mức say xỉn có thể góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Bà Keenan nói: “Nó cũng làm tăng nguy cơ chấn thương và các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp”.
Hoạt động của não
Uống cạn rượu có thể mang lại cảm giác hưng phấn và bùng nổ năng lượng ngay phút ban đầu, nhưng đó lại là câu chuyện khác trong “chất xám” của bạn.
Bà Svanfeldt nói: “Uống rượu có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và làm chậm hoạt động của não. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng tự kiểm soát của bạn”.
Đó là lý do tại sao một số người có hành vi nguy hiểm hơn khi say rượu hoặc có thể họ bị ngã và không thể nhớ tại sao mình lại có những vết bầm tím vào sáng hôm sau.
Uống rượu có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và làm chậm hoạt động của não. Ảnh: Pexels. |
Các vấn đề về giấc ngủ
Bà Keenan nói: “Nếu bạn khó ngủ, rượu có thể giúp ích trong thời gian ngắn vì nó khiến bạn cảm thấy thư thái hơn. Nhưng thường xuyên uống rượu làm các vấn đề về giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn”.
Và ngay cả khi đã say sau một vài bữa tiệc, bạn cũng ngủ không ngon giấc. Ông Hobson cho hay: “Rượu có thể làm giảm phần phục hồi của chu kỳ giấc ngủ cũng như cản trở dòng canxi đi vào các tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến vùng não kiểm soát chức năng giấc ngủ”.
Bạn cũng có thể thấy mình thức dậy thường xuyên hơn vì rượu gây mất nước, ức chế hormone chống lợi tiểu (ADH) khiến bạn đi vệ sinh thường xuyên hơn, ông Hobson cho biết thêm.
Thay đổi cảm xúc
Uống một vài ly rượu có thể gây ra sự gia tăng đột biến của dopamine, chất gây cảm giác “say xỉn trong hạnh phúc”. Nhưng về lâu dài, rượu có thể hoạt động như chất gây trầm cảm.
Bà Keenan giải thích: “Uống rượu thường xuyên ảnh hưởng đến chất hóa học trong não theo cách có thể dẫn đến cảm giác chán nản. Mọi người uống rượu vì họ cảm thấy chán nản, nhưng việc sử dụng nhiều rượu sẽ khiến tâm trạng trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến việc uống nhiều hơn”.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.