Giành giải nhất cuộc thi Today’s Voice do Tổ chức UNESCO-CEP Việt Nam tổ chức, bốn sinh viên Nguyễn Phượng Thảo Trang, Nguyễn Thanh Mai Hương (ĐH Kinh tế - Luật ĐH Quốc gia TP.HCM), Lê Hằng Uyên Vân (ĐH Luật TP.HCM), Hà Thị Thu Uyên (ĐH Kinh tế TP.HCM) được mời tham gia hành trình khám phá, học tập ở đất nước Thái Lan trong 5 ngày.
Từ dự án "Trao đổi thời gian"
Theo ông Nguyễn Hữu Vũ Khoa - giám đốc Phát triển dự án, Trung tâm UNESCO-CEP Việt Nam, bốn sinh viên này đã xuất sắc vượt qua hàng nghìn bạn trẻ khác để giành giải nhất cuộc thi cuộc thi Today’s Voice.
Đây là cuộc thi do UNESCO-CEP tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của người Việt trẻ trong bối cảnh toàn cầu hoá. Phần thưởng ngoài 40 triệu đồng tiền mặt, nhóm sẽ có chuyến tham quan, học tập một tuần ở Thái Lan.
Từ phải qua: Thảo Trang, Thanh Hương, Hằng Vân, Thu Uyên tham quan tập đoàn kinh tế có lịch sử hơn 100 thành lập SCG ở thủ đô Bangkok. Ảnh: Phước Tuần. |
"Với mong muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên Việt, rèn luyện kỹ năng mềm nên ở cuộc thi này, ban tổ chức đã đưa ra rất nhiều thử thách cho thí sinh. Mỗi thử thách cần được thí sinh vận dụng nhiều kỹ năng và sự quyết tâm, đoàn kết để cùng vượt qua", ông Khoa chia sẻ thêm về cuộc thi.
Để giành được giải nhất, nhóm sinh viên đã xây dựng dự án Trao đổi thời gian.
Thảo Trang cho biết dự án là một phần mềm quản lý giúp các bạn trẻ có thể trao đổi thời gian, hướng dẫn dạy và học kỹ năng lẫn nhau mà không mất tiền. Hy vọng dự án triển khai sẽ giúp sinh viên chúng ta sẽ tích lũy được nhiều kỹ năng hơn sau khi ra trường.
"Nhìn thấy sinh viên rất thiếu kỹ năng nhưng đi học các lớp đào tạo khá tốn kém nên nhóm nghĩ ra ý tưởng này.
Các bạn có thể dành thời gian rảnh để dạy cho bạn bè một kỹ năng bất kỳ mà mình biết và sẽ được học lại một kỹ năng từ thành viên khác. Khi bạn bè hưỡng dẫn, dạy cho nhau thì sinh viên rất dễ tiếp thu và thoải mái", Thu Hương nói.
Làm quen với văn hoá Thái
Hành trình trải nghiệm, khám phá Thái Lan giúp bốn sinh viên Việt có thêm bài học giá trị về kỹ năng làm việc, những mô hình phát triển bền vững ở thủ đô Bangkok và tỉnh Rayong.
Qua những buổi tham quan, trao đổi, các bạn trẻ có thể hiểu thêm về văn hóa, kỹ năng làm việc, mô hình phát triển bền vững và cả về các giá trị cá nhân để phát triển bản thân.
Bốn bạn cùng người dân, nhân viên SCG đắp đập giữ nước để bảo vệ môi trường rừng ở tỉnh Rayong, Thái Lan. Ảnh: Phước Tuần. |
"Mình xem đây như chuyến đi thực tập quý báu để hiểu thêm kỹ năng làm việc, văn hóa kinh doanh của một tập đoàn kinh tế lớn. Những bài học các anh chị chia sẻ sẽ là hành trang quý giúp mình sau khi ra trường", Nguyễn Thanh Mai Hương (sinh viên ĐH Kinh tế - Luật ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ.
Tham quan nơi làm việc của tập đoàn hơn 100 năm phát triển, các cô gái đều ấn tượng với những điều mắt thấy, tai nghe ở SCG. Các bạn được chính các anh chị giúp đỡ nhiệt tình, được giao lưu, chia sẻ và trực tiếp trải nghiệm không gian làm việc.
Nguyễn Hà Thu Uyên (sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) tâm sự: “Các anh chị ở đây rất thân thiện, môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp. Sau chuyến đi, mình nghĩ phải cần rèn luyện thêm kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn để có thể làm việc ở Thái Lan".
Theo bốn bạn, hành trình thú vị nhất của chuyến đi chính là những ngày tham quan, tìm hiểu các mô hình kinh tế "Phát triển bền vững" ở tỉnh Rayong. Đây là một dạng phát triển kinh doanh nhưng vẫn hướng đến cộng đồng xã hội thông qua các dự án giúp người dân ổn định cuộc sống.
"Nhóm mình đã được các anh chị SCG giới thiệu mô hình sấy chuối để tăng thêm thu nhập cho người dân, mô hình giun đất phân hủy rác hữu cơ, nhà cá ở biển, xây đập giữ nước để bảo vệ môi trường. Các mô hình đều rất hay, mới lạ và mình có thể áp dụng ở Việt Nam", Uyên Vân nói.
Các cô gái tìm hiểu mô hình nhà cá, giúp người dân bảo vệ môi trường biển ở tỉnh Rayong, Thái Lan. Ảnh: Phước Tuần. |
Còn với Thanh Hương, ấn tượng nhất ở đất nước Thái Lan chính là hầu hết công ty, nhà hàng hay trung tâm mua sắm đều có ba thùng rác để phân loại.
"Mình rất thích cách phân loại rác từ đầu thế này sẽ giúp cho việc xử lý rác hiệu quả, đỡ tốn kém và có thể tái chế được. Hy vọng các bạn trẻ ở Việt Nam cũng sẽ có thói quen phân loại rác", Thanh Hương bộc bạch.
Ngoài được học hỏi nhiều kỹ năng ở SCG, bốn sinh viên còn được tìm hiểu lịch sử, ẩm thực, văn hóa của đất nước Chùa Vàng.
"Có đi nhiều mình mới trải nghiệm, học hỏi rất nhiều điều mới lạ. Khi ấy phải tự dặn bản thân cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để phát triển bản thân trong suy nghĩ, kỹ năng sống cũng như kỹ năng chuyên môn công việc tương lai", Thảo Trang tâm sự.
Còn Thanh Hương cho hay: "Mình nhớ nhất trong những ngày ở Thái có lẽ là bác tài xế lái xe bên phải và đồ ăn ở Thái món nào cũng khá cay".
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, bài học quý giá. Hy vọng những bài học từ hành trình trên đất Thái sẽ giúp bốn sinh viên trưởng thành, tích lũy cho mình những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho tương lai.