Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc cúm mùa có xu hướng tăng nhanh. Con số này cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Dù đa phần bệnh nhân tới khám có triệu chứng nhẹ, một số trường hợp vẫn phải nhập viện do diễn biến nặng hoặc đứng trước những nguy cơ gặp biến chứng.
Biến chứng chủ yếu liên quan hô hấp
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết thời gian qua, trong số hàng trăm trường hợp bệnh nhi tới khám tại cơ sở y tế này mỗi ngày, 50% trong số đó được chẩn đoán mắc cúm mùa.
“Thông thường, mùa hè không phải thời gian dịch cúm bùng phát. Tuy nhiên, năm nay xuất hiện điểm bất thường là giữa mùa hè chúng ta vẫn ghi nhận số lượng lớn bệnh nhân cúm, gồm cả trẻ em và người lớn. Điều này hiện vẫn chưa được giải thích. Tuy nhiên, tình trạng trên có thể liên quan yếu tố thời tiết”, vị chuyên gia nhận định.
Một bệnh nhi được điều trị cúm mùa tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo. |
TS Thúy cho hay trẻ mắc cúm thường có biểu hiện sốt cao 39-40 độ C, viêm long đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng… Những bé lớn có thể kêu mệt, đau họng, trong khi các trẻ nhỏ thường chỉ sốt cao, ho, nôn, ăn uống kém.
Những trường hợp cúm không có biến chứng thường sẽ được kê đơn thuốc về điều trị tại nhà. Phụ huynh cũng sẽ được tư vấn cách chăm sóc trẻ tại nhà cũng như hướng dẫn đưa đến khám ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng.
Theo TS Thúy, hầu hết trường hợp mắc cúm mùa có diễn biến bệnh khá nhẹ, lành tính. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh một số biến chứng nặng vẫn có thể xảy ra. Thường gặp nhất là các biến chứng viêm đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi…
Bên cạnh đó, một số ít trường hợp có thể gặp các biến chứng liên quan hệ thần kinh như viêm não, bệnh liên quan cơ…
“Khi xuất hiện biến chứng, bệnh nhân cúm sẽ có một số triệu chứng như ho sâu và dày hơn, đờm đặc, triệu chứng toàn thân nặng lên, mệt, ăn uống kém…”, vị chuyên gia nói thêm.
Lúc này, trẻ sẽ được chỉ định nhập viện để có điều kiện chăm sóc, theo dõi và điều trị thích hợp.
TS Thúy thông tin thêm: “Trong số các bệnh nhi đang điều trị cúm tại khoa Nhi thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng tôi cũng ghi nhận những trường hợp có viêm phế quản phổi, viêm phổi”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhóm người lớn tuổi. Trong vòng 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân mắc cúm có xu hướng tăng lên.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bên cạnh thời tiết, nhiều yếu tố cũng có thể trở thành điều kiện để cúm A bùng phát sớm như không gian hẹp, thông khí hạn chế.
Ngoài ra, trong 2 năm chống dịch Covid-19, nhiều người cũng xuất hiện tâm lý e ngại tới nơi đông người, không đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng cúm định kỳ.
Tại khoa Nội Tổng hợp, 20 bệnh nhân hiện phải điều trị nội trú. Trong số này, đa phần là trường hợp có bệnh lý nền về huyết áp, tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính và phụ nữ có thai.
“Cúm là bệnh lý do virus. Chúng ta hiện cũng có đầy đủ thuốc kháng virus đặc hiệu điều trị cúm. Do đó, với các trường hợp phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trong 3 ngày đầu của bệnh, bệnh nhân sẽ đáp ứng khá tốt và không có nguy cơ diễn biến nặng”, bác sĩ Ninh nói.
Vị chuyên gia cho hay biến chứng nặng hàng đầu của cúm là viêm phổi, gây suy hô hấp, buộc các bác sĩ phải đặt ống thở máy cho bệnh nhân. Với việc đặt ống thở máy, người bệnh sẽ đứng trước nhiều nguy cơ khác như bội nhiễm thêm vi khuẩn, suy tạng như tim, gan…
Ai có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc cúm?
Theo tiến sĩ Thúy, các trường hợp có nguy cơ cao gặp phải biến chứng của cúm là bệnh nhi mắc cúm trên cơ địa đặc biệt như béo phì, tiền sử hen, có yếu tố nguy cơ khác như sinh non, mắc bệnh tim, suy dinh dưỡng…
Với đối tượng người trưởng thành, bác sĩ Ninh cũng cho biết các bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc cúm là người lớn tuổi, có bệnh lý nền liên quan huyết áp, tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính và phụ nữ mang thai. Các trường hợp này sẽ phải nhập viện để được điều trị nội trú và theo dõi sát tình trạng sức khỏe.
“Với các bệnh nhân này, vấn đề khó khăn nhất là phải kiểm soát tốt bệnh lý nền kèm theo. Khi nhiễm virus, vi khuẩn, tình trạng sẽ trở nên rất nặng nề”, vị chuyên gia lưu ý.
Nhiều người cao tuổi, mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc cúm. Ảnh: Thạch Thảo. |
Từ đây, tiến sĩ Ninh khuyến cáo ưu tiên hàng đầu trong trường hợp này là tiêm vaccine phòng cúm định kỳ, đồng thời hạn chế tiếp xúc đông người, tới nơi thông khí kém.
Ngoài ra, bà lưu ý việc nhận biết cúm khá đơn giản khi bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng của viêm long đường hô hấp khá điển hình như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi… Tuy nhiên, các triệu chứng này lại khá giống Covid-19 hay những bệnh lý viêm đường hô hấp khác.
Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng nói trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, làm xét nghiệm, từ đó xác định nguyên nhân gây tổn thương hô hấp, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
“Rất nhiều người nhầm lẫn cúm với Covid-19, từ đó sinh tâm lý chủ quan. Tuy nhiên, dù triệu chứng giống nhau, phác đồ điều trị của 2 bệnh lý này hoàn toàn khác nhau”, thạc sĩ Ninh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, với người cao tuổi, các bác sĩ cũng khuyến nghị cần cố gắng giữ ấm đường hô hấp, uống đủ nước để đảm bảo niêm mạc đường hô hấp có độ ẩm nhất định. Độ ẩm này sẽ tạo điều kiện cho vi nhung mao ở đường hô hấp đẩy các chất ngoại lai, vi sinh vật ra ngoài, từ đó tạo lá chắn tự nhiên cho cơ thể trước mầm bệnh.