Những biệt động âm thầm hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước
Thứ hai, 30/4/2018 12:36 (GMT+7)
12:36 30/4/2018
Họ âm thầm chiến đấu cho sự nghiệp thống nhất đất nước dưới tên, thân phận giả. Có người hy sinh nhưng không ai biết họ tên gì, quê ở đâu.
Nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa - Củ Chi, TP.HCM) từng hai lần tiến vào Dinh Độc Lập. Trong chiến dịch Mậu Thân (1968), bà là người phụ nữ duy nhất trong đội biệt động gồm 15 người nhận nhiệm vụ tấn công Dinh Độc Lập. Ngày 30/4/1975, bà Nghĩa cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào Dinh Độc Lập sau khi chính quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) sinh năm 1928 ở Hà Tĩnh, thường được gọi là “tướng biệt động). Ông từng là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng quân khu Sài Gòn - Gia Định, Chỉ huy trưởng Đoàn F100. Ông Tư Chu đã chỉ huy, trực tiếp tham gia nhiều cuộc tấn công của đơn vị F100 biệt động Sài Gòn gây chấn động thế giới như đánh chìm tàu sân bay USS Card trên sông Sài Gòn, làm hư hại và chìm 21 máy bay, trận khách sạn Métropole. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã treo thưởng 2 triệu USD cho ai bắt và giết được ông. Ông cũng là người lên kế hoạch X cho chiến dịch Mậu Thân.
“Huyền thoại biệt động” Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) sinh năm 1930 ở Bình Thuận. Năm 1956, ông hoạt động ở Sài Gòn dưới vỏ bọc của một người lao động nghèo tha hương. Hai năm sau ông bị bắt giam 3 năm rồi được thả vì không tìm thấy chứng cứ buộc tội. Năm 1964, ông được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội 5, F100, góp phần làm nên những trận đánh vang dội của biệt động Sài Gòn. Bảy Bê cũng là người chỉ huy trận đánh sập khách sạn Caravelle trong ngày xử bắn anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (24/10/1964).
Nữ biệt động Phạm Thị Bạch Liên, tức ni cô Diệu Thông, là người dựng lên chùa Bổn Nguyện - trụ sở chính của tổ biệt động do Tư Chu chỉ huy. Nắm rõ đường phố, tất cả các cơ quan đầu não của chính quyền Mỹ - Sài Gòn, bà trở thành mắt xích không thể thiếu trong các trận đánh. Ni cô Diệu Thông cũng là nguyên mẫu ni cô Huyền Trang trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”.
Biệt động Lê Tấn Quốc (bí danh Chín Quốc) từng tham gia nhiều trận đánh với vai trò đội trưởng đội biệt động C10, C50, C67 và biệt động Thành đoàn. Ông từng cùng đồng đội thực hiện nhiều cuộc tấn công, gây tổn thất nặng nề cho quân, chính quyền đối phương. Năm 1969, Chín Quốc bị thương hỏng mắt và bị bắt trong một trận càn. Năm 1973, ông được trao trả theo Hiệp định Paris. Hai năm sau, ông trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiếng công mùa Xuân năm 1975 ở cánh Tây Nam.
Sau trận Mậu Thân 1968, bức ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan cầm súng bắn thẳng vào đầu một người ngay trên đường phố chấn động thế giới. Nhân vật trong ảnh là chiến sĩ biệt động chưa rõ danh tính. Ông là Bảy Lốp (Nguyễn Văn Lém) hoặc Bảy Nà (Lê Công Nà).
Huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai được mệnh danh “con thoi sắt”. Cuộc đời bà gắn liền với chiến công thành lập 6 hầm vũ khí cung cấp cho quân đội, tạo hơn 20 cơ sở nuôi cán bộ, chăm sóc thương bệnh binh. Bà từng bị bắt 3 lần. Dù bị tra tấn tàn khốc, nữ biệt động vẫn giữ vững lòng kiên trinh.
Chiến sĩ biệt động “Ba Đen” Ngô Thành Vân là người chỉ huy tổ biệt động đánh vào tòa đại sứ Mỹ Tết Mậu Thân. Tại thời điểm đó, ông phụ trách quản lý 14 hầm vũ khí trong nội thành.
Anh hùng Trần Văn Lai, tự Mai Hồng Quế, là chiến sĩ biệt động với vỏ bọc là doanh nhân giàu có. Trong quá trình hoạt động, ông vận chuyển hàng tấn vũ khí vào nội đô, xây dựng 7 căn hầm tại nhà riêng để giấu vũ khí, nuôi cán bộ. Sau trận Mậu Thân 1968, ông bị lộ. Chính quyền Sài Gòn treo thưởng 1 triệu đô cho người bắt được ông.
Năm 1965, biệt động Lê Văn Việt (Tư Việt) phụ trách tổ chiến đấu tấn công Đại sứ quán Mỹ - một mục tiêu được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Trong trận đánh này, ông bị bắt và đày ra nhà tù Côn Đảo. Ông cùng hai đồng đội vượt ngục nhưng không thành. Sau khi bị bắt lại, ông chịu sự tra tấn dã man và qua đời vào tháng 11/1966.