Những bộ phim lừng danh của tác giả ‘Mirai: Em gái đến từ tương lai’
Thứ sáu, 27/7/2018 06:00 (GMT+7)
06:00 27/7/2018
Cho tới trước “Mirai of the Future” năm nay, các bộ phim của Mamoru Hosoda luôn được các tín đồ của anime nói riêng và khán giả điện ảnh nói chung yêu mến.
Từng phục vụ cho xưởng hoạt hình Toei trong buổi đầu sự nghiệp, Mamoru Hosoda chuyển tới làm việc cho Madhouse vào khoảng thời gian 2005-2011, và mới tự mở Studio Chizu cùng người cộng sự lâu năm Yuichiro Saito từ 2012. Trong khoảng gần 15 năm qua, nhà làm phim 50 tuổi đã để lại nhiều dấu ấn trong cộng đồng người yêu thích hoạt hình Nhật Bản (anime).
The Girl Who Leapt Through Time (2006): Được coi như phần tiếp theo không chính thức của cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1967, The Girl Who Leapt Through Time là câu chuyện về Makoto (Riisa Naka) - cô gái cá tính bỗng nhiên sở hữu khả năng đi ngược thời gian. Makoto có thể sửa chữa rất nhiều sai lầm trong cuộc sống mà không hề hay biết mình đang gây ra hậu quả cho người khác.
Được giới phê bình đánh giá rất cao, The Girl Who Leapt Through Time là câu chuyện tuyệt đẹp và day dứt về tuổi trưởng thành nhiều mộng mơ, lắm tiếc nuối. Đây là tác phẩm giành giải Phim hoạt hình xuấtsắc của Viện hàn lâm Nhật Bản vào năm 2007, qua đó giúp Mamoru Hosoda khẳng định tên tuổi khi mới chuyển tới hãng Madhouse.
Summer Wars (2009): Bộ phim tiếp theo của Hosoda theo chân thần đồng toán học Kenji Koiso (Ryunosuke Kamiki) trong kỳ nghỉ hè vô cùng kỳ lạ. Cậu vừa phải giả làm bạn trai của một người chị khóa trên là Natsuki (Nanami Sakuraba), vừa phải đối đầu với một con virus đang muốn đánh chiếm thế giới loài người.
Nội dung Summer Wars ra đời trong thời kỳ mạng xã hội bắt đầu lên ngôi, còn Mamoru Hosoda thì muốn kể câu chuyện về mối quan hệ giữa những con người xa lạ. Sự sáng tạo ấy giúp bộ phim thu hơn 18 triệu USD toàn cầu, đồng thời nhận giải Phim hoạt hình xuất sắc của Viện hàn lâm Nhật Bản vào đầu năm 2010.
Wolf Children (2012): Tác phẩm bắt đầu từ mối nhân duyên kỳ lạ giữa người và sói. Hana (Aoi Miyazaki) bất chấp tất cả để đem lòng yêu chàng người sói, cùng anh sinh hạ hai đứa con nhỏ. Nhưng khi người thương đột ngột qua đời, Hana chỉ còn lại một mình với thách thức nuôi dạy hai hậu duệ của người sói trong thế giới loài người.
Wolf Children là câu chuyện tuyệt đẹp và màu nhiệm về tình thân, qua đó chinh phục số đông giới phê bình khó tính. Như cây bút Chris Michael của tờ The Guardian đã nhận xét rằng đây là bộ phim gia đình xuất sắc. “Nó bình lặng, hài hước, nhưng cũng hết sức ý nghĩa, và ở đẳng cấp mà Twilight không bao giờ có thể vươn tới”.
The Boy and the Beast (2015): Cậu bé Ren (Aoi Miyazaki, Shōta Sometani) mới chỉ 9 tuổi khi mẹ qua đời và bị người cha bỏ rơi. Chú bé có bản tính mạnh mẽ và ngang bướng ấy quyết định bỏ nhà ra đi, lưu lạc ở đủ mọi ngóc ngách. Trong một lần lang thang ở khu Shibuya, Ren lạc vào thế giới song song Juutengai - nơi tồn tại các loài siêu thú khổng lồ có khả năng nói chuyện như con người. Cậu gặp gỡ Kumatetsu (Kōji Yakusho). Đó là linh thú mang hình hài gấu nâu và đang tìm kiếm truyền nhân.
Giống các tác phẩm trước của Hosoda, The Boy and the Beast nhận vô số lời khen ngợi từ giới phê bình nhờ phần đồ họa cuốn hút và cách kể chuyện đầy thuyết phục. Mark Schilling của tờ The Japan Times từng so sánh sự màu nhiệm của tác phẩm với loạt Harry Potter, với trung tâm cũng là câu chuyện về sự trưởng thành. The Boy and the Beast gặt hái thành công khổng lồ tại phòng vé với doanh thu lên tới gần 50 triệu USD, và cũng giành giải Phim hoạt hình xuất sắc từ Viện hàn lâm Nhật Bản.
Mirai of the Future (2018): Dự án mới nhất của Mamoru Hosoda xoay quanh Kun (Moka Kamishiraishi). Cậu bé 4 tuổi sống trong niềm hạnh phúc và sự cưng chiều của gia đình. Nhưng mọi chuyện bỗng thay đổi khi cô em gái Mirai xuất hiện, khiến Kun dần thu mình lại. Một ngày nọ, “cánh cửa thần kỳ” xuất hiện tại mảnh sân mà cậu hay chơi đùa, đưa Kun tới nơi mà quá khứ, thực tại và tương lai đan xen. Nhân vật lần lượt có cơ hội gặp gỡ mẹ mình khi còn là bé gái, và đặc biệt là Mirai (Haru Kuroki) khi đã là một nữ sinh trung học.
Theo lời chia sẻ của Hosoda, Mirai of the Future là chuyến hành trình học cách biểu lộ yêu thương và cùng nhau trưởng thành của các nhân vật trong phim. Đây là tác phẩm dành cho mọi lứa tuổi, bởi trẻ em có thể cùng cười vui với bộ đôi Kun - Mirai, còn người lớn sẽ tìm kiếm những ẩn dụ trong từng khung hình mà nhà làm phim đem lại. Tại Việt Nam, Mirai of the Future - Mirai: Em gái đến từ tương lai chuẩn bị khởi chiếu từ 3/8.
Nhân dịp Mirai: Em gái đến từ tương lai chuẩn bị khởi chiếu từ 3/8, Zing.vn cùng nhà phát hành bộ phim gửi tặng độc giả 4 cặp vé tham dự buổi công chiếu bộ phim tại Hà Nội và TP.HCM vào tối 2/8.
Hãy trả lời chính xác câu hỏi sau rồi gửi đáp án về e-mail phimanh@zing.vn. Những đáp án chính xác và nhanh nhất sẽ được nhận vé.
Câu hỏi: Mamoru Hosoda từng suýt tham gia dự án nào của Studio Ghibli nhưng rút lui vì bất đồng quan điểm?
Độc giả vui lòng gửi e-mail trả lời trước 15h ngày 31/7 và ghi rõ số điện thoại, chứng minh nhân dân để ban biên tập có thể liên lạc và gửi vé trong trường hợp trúng giải.
Lê Bống gây tranh cãi khi hóa thân cô giáo Tâm trong "Không thời gian". Một bộ phận khán giả nhận xét cô biểu cảm thiếu linh hoạt, diễn xuất chưa có cảm xúc.
Ê-kíp "The queen who crowns" phủ nhận chuyện bất chấp dùng cảnh nóng câu kéo khán giả, đồng thời khẳng định đã thảo luận kỹ với diễn viên trước khi ghi hình.