Tới gặp tướng Lê Mã Lương trong một sáng mùa đông Hà Nội, ấn tượng đầu tiên về ông là sự nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ mọi câu chuyện thú vị mà cuộc đời người lính trải qua.
Giọng ông dứt khoát, tự hào về thời máu lửa suốt những năm tháng chiến tranh. Đằng sau người anh hùng ấy là câu chuyện tình xúc động. Ông nói, nhiều người cho rằng những người lính thường khô khan vì chiến đấu, song chính gian khổ đã khiến trái tim họ trở nên ấm áp vô cùng.
Tướng Lê Mã Lương và vợ Lê Thị Bích Đào. Ảnh: GDVN. |
Tướng Lê Mã Lương sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng tại Thanh Hóa. Ông được hưởng chế độ đi học nước ngoài, nhưng lại chọn ra chiến trường năm 1967.
Sau thời gian chiến đấu tại Quảng Trị, ông được cử đi học tại Học viện Chính trị và tình cờ gặp cô giáo trẻ Lê Thị Bích Đào vào tháng 12/1971. Tình yêu nảy nở với người lính và nữ giáo viên, những tâm sự được 2 người chia sẻ cùng nhau qua những dòng thư.
Trong bức thư đầu tiên, ông viết: “Buổi đầu gặp em, hình ảnh em chỉ như phảng phất trong tâm trí anh, nhưng những ngày sau đó dần dà những cảm giác dịu ngọt, trìu mến đã len vào tâm khảm anh. Cho đến bây giờ, thực tình anh khó trả lời được rằng nó đến với anh từ khi nào...
Những lúc ngồi bên em, anh đã có lần tự hỏi: “Cô gái ấy có thể nào lại là một người bạn lớn của mình?”. Anh đã nghiệm thấy rằng, đối với anh, em thân quý hơn anh tưởng. Em đem đến cho anh một tình thương sâu đậm, khởi động trong anh một tình yêu nồng cháy, thiết tha. Anh có cảm giác hình như em đã có một phần nào hy sinh vì anh, vì một lẽ sống thiêng liêng, cao thượng.
Em không nói song anh hiểu trong em đang có một cuộc đấu tranh không phân giới tuyến, không đổ máu, cũng thực vô cùng quyết liệt, phức tạp. Vì những lẽ đó mà anh đã suy nghĩ rất nhiều, liệu em có chịu đựng nổi thử thách của thời gian?
Đào ạ! Anh mong em chóng đứng trong đội ngũ của Đảng, đem tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Anh muốn em không những là người bạn lớn mà còn là người đồng chí của anh nữa...”.
Tháng 7/1972, người lính Lê Mã Lương trở lại chiến trường Trị Thiên - Huế. Ngày tiễn người yêu, cô gái trẻ không dám tới gặp mà chỉ đứng tiễn biệt từ xa, nơi giữa cánh đồng. Hình ảnh này không phôi pha trong tâm trí anh bộ đội khi ấy.
Bức thư gửi người yêu ngày 10/4/1973, ông viết: “Em thương yêu! Thấm thoắt đã gần một năm kể từ khi chúng ta xa nhau, anh lên đường ra trận. Quãng thời gian đó là một cái mốc đánh dấu sự thử thách bước đầu trong tình yêu giữa hai chúng ta... Cứ mỗi lần nhớ em, anh lại không quên được cô gái ngồi giữa cánh đồng, xoay lưng lại những người ra tiền tuyến...".
Ngày ngày ngóng tin người yêu ngoài chiến trận, sau chiến thắng tại cảng Cửa Việt, nữ giáo viên gửi gắm tình cảm bằng lá thư viết ngày 2/3/1973: “Nghe tin chiến thắng của quân ta ở Cửa Việt, em vui sướng vô hạn. Em không ngờ là có anh trong trận đánh ấy. Em gửi lời chúc mừng đến anh và toàn đơn vị.
Anh ạ, quân thù còn ngoan cố và có nhiều thủ đoạn, nhưng ta sẽ nhất định giành được thắng lợi, còn kẻ gieo gió ắt sẽ gặt bão phải không anh?
Anh duy nhất của em! Em nhớ lại mùa hoa xoan năm ngoái, rồi ngày tiễn anh ra trận, em đã thầm gọi tên anh để nhân lên nỗi nhớ. Anh có nhớ em không?...”.
Những nỗi nhớ thương ngày đêm gửi ra tiền tuyến. Để thỏa lòng mong mỏi, đầu năm 1973, cô giáo Bích Đào viết đơn xin đi học bồi dưỡng chính trị, nhằm được cử vào miền Nam công tác, dạy học tại chiến trường và mong có cơ hội gặp gỡ người yêu.
Tháng 4/1973, ngay khi được chấp thuận, cô vội viết vài dòng gửi tới người thương: “Anh thương yêu ơi! Thế là chúng ta sắp gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn rồi nhỉ! Có thể trên đường ra Bắc anh sẽ gặp em vào Nam hoặc gặp nhau trong chiến trường đấy. Em xung phong đi B đợt này vì tự xét thấy mình đủ tiêu chuẩn đi được.
Em muốn đây là dịp tốt để mình rèn luyện, muốn được đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Biết rằng ra đi sẽ gặp nhiều gian khổ, hy sinh, song không lý do gì có thể ngăn cản được con tim khỏe như cánh đại bàng phải không anh?
Anh yêu dấu của em! Bây giờ đến lượt anh chờ em chứ nhỉ, có chờ được từ 3 đến 5 năm không? Khi nào hoàn thành nhiệm vụ chúng ta sẽ sum họp anh nhé…”.
Tháng 8/1973, cô gái lên đường công tác ở vùng giải phóng Quảng Trị. Ngay khi dừng chân sau cuộc hành quân từ Bắc vào Nam kéo dài 11 ngày, cô đã cùng người bạn gái xin phép thủ trưởng tìm đến đơn vị của người yêu.
Thêm thời gian xa cách, cô tiếp tục gửi gắm tình cảm tới bạn trai: “Anh thương yêu! Em muốn mình cũng phải chịu đựng tất cả những gian khổ mà anh đã trải qua. Mảnh đất thân thương này em sẽ gắn bó với nó như người nông dân với ruộng đồng, nó sẽ động viên, an ủi em công tác và sống những ngày xa anh…
Anh không phải lo nhiều về em đâu, mình cần đặt sự nghiệp lên trên tình riêng. Đã yêu nhau, mình sẽ sống bên nhau. Anh yên tâm nhé, em sẽ chờ và chắc chắn là không bao giờ bội bạc…”.
Mối tình thời chiến cứ thế trải qua những lần gặp gỡ vội vàng, những dòng thư phóng bút viết với bao tâm tư gửi gắm. Năm 1974, anh hùng Lê Mã Lương và người yêu ra Hà Nội tổ chức lễ cưới. Sau đó, cả hai tiếp tục phải xa nhau để công tác, chiến đấu.
Sau khi hòa bình lập lại, ông Lương tiếp tục công tác xa nhà. Một tay người vợ đảm vất vả nuôi 3 con nhỏ. Năm 1998, ông được bổ nhiệm là Giám đốc Viện Bảo tàng Quân đội. Từ đó đến nay, cả gia đình được đoàn tụ.
Chia sẻ về quãng thời gian hội ngộ sau 25 năm xa cách, tướng Lương bảo, ông vô cùng khâm phục ý chí kiên cường của người phụ nữ Việt Nam nói chung, và sự chịu đựng, đồng cam cộng khổ của người vợ nói riêng.
"Hơn 40 năm sống bên nhau, có những lúc cô ấy vô cùng mệt mỏi vì sự hy sinh quá lớn cho chồng, con, gia đình và sự nghiệp" - ông nói.
Hiện tại, ông và vợ cùng 3 con thành đạt, sống trong thời bình trọn vẹn với tình yêu cao cả. Với ông, không chỉ có tình yêu thương dành cho vợ, mà hơn thế nữa là sự khâm phục và lòng cám ơn người phụ nữ của đời mình.
Ở tuổi mái tóc ngả màu, song những lá thư, kỷ vật của mối tình thời chiến vẫn được 2 ông bà lưu giữ cẩn thận. Với ông, đây là những kỷ niệm vô giá, vượt qua mọi thử thách, bom đạn để cùng nhau có được hôm nay.