Lang thang quanh những con phố nhộn nhịp của khu Little India, du khách có lẽ sẽ cảm thấy mình đang đi ngược về quá khứ.
Những bức tranh tường tráng lệ truyền tải những câu chuyện xưa cũ về Little India - khu phố ở Singapore từng có nhiều người châu Âu sinh sống. Ngày nay, nơi này trở thành một trong những khu phố nổi tiếng nhất của Đảo quốc với màu sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người di cư Ấn Độ.
Và để nghe nhiều câu chuyện hơn từ những “thổ địa” khu Little India, hãy tìm tới 2 bức họa nổi tiếng: Cattleland 2 (67 Kerbau) của Eunice Lim và A Ride through Race Course Road (74 Race Course) của Jaxton Su Jiang Xiang. Chúng sẽ đưa bạn đến với những câu chuyện thú vị về khu phố nổi tiếng này.
Tranh tường khắc hoạ lịch sử và nghề truyền thống của người Ấn
Little India không có tên như vậy cho tới những năm 1980. Đây là thành quả sau nỗ lực của Ban Xúc tiến Du lịch Singapore (STPB) lúc bấy giờ nhằm thúc đẩy, bảo tồn và tôn vinh các khu dân tộc tại Đảo quốc.
Từ trước khi tên gọi Little India ra đời, khu này chỉ được biết đến với tên Serangoon. Những tấm bưu thiếp vào cuối thế kỷ 19 cho thấy Serangoon khi ấy toàn là đường đất. Những chiếc xe bò sử dụng để vận chuyển hàng hóa là nét đặc trưng ở đây.
Vào những năm 1840, chính những người châu Âu đã thành lập cộng đồng thương nhân và khởi xướng các hoạt động buôn bán, giải trí ở khu Little India. Nhờ đó, khu vực này thu hút người Ấn Độ đến định cư. Từ đó, bạn dễ dàng bắt gặp một số di sản của các gia đình châu Âu có ảnh hưởng còn sót lại ở khu Little India ngày nay.
Khoảng thời gian từ năm 1860 đến năm 1930 được xem là “kỷ nguyên trâu và bò” ở Serangoon. Sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc ở đây đã thu hút nhiều người Ấn Độ tìm đến. Họ luôn xuất hiện với những con trâu, bò của mình và đem “thairu” (sữa chua) tới giao tận cửa cho khách.
Bạn có thể đọc được cả câu chuyện dài về sự hình thành của Little India qua Cattleland 2 - bức tranh được Eunice Lim vẽ năm 2017, 2 năm sau khi bức Cattleland đầu tiên được ra đời. Thông qua Cattleland và Cattleland 2, Eunice đã vẽ nên cả hành trình hình thành khu Little India chỉ với hình ảnh những con bò vui vẻ, tô điểm bằng vô vàn bông hoa.
Cô từng chia sẻ mình chưa từng trải qua những thời kỳ trước khi Little India ra đời. Do đó, xuyên suốt quá trình sáng tạo bức tranh, Eunice phải cố gắng tưởng tượng những gì đã diễn ra ở nơi đây. Thông qua bức tranh, cô muốn gửi gắm thông điệp về sự hình thành và phát triển của khu phố này.
“Bò là biểu tượng của sự cam kết. Nó lao động vì con người. Nó được sử dụng để trao đổi, mua bán. Còn bây giờ, chúng ta lại bán những thứ như cổ phiếu. Khái niệm về giá trị đã thay đổi như thế đấy”, cô nói.
Bức tranh tường khác tại khu phố này có tên A Ride through Race Course Road của Jaxton Su Jiang Xiang lại đem đến một khía cạnh khác của Little India. Như đã nói ở trên, trong quá khứ, khu vực này nổi tiếng với trường đua ngựa.
Các thành viên đầu tiên của trường đua ngựa là William Macleod Read, Charles Spottiswoode và William Napier. Vào năm 1843, trường đua chính thức mở cửa, lấy tên là trường đua ngựa Singapore. Cuộc đua đầu tiên có tên là Singapore Cup. Sau đó, các cuộc đua được tổ chức định kỳ 2 lần/năm.
Sau này, những người giàu có ở Trung Quốc cũng dành sự chú ý cho trường đua ngựa Singapore. Những giải đấu mới được ra đời với số tiền thưởng ngày một nhiều hơn.
Ride Through Race Course Road đã tái hiện câu chuyện của trường đua ngựa nổi tiếng này. Những hình ảnh quen thuộc như vận động viên đua ngựa, những vòng hoa và các sạp hàng được Jaxton Su khéo léo đưa vào trong bức tranh. Tác phẩm của anh miêu tả hình ảnh một vận động viên đang phóng ngựa qua một khu chợ trên phố. Có thể thấy, hình ảnh người phụ nữ bán hàng đang mặc trang phục truyền thống của Ấn Độ.
“Tôi nghĩ nhiều người Singapore còn không biết tại sao con đường này được gọi là Trường đua (Race Course Road). Thông qua bức tranh này, tôi mong mọi người sẽ hiểu hơn về di sản ấy”, anh nói.
Khu phố của văn hóa và ẩm thực đặc sắc
Trên thế giới, các khu Chinatown tương đối nổi tiếng bởi sự lớn mạnh của cộng đồng người Hoa. Tuy nhiên, ít nơi nào lại có một khu riêng, ngập tràn sắc màu văn hóa Ấn Độ như Little India tại Singapore.
Khu phố này là sự pha trộn đầy mê hoặc giữa cái mới và cái cũ, nghệ thuật đường phố đương đại, các quán ăn Ấn Độ nằm cạnh những đền chùa lâu đời và cả những người bán hàng tạp hóa với gia vị, lụa và hoa đầy sắc màu mê hoặc.
Khi nói tới Ấn Độ, hình ảnh của những sạp đồ gia vị, lụa, hoa rực rỡ sẽ hiện lên trong đầu du khách. Ở Little India, bạn có thể tìm thấy tất cả tại trung tâm mua sắm Little India Arcade. Trong khi đó, cửa hàng hoa Jothi Store & Flower Shop lại nổi bật với những vòng hoa được sử dụng trong các sự kiện tôn giáo. Ngoài ra, du khách cũng sẽ tìm thấy những món đồ lưu niệm xinh xắn tại đây.
Bên cạnh 2 tác phẩm Cattleland 2 và A Ride through Race Course Road, khu Little India còn nhiều bức tranh tường biết “kể chuyện” khác như Traditional Trades of Little India của Psyfool, Folding Dreams của Eunice Hannah Lim hay Kathaka của Didier Jaba Mathieu.
Bức tranh Traditional Trades of Little India tái hiện khung cảnh hàng ngày của các thương nhân thời xa xưa và chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc của Ấn Độ. Nhiều ngành nghề truyền thống ở khu Little India được tái hiện qua bức tranh này. Để ý kỹ, bạn có thể thấy một nhà chiêm tinh đang dùng vẹt để bói toán, một dhobi (thợ giặt), người giao sữa và người bán bánh kacang.
Bức tranh Folding Dreams được truyền cảm hứng bởi lịch sử của Mustafa Centre. Đây là địa điểm shopping yêu thích của đa số du khách nơi họ có thể mua các sản phẩm đa dạng từ vàng đến vải vóc với mức giá hời.
Trong khi đó, Kathaka lại tái hiện điệu nhảy truyền thống cùng tên của Ấn Độ. Trong tiếng Ấn Độ còn có từ “kathakar” nghĩa là những người kể chuyện. Thông qua điệu nhảy, các kathakar đã kể lại những trang sử thi vĩ đại tới người xem. Mathieu đã sử dụng nhiều màu sắc để khiến bức tranh sống động hơn.
Sau chuyến hành trình khám phá văn hóa, bạn cũng cần lấp đầy “cái bụng đói”. Ngay trên con phố Race Course, có nhiều nhà hàng Ấn Độ nổi tiếng để du khách lựa chọn.
Mustard nằm ở số 32 phố Race Course mang cái tên đậm chất Ấn Độ. Mustard (mù tạt) là nguyên liệu điển hình trong kho tàng gia vị Ấn Độ. Nhà hàng này phục vụ những món ăn giúp xoa dịu tinh thần như Murgir Kosha, Kolkata Chicken Biryani và Aloo Ka Raita.
Hay The Banana Leaf Apolo (số 54 phố Race Course) cách đó không xa cũng là lựa chọn đáng thử. Trong tên nhà hàng có nhắc đến cụm từ "Banana Leaf".
Đây là kiểu ăn truyền thống của người Ấn Độ - kiểu ăn trên chiếc lá chuối. Trong khi đó, “Apolo” được lấy cảm hứng từ sự kiện phi thuyền Apollo đáp xuống mặt trăng (năm 1969), với hy vọng việc kinh doanh của nhà hàng sẽ cất cánh “đến mặt trăng”. Nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn của miền Nam và Bắc Ấn, với món đặc trưng từ những ngày đầu mới kinh doanh: Cà ri đầu cá Apolo.
Khu “Tiểu Ấn” còn nhiều điều thú vị khác để du khách khám phá trong chuyến ghé thăm Singapore sắp tới, hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho bất kỳ ai có dịp ghé thăm “đảo quốc sư tử”. Trải nghiệm khám phá văn hóa của 2 đất nước chỉ trong một điểm đến không phải điều bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu.