Cỏ non thành cổ
Ca khúc được nhạc sĩ Tân Huyền sáng tác vào ngày đầu xuân năm 1990, khi đi thâm nhập thực tế để viết về đề tài chiến tranh cùng Huy Thục, Thuận Yến, Vũ Thanh. Nhóm nhạc sĩ đã đến Quảng Trị, nơi từng diễn ra cuộc chiến khốc liệt nhất tại các tỉnh khu 4 cũ. Khe Sanh, Ái Tử, Cồn Tiên, Dốc Miếu và đặc biệt là Thành cổ Quảng Trị là những địa danh lịch sử về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm máu lửa giữa ta và địch.
Các chiến sĩ tại thành cổ Quảng Trị. |
Nhạc sĩ hồi tưởng lại quá trình sáng tác bài hát: “Tôi đến Thành cổ Quảng Trị vào một buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Trên cao, những đám mây trắng bồng bềnh trôi. Dưới mặt đất, những thảm cỏ non xanh rờn trải rộng. Khi đến nhà lao Quảng Trị... vẫn cỏ non xanh như thế. Nhà văn Nguyễn Quang Lập đi cùng tôi cất tiếng: "Anh Huyền ơi, dưới thảm cỏ này là máu xương của chiến sĩ ta đã đổ xuống trong 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ. Anh nên viết một bài hát về quá khứ chiến tranh hào hùng và khốc liệt". Trong tôi chợt bật lên giai điệu đầu tiên của bài hát: Cỏ non Thành cổ, một mầu xanh non tơ. Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa. Nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ. Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về..."
Nhạc sĩ Tân Huyền cũng có một người em trai hy sinh ngoài mặt trận khi mới 18 tuổi. |
Sau khi trở về nhà, Tân Huyền bâng khuâng với suy nghĩ: Một là có những cái chết tạo dựng nên sự sống cũng như xương máu các chiến sĩ đã ngã xuống cho lớp cỏ non mọc xanh tươi như mùa xuân ngày hôm nay; hai là nhiều lúc chúng ta vô tình quên đi quá khứ hào hùng của các thế hệ trước, quá khứ hào hùng ấy lại được tô thắm bằng xương máu của bao lớp người.
Bài ca không quên
Bài ca không quên là một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, được đặt hàng cho bộ phim cùng tên. Tuy nhiên, nhạc sĩ lại thừa nhận bài hát được ông viết nên để trả nợ chính mình.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. |
Phạm Minh Tuấn có 15 năm đeo ba lô, ôm súng ngang dọc khắp chiến trường miền Nam. Ông tận mắt chứng kiến những gian khổ, tự tay đào huyệt chôn những đồng đội hy sinh, và đau đớn hơn cả là phải chứng kiến đứa con đầu lòng 4 tháng tuổi của mình qua đời. “Trong một lần hành quân, cả đoàn lọt vào ổ phục kích của giặc, lúc ấy vì sự an toàn của mấy chục anh em chiến sĩ nên khi con tôi khóc, vợ tôi đã phải ôm cháu vào lòng thật chặt cho giặc không phát hiện ra tiếng khóc. Khi trận càn qua đi, cả đoàn đã an toàn thì con tôi đã ngừng thở”, nhạc sĩ kể lại.
Có lẽ bởi vậy mà Bài ca không quên thấm đẫm những giá trị tình cảm thiêng liêng nhất. Đó là tình cảm gia đình, tình mẫu tử, tình đồng đội và cả tình yêu đôi lứa… Cẩm Vân là người hát đầu tiên và để lại dấu ấn sâu đậm nhất ở ca khúc này. Nữ danh ca kể lại rằng rất nhiều người đã khóc khi nghe cô hát và bản thân cô cũng rất nhiều lần không cầm được nước mắt. Bài hát đã đưa Cẩm Vân đến một nấc thang mới trong sự nghiệp và cũng là niềm tự hào của gia đình cô.
Vết chân tròn trên cát
Sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến là một trong những bài hát viết về đề tài những người thương binh nổi tiếng và được nhiều người nghe yêu thích nhất. Nội dung bài hát là câu chuyện về một người thương binh vừa trở về từ chiến trường. Tuy cơ thể không còn được lành lặn nhưng anh vẫn cùng đôi nạng gỗ hàng ngày đến trường làng để dạy cho các em thơ về những bài hát của quê hương.
Về hoàn cảnh sác tác ca khúc này, nhạc sĩ Trần Tiến cho hay: Vào năm 1981, trong một lần đi dạo quanh bãi biển Tiền Hải (Thái Bình), ông bắt gặp những dấu nạng in hằn trên cát biển. Ông đã dò hỏi người dân xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân, đang trên đường đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những dấu tròn trên cát đó, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát khi trên đường đi bộ từ bãi biển về nhà trọ, đặt tên làVết chân tròn trên cát.
Kể từ khi ra đời, bài hát Vết chân tròn trên cát từng được khá nhiều ca sĩ trình bày. Tuy nhiên, khán giả ấn tượng hơn cả với hình ảnh đích thân nhạc sĩ Trần Tiến ôm đàn guitar hát ca khúc này.
Chuyện tình thảo nguyên
Nhạc sĩ Trần Tiến đã vẽ nên một mối tình thât đẹp, thơ mộng và lãng mạn giữa một "em gái trên thảo nguyên xanh" và "anh chàng thương binh trở về làng quê cũ với cây đàn t'rông xưa". Ca khúc mang âm hưởng nhẹ nhàng, tươi vui và phóng khoáng.
Đã có không ít ca sĩ thể hiện thành công ca khúc này, tuy nhiên, Hà Trần tạo được ấn tượng đặc biệt bởi giọng hát mộc và sự phiêu đầy ngẫu hững khi hát.
Màu hoa đỏ
Ca khúc nổi tiếng này được viết dựa trên bài thơ cùng tên của Nguyễn Đức Mậu. Ra đời trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, bài hát thoáng chút bùi ngùi, song phần hồn của Màu hoa đỏ là niềm tin tất thắng vào ngày mai. Màu hoa đỏ chính là vầng hào quang chiến thắng, mà tác giả đã mường tượng và đã trở thành hiện thực vào ngày 30-4-1975 lịch sử.
Nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ khá nhiều bài thơ thành những ca khúc hay, đặc biệt là những bài thơ viết về chiến tranh và người lính. Với Màu hoa đỏ, không phải là khổ thơ vần, song ông đã phổ nên một giai điệu trữ tình lẫn bi tráng, tạo cảm xúc mạnh với người nghe. Bài hát đã được Bộ Quốc phòng trao tặng giải thưởng. Ca sĩ Thanh Lam thể hiện thành công nhất ca khúc này.