Những ca mắc bệnh hiếm gặp
Theo các tài liệu thống kê, hiện nay có tới 90% người bị bệnh giang mai lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Do da và lớp niêm mạc ở bộ phận sinh dục rất mỏng, các mạch máu nhiều, khi giao hợp thì trạng thái xung huyết đạt cực đỉnh, cọ xát có thể gây ra tổn thương nhẹ, tạo thành điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể.
Theo nhiều tài liệu y khoa, giang mai là một bệnh xã hội nguy hiểm chỉ đứng sau HIV/AISD. Bệnh do một loại vi khuẩn có tên là xoắn khuẩn giang mai gây nên. Loại xoắn khuẩn này có trong máu, dịch âm đạo của phụ nữ và nam giới. Đó chính là lý do tại sao giang mai lây truyền qua con đường tình dục không có biện pháp bảo vệ.
Tuy nhiên, trong thực tế chữa trị, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, khoa sản, Trung tâm y khoa Thái Hà (Hà Nội) vẫn gặp những ca bệnh hy hữu.
Một trường hợp khiến bác sĩ Dung không thể quên đó là một bà đỡ nông thôn bị lây bệnh vì không đeo găng tay khi đỡ đẻ cho một thai phụ nhiễm giang mai.
Vết lây nhiễm của bà đỡ này được xác định là ở bàn tay phải - bộ phận tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người bệnh. Sau khi phát hiện, bà đã được điều trị tích cực và khỏi bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Dung cho biết, người phụ nữ này đã bị “méo” mông vĩnh viễn do tiêm chữa quá nhiều thuốc.
Cách đây nhiều năm, bác sĩ Dung còn tiếp nhận một bệnh nhi mắc giang mai chỉ vừa tròn 3 tuổi. Cậu bé được mẹ cho đi khám với nốt loét sâu trên trán. Ban đầu, tại vị trí này, gia đình chỉ thấy nốt nhỏ màu đỏ nên không để ý nhiều. Tuy nhiên, càng ngày vết đỏ càng loét sâu và rộng, xung quanh là những vòng tròn màu đỏ, có tiết dịch. Thời gian đó, bé thường xuyên sốt nhẹ và nổi hạch ở vùng cổ khiến sức khỏe sa sút.
Đưa con đi khám, không chỉ gia đình mà cả bác sĩ đều ngỡ ngàng vì bé mắc bệnh giang mai - căn bệnh xã hội, chủ yếu lây qua quan hệ tình dục. Điều ngạc nhiên hơn là ngay cả người mẹ sinh ra bé chưa từng bị mắc căn bệnh này. Đến nay, bác sĩ Dung vẫn chưa lý giải được nguyên nhân.
Dùng chung đồ lót
Không chỉ lây nhiễm qua quan hệ tình dục, bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung cho biết, việc dùng chung các dụng cụ cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, đồ lót, dao cạo hay bồn cầu, bồn tắm... cũng có thể lây bệnh do các dụng cụ này chứa xoắn khuẩn giang mai. Nó còn có thể lây qua đường máu. Do đó, người bình thường có thể bị lây khi tiếp xúc với vết thương hở của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai, khiến thai nhi bị giang mai bẩm sinh.
Ở giai đoạn đầu, cơ thể người bệnh có thể xuất hiện ban lan rộng, tạo thành vết loét có đường kính 1-2 cm, xung quanh nổi lên những hình tròn màu đỏ; vết thương chảy ít dịch nhưng không có cảm giác đau. Sau đó, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như sốt, hạch bạch huyết sưng to nhưng không đau, đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, cơ thể suy nhược. Ở vùng niêm mạc da có các nốt ban hình cánh hoa hồng, mụn mủ, nổi ban ở vùng niêm mạc, môi, khoang miệng, quy đầu (đối với nam). Bên cạnh đó, bệnh nhân còn xuất hiện các triệu chứng khác như rụng tóc, rụng lông, nốt ban giảm màu hoặc chuyển sang thâm. Đây là giai đoạn các tổn thương lan rộng, phát triển chậm, cảm giác ngứa nhưng không rõ ràng, nguy cơ lây bệnh rất cao. Nếu không được điều trị, các triệu chứng này tự khỏi thâm chí là không để lại vết tích, nhưng sẽ xuất hiện các biến chứng khác như gây ra viêm giác mạc, viêm màng kết, viêm dây thần kinh thị giác, viêm võng mạc, viêm khớp. Ngoài ra, bệnh còn gây ra các biến chứng về hệ thống thần kinh như viêm màng não, u não...
Giai đoạn cuối của căn bệnh này có thể xảy ra khoảng 3-15 năm sau những triệu chứng của giai đoạn đầu được chia thành ba hình thức khác nhau gồm giang mai thần kinh, tim mạch và củ giang mai (15%). Những người mắc bệnh ở giai đoạn này không lây nhiễm, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.