Chiều 14/3, sân trường Tiểu học An Hưng ở Hà Đông (Hà Nội) náo nhiệt hơn hẳn ngày thường. Hàng trăm học sinh háo hức tham gia buổi giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.
Trong hơn một tiếng, TS tâm lý Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - hướng dẫn các bé kỹ năng thoát hiểm bằng những động tác dễ thực hiện như chạy, vặn tay, ấn vào mắt kẻ xấu...
Sau khi nghe hướng dẫn, các em mạnh dạn giơ tay xin lên thực hành hoặc tích cực luyện tập cùng các bạn.
TS Vũ Thu Hương hướng dẫn trẻ cách thoát khỏi người lạ khống chế mình. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Tất cả tình huống được đưa ra dưới giả thiết "các con sẽ làm gì khi gặp kẻ xấu" thay vì dọa dẫm trẻ về nguy cơ xâm hại. Vì thế, học sinh vui vẻ tập luyện với tâm lý thoải mái.
TS Vũ Thu Hương cho rằng đây là cách thức dễ dàng nhất để trẻ tiếp nhận và rèn luyện ý thức tự bảo vệ. Phụ huynh cũng nên áp dụng phương pháp này, giúp trẻ tập luyện mỗi ngày để khi gặp kẻ xấu, con sẽ phản ứng nhanh nhạy.
Nữ tiến sĩ tâm lý cho biết thêm bố mẹ nên dạy con phòng tránh xâm hại tình dục từ năm 3 tuổi với các nội dung đơn giản như không nhận quà của người lạ, báo bố mẹ khi đi chơi, không để ai động vào vùng đồ lót...
Trên thực tế, người Việt Nam có thói quen xấu khi coi trẻ em như đồ chơi. Họ thường khoe, trêu ghẹo, cấu véo cơ thể của trẻ và coi đó là hành động bình thường.
Tuy nhiên, đây chính là xâm hại. Hành động này thường xuyên khiến trẻ không thể phân biệt tốt - xấu, nhầm lẫn là biểu hiện của tình yêu thương. Để bảo vệ con tốt hơn, phụ huynh cần thay đổi thói quen này.
Ngoài ra, bố mẹ phải nhận ra tình trạng bất ổn của con khi có chuyện không hay. Dấu hiệu nhận biết thông thường là con bỏ ăn, phản ứng dữ dội với bố hay la hét khi bị người thân vô tình chạm vào vùng nhạy cảm, tắm nhiều lần trong ngày.
Theo TS Thu Hương, khi con bị xâm hại, bố mẹ nên dỗ dành và kiên quyết báo vụ việc với công an. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy được bảo vệ và lấy lại tinh thần tốt hơn.
Che giấu sự việc không hề giúp đỡ con mà ngược lại, trẻ thấy mình dơ bẩn, tồi tệ. Nhiều cháu tự tử vì lý do này.
"Những ngày vừa qua, nhiều bạn gái tâm sự với tôi rằng việc bị xâm hại, thậm chí chỉ sàm sỡ ngày nhỏ đã khiến các em bị ảnh hưởng rất trầm trọng về tinh thần", bà Hương kể.
Trao đổi với Zing.vn, thầy Nguyễn Minh Đức, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học An Hưng, cho biết trước đây, nhà trường dành thời gian trong các buổi chào cờ để dạy học sinh ý thức phòng chống nguy cơ bị xâm hại. Đây là lần đầu tiên trường tổ chức hoạt động với quy mô lớn và mời chuyên gia về giảng dạy.
Theo nữ tiến sĩ Hương, điều đó cho thấy chuyển biến tốt trong công cuộc chống xâm hại tình dục trẻ em.
"Năm 2013, tôi phải mời mọi người đến để tư vấn miễn phí. Hiện nay, nhiều trường mời tôi, thậm chí sẵn sàng chi khoản tiền lớn để trẻ được hướng dẫn kỹ năng phòng chống bạo lực và xâm hại", bà Vũ Thu Hương kể.