Cố ghi lại khoảnh khắc selfie ở miệng núi lửa Vesuvius (Italy), du khách Philip Carroll (23 tuổi, Mỹ) suýt mất mạng. Khi chiếc điện thoại rơi vào miệng núi, nam thanh niên bị trượt chân và trượt dài vài mét.
Khi được kéo lên, Carroll đã bất tỉnh, có nhiều vết bầm tím và bị xây xước khá nặng, chảy máu ở chân, tay và lưng.
Không phải ai cũng may mắn sống sót như Carroll khi mỗi năm, khi thế giới ghi nhận hàng nghìn vụ tai nạn và tử vong thương tâm của người trẻ, bắt đầu từ nguồn cơn muốn có ảnh đẹp check-in trên mạng xã hội.
Chụp ảnh tự sướng (selfie) được từ điển Oxford đặt tên là từ của năm 2013, mô tả bức ảnh chụp chính mình hoặc nhóm, chụp bằng điện thoại thông minh với mục đích chia sẻ lên mạng. |
Thiệt mạng vì một tấm ảnh
Những cái chết vì chụp ảnh tự sướng có tần suất xảy ra thường xuyên hơn so với số đông nghĩ. Phần lớn do nạn nhân chủ quan, không để ý đến mức độ nguy hiểm ở xung quanh hoặc nhận thức được nhưng vẫn đánh liều để chụp ảnh.
Theo The Guardian, ít nhất 127 người đã thiệt mạng vì selfie trong năm 2014. Trong tiếng Anh, những cái chết như vậy được gọi chung là “killfie” - chết vì selfie. Hầu hết "killfie" xảy ra tại các tòa nhà chọc trời, vách núi, dưới nước.
Độ tuổi trung bình của những nạn nhân là 24, trong đó nhóm nhỏ nhất là 19 tuổi. Ngã từ trên cao là nguyên nhân chính gây tử vong, các trường hợp khác qua đời do liên quan đến giao thông vận tải hoặc bị thương bởi vũ khí, điện, động vật hoang dã.
Tháng 1, Richard Jacobson (21 tuổi), đến từ bang Arizona (Mỹ), trượt chân và rơi từ độ cao 213 m khi đang cố gắng chụp ảnh selfie ở vách đá trên dãy núi Superstition. Giới chức cho biết họ không tìm thấy dấu hiệu của việc sử dụng chất kích thích hoặc âm mưu hãm hại, “chỉ đơn thuần là một tai nạn thảm khốc”.
Cuối tháng 7/2021, Albert Dyrlund, YouTuber nổi tiếng với nhiều clip ca nhạc và phim hài, không qua khỏi sau khi ngã từ vách đá có độ cao 200 m. Vụ tai nạn xảy ra khi Albert đang quay video mới tại Forcella Pana thuộc dãy Alps (Italy).
Không qua khỏi khi ngã từ trên cao xuống là nguyên nhân phổ biến trong các ca tai nạn vì mải chụp ảnh. |
Tháng 4/2020, Olesya Suspitsyna (31 tuổi, người Kazakhstan) được phát hiện tử vong tại công viên Duden - nổi tiếng với nhiều thác nước và có phong cảnh đẹp ở thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi kết thúc thời hạn phong tỏa thành phố do dịch, Suspitsyna cùng bạn tới công viên này chơi. Trong khi đi dạo, Suspitsyna trèo qua một hàng rào an toàn để chụp ảnh với thác nước. Mải tạo dáng, cô ngã từ vách đá cao 35 m và tử vong.
Ngoài ngã từ trên cao, nhiều tai nạn còn đến từ việc người trẻ coi thường tính mạng như ngồi trên đường ray xe lửa hay quay lại cảnh chơi tàu lượn siêu tốc.
Cuối năm 2011, Savannah Webster (13 tuổi) đăng lên trang cá nhân trạng thái “Đứng cạnh một đoàn tàu đang chạy thật thú vị” chỉ vài giây trước khi cô cùng chị gái Kelsea (15 tuổi) và bạn Essa Ricker (15 tuổi) qua đời tại Utah, Mỹ. Ba cô gái đắm chìm vào việc selfie đến mức họ không chú ý sự xuất hiện của đoàn tàu, ngay cả khi ánh đèn của nó đã len vào một góc của bức ảnh.
Năm 2018, tàu lượn siêu tốc tại Disney California Adventure (Mỹ) từng buộc phải dừng lại nửa chừng và khiến hành khách bị kẹt 30 phút, do nhân viên phát hiện một hành khách đã mang và sử dụng gậy selfie trên chuyến tàu.
Ba cô gái Savannah, Kelsea và Essa mải selfie đến mức không ý thức được tàu đang chạy tới rất gần. |
Nguy hiểm từ văn hóa chụp ảnh tự sướng
Các nhà nghiên cứu chỉ ra xu hướng nghiện chụp ảnh tự sướng bắt nguồn từ văn hóa xã hội của người trẻ và sự phát triển của công nghệ, đồng thời cảnh báo rằng những cái chết liên quan đến selfie đã trở thành “một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn”.
Ngoài ra, các trang web hướng dẫn lựa chọn góc "tự sướng" đẹp, các lớp học được mở ra để dạy cách tạo dáng càng khiến người trẻ sẵn sàng tốn thời gian và công sức, miễn là có ảnh đẹp gây ấn tượng với bạn bè trên mạng xã hội.
Rita Joshi, GS Xã hội học tại Đại học Delhi, cho biết ở quốc gia có ý thức về thứ bậc cao như Ấn Độ, ảnh selfie mang đến cho tầng lớp trung lưu khát vọng thể hiện bản thân theo cách độc đáo.
“Ảnh selfie khiến mọi người cảm thấy bắt kịp xu hướng khi đăng lên mạng xã hội và nhận về lượt thích. Đó là cách dễ dàng nhất để giới trẻ kết nối với toàn cầu, đặc biệt là những người ở phương Tây có phong cách sống mà họ muốn bắt chước”, bà nhận định.
Việc nghiện chụp selfie có thể dẫn đến các vấn đề gây hại về tâm lý, sức khỏe tinh thần. |
Nhiều năm gần đây, những cái chết do chụp selfie tập trung ở Ấn Độ, nơi được mệnh danh là “thủ phủ selfie tử thần của thế giới”, khiến các nhà chức trách phải vào cuộc ngăn chặn.
Ponnurangam Kumaraguru, GS tại Viện Công nghệ Thông tin Indraprastha-Delhi, đồng sáng tạo ra ứng dụng Saftie nhằm cảnh báo mọi người về các địa điểm selfie được đánh giá là “nguy hiểm”.
Deepak Gandhi (43 tuổi), doanh nhân tiếp thị kỹ thuật số, phát động chiến dịch SelfieToDieFor nhằm nâng cao nhận thức về cạm bẫy của việc chụp ảnh tự sướng ở các địa điểm nguy hiểm.
Năm 2016, chính quyền thành phố Mumbai ban lệnh cấm chụp ảnh tự sướng ở 16 khu vực. Cảnh sát được giao nhiệm vụ canh chừng các khu vực cấm trên, đặc biệt là những điểm cao nằm dọc theo bờ biển, không có rào chắn và tay vịn.
Ở Tây Ban Nha, các nhà chức trách thực thi luật lệ cấm khách du lịch chụp selfie trong lễ hội đua bò diễn ra hàng năm ở Pamplona.
Theo BBC News, New York cấm mọi người chụp hình "tự sướng" khi ở gần các loài hổ, báo, sư tử… trong các vườn thú, rạp xiếc và các lễ hội lớn. Người vi phạm phải nộp phạt 500-1.000 USD.