Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những cái Tết 'đầu tiên' của Gen Z

Ngày đầu tiên của năm mới, 4 người trẻ chia sẻ với Zing cách họ trải qua Tết Quý Mão và những "lần đầu tiên" đặc biệt.

Người trẻ có những cách riêng để đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhắc đến Tết, nhiều người thường nghĩ ngay đến mai vàng, đào hồng hay bữa cơm sum vầy tối 30 âm lịch.

Cùng lúc đó, không ít bạn trẻ lại có trải nghiệm đón năm mới độc đáo, mới mẻ. Nhờ đó, họ có thêm trải nghiệm, trưởng thành cũng như biết trân trọng khoảnh khắc đoàn viên hơn.

quy mao anh 1quy mao anh 2
quy mao anh 3

Trà My dành kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để du lịch châu Âu.


Tết đầu tiên du lịch nước ngoài

Đỗ Trà My (23 tuổi, Hà Nội), sinh viên Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM

Nhân dịp tôi vừa hoàn thành chương trình học và trong thời gian chờ tốt nghiệp, mẹ và bố dượng tặng cho tôi một chuyến du lịch các quốc gia châu Âu kéo dài hơn 3 tuần.

Đầu tháng 1, tôi rời TP.HCM về Hà Nội sớm để dành thời gian thăm bố và họ hàng, cũng như thông báo trước về sự vắng mặt của mình trong dịp Tết Nguyên đán.

Tôi khởi hành đi Hy Lạp vào ngày 17/1. Đây không chỉ là dịp Tết xa nhà, mà còn là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời tôi.

Những ngày qua, tôi cùng gia đình khám phá thủ đô Athens. Thành phố lớn nhất Hy Lạp yên tĩnh hơn so với những gì tôi tưởng tượng. Nhịp sống cũng không xô bồ, gấp gáp như ở Sài Gòn.

Điều khiến tôi háo hức nhất là được tận mắt chứng kiến những địa danh lịch sử xuất hiện trong cuốn sách Thần thoại Hy Lạp, như đồi Acropolis, đền Parthenon, đền thờ thần Zeus…

Thú thực, tôi gần như quên luôn Tết. Ở kỳ nghỉ lễ lần này, tôi thực sự được nghỉ ngơi. Tôi không phải quét dọn nhà cửa, nấu nướng hay đối mặt với những câu hỏi đầy áp lực từ họ hàng.

Hơn nữa, tôi vẫn còn nhiều dịp để đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam, trong khi cơ hội du lịch nước ngoài lại không có nhiều.

Cho đến ngày 8/2, tôi cùng mẹ và bố dượng sẽ bay tới Pháp, rồi ghé thăm Đức và Italy. Nếu còn thời gian, chúng tôi sẽ đến Thụy Sĩ.

quy mao anh 4quy mao anh 5
quy mao anh 6

Hà Phùng chọn ở lại TP.HCM làm việc xuyên Tết. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.


Tết đầu tiên không về nhà

Hà Phùng (24 tuổi, TP.HCM), bartender

Đây là năm đầu tiên tôi ở lại TP.HCM làm việc xuyên Tết. Từ 25 âm lịch, tôi đã chuẩn bị một ít quà bánh, hoa quả tươi gửi về quê cho ba mẹ.

Ban đầu, hai người không đồng ý để con xa nhà trong dịp quây quần. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực thuyết phục của tôi, phụ huynh cũng gật đầu với điều kiện phải video call đón giao thừa, xem pháo hoa cùng nhau.

Là con gái lớn trong nhà, tôi thấu hiểu sự lo lắng và nỗi nhớ của gia đình. Chính tôi cũng có phần lo lắng, không rõ sẽ vượt qua cái Tết xa nhà đầu tiên ra sao.

Lúc này, tôi tự nhủ mùa lễ hội là dịp tốt để bartender trẻ như mình có cơ hội thử thách, rèn luyện kỹ năng pha chế và xử lý tình huống phát sinh trong công việc.

Tất nhiên, công việc cũng nặng hơn ngày thường khi lượng khách đổ về cao ít nhất gấp đôi ngày thường. Song, mức thù lao, tips và các chi phí hỗ trợ khác rất xứng đáng với công sức của nhân sự ngành nightlife.

Bên cạnh đó, tôi và bạn cùng phòng cũng dành thời gian đi chợ ngắm hoa, sắm ít kẹo bánh, thực phẩm dự trữ cho mấy ngày lễ.

Tôi cũng chuẩn bị mâm cơm nhỏ để cúng giao thừa từ sớm, sau đó nhanh chóng hòa mình vào guồng quay bận rộn cùng quầy bar và bình shake. Mọi thứ khá lạ lẫm khi không có gia đình bên cạnh, nhưng đây sẽ là động lực để tôi tự lập hơn.

quy mao anh 7quy mao anh 8
quy mao anh 9

Thùy Linh đón Tết Quý Mão với vai trò mới.


Tết đầu tiên làm dâu

Nguyễn Thùy Linh (25 tuổi, Hà Nội), giáo viên tiếng Anh

Với tôi, Tết năm nay rất đặc biệt. Đây là năm đầu tiên tôi đảm nhiệm vai trò người vợ và nàng dâu của gia đình. Dù vậy, tôi không cảm thấy lo lắng bởi được bố mẹ 2 bên gia đình hỗ trợ rất nhiều.

Ngày 25 âm lịch, chúng tôi hạ cánh Hà Nội, kết thúc kỳ tuần trăng mật kéo dài 4 ngày tại Phú Quốc. Chúng tôi mới tổ chức hôn lễ đầu tháng 12/2022, lại bận rộn công việc nên chỉ có thể sắp xếp đi honeymoon vào dịp cận Tết.

Ngay khi về nhà, bố mẹ hai bên lập tức gọi vợ chồng tôi qua nhà lấy đồ Tết. Mọi người đã sắm sửa cho chúng tôi rất nhiều thứ, từ bánh chưng, giò chả cho đến từng nắm lá mùi già.

Ngoài mua thêm cành đào, cây quất cho mái ấm riêng của hai đứa, chúng tôi chỉ cần chia nhau dọn dẹp nhà cửa. Tôi nhận phần việc nhiều hơn bởi chồng tôi, nhân viên ngân hàng, phải đi làm tới 29 Tết.

Nhìn chung, mọi công đoạn chuẩn bị Tết đều suôn sẻ. Trước khi lấy chồng, tôi đã trải qua “khóa huấn luyện” của mẹ suốt nhiều năm nên gần như không có gì làm khó tôi, trừ việc chặt gà. Tuy nhiên, chồng đã xung phong đảm nhận nhiệm vụ này.

Khó khăn duy nhất có lẽ là phải tự cân đối chi tiêu dịp Tết. Trước đây, tôi có thể thoải mái mua sắm bởi bố mẹ là “chủ chi”.

Nhưng bây giờ, tôi dành thời gian cân nhắc kỹ từng món đồ về cả chất lượng lẫn giá cả, thay vì mua theo sở thích cá nhân. Hơn nữa, ngoài chăm chút cho nhà mình, vợ chồng tôi còn chuẩn bị quà cho 2 bên nội ngoại và phong bao lì xì chúc Tết.

Năm nay cũng sẽ là năm đầu tiên tôi không dành toàn bộ kỳ nghỉ Tết với gia đình mình. Tuy nhiên, nhờ bố mẹ chồng tâm lý và hai bên gia đình ở cùng thành phố, vợ chồng tôi có thể thu xếp để mùng 1 thăm nhà nội, mùng 2 thăm nhà ngoại.

quy mao anh 10quy mao anh 11
quy mao anh 12

Uyển Linh gây bất ngờ cho gia đình khi bay về Việt Nam đón Tết sớm hơn dự kiến.


Tết đầu tiên sau 2 năm xa xứ

Uyển Linh (23 tuổi, TP.HCM), du học sinh Đài Loan

2 cái Tết trước, tôi cứ nghe đi nghe lại bài hát Đi về nhà của Đen Vâu rồi khóc vì tủi thân. Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du học sinh như tôi chỉ có thể ngậm ngùi đón giao thừa cùng gia đình qua màn hình máy tính.

Do đó, đây có thể được xem là cái Tết đặc biệt nhất của tôi trong suốt 23 năm qua.

Để tạo bất ngờ cho bố mẹ, tôi quyết định bay về Việt Nam sớm hơn thông báo. Đúng như dự đoán, hai vị phụ huynh từ ngơ ngác chuyển sang mừng rỡ khi thấy con gái đứng trước nhà sau thời gian dài xa cách.

30 âm lịch, cả nhà thức đến 2h để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn cho năm mới. Là người Hoa, gia đình tôi còn chuẩn bị những món đặc trưng như bánh củ cải, bánh tổ để thêm vào mâm cúng giao thừa.

Thú thật, lượng công việc trước Tết vẫn luôn khiến tôi choáng váng. Song, sau 2 năm xa xứ, tôi bắt đầu biết trân trọng từng khoảnh khắc bên cạnh người thân. Mọi vất vả dường như nhẹ nhàng hơn, nhường chỗ cho cảm giác ấm cúng, thân thương mà tôi luôn nhung nhớ.

Những năm trước, tôi và một số du học sinh Việt Nam cùng gói bánh chưng, bánh tét để đỡ nhớ nhà. Dù vậy, mọi thứ vẫn khó có thể so sánh với việc được mẹ sai vặt trong bếp, phụ ba sắp xếp bàn ghế hay cùng các chị dạo phố sắm sửa.

Nỗi cô đơn đã được gác lại khi tôi được hòa mình vào không khí Tết vào từ ngày 20 tháng Chạp. Dù chỉ về nhà 5 tuần, tôi vẫn kỳ vọng sẽ tạo được nhiều kỷ niệm đẹp bên gia đình, để bù lại cho 2 năm trò chuyện online.

Chợ Tết ở TP.HCM tấp nập ngày cuối năm

Ngày gần Tết Quý Mão, nhiều cửa hàng bận rộn đón lượng lớn khách mua sắm. Các phụ kiện in hình linh vật, tượng mèo thần tài, chậu mai, lá lộc vàng được quan tâm nhiều nhất.

'Giải oan' cho Gen Z

Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.

Hồng Chang - Hồng Anh

Bạn có thể quan tâm