Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cặp bố mẹ 'trẻ ranh'

Nhìn con mình “ị”, vợ chồng Dũng, Hà mặt nhăn nhó lộ rõ vẻ "ghê ghê", đứng nép vào nhau và gọi bà nội: “Mẹ ơi, em bé ị rồi!". Mẹ Dũng tất tưởi chạy xuống...

Những cặp bố mẹ "trẻ ranh"

(Zing) - Nhìn con mình “ị”, vợ chồng Dũng, Hà mặt nhăn nhó lộ rõ vẻ "ghê ghê", đứng nép vào nhau và gọi bà nội: “Mẹ ơi, em bé ị rồi!". Mẹ Dũng tất tưởi chạy xuống...

Những cặp bố mẹ `trẻ ranh`
Hình minh họa

Yêu sớm, làm “người lớn” sớm, rồi có bầu, cưới sớm và tự nhiên có đứa trẻ bi bô gọi là “bố”, là “mẹ” dù rằng trong mắt mọi người chúng vẫn chỉ là những “đứa trẻ ranh”.

Giới trẻ bây giờ có nhu cầu phát triển tình cảm rất sớm. Sẽ không lạ gì nếu thấy các cô cậu lớp 6, lớp 7 mới “nứt mắt” ra đã tỏ tình, nói yêu đương ngọt xớt. Chị Liên (phụ huynh của một bé gái lớp 7 trường TT) kể: “Tôi vô tình xem được cuốn nhật kí của con gái. Trời ơi, nó viết toàn chuyện yêu đương anh nào, nhớ anh nào, thất tình đau khổ ra sao… Tôi không nghĩ là con gái mình lại “già đời” đến thế!”.

Đó là thực tế. Nhưng cũng nhiều ông bố, bà mẹ luôn cho rằng con mình còn bé, ngây thơ chẳng biết gì. Có chăng chỉ là loại tình yêu cóc nhái, bọ xít. Và đến khi thấy con gái mình bụng dần to lên hoặc con trai mình run rẩy nói: “Con làm bạn gái con chửa rồi” họ mới ngã ngửa. Kết quả là xuất hiện các cặp vợ chồng tuổi teen mặt non choẹt đã tay bồng tay bế con.

“Con của con nhưng là cháu ông bà!”

Nhìn con “ị”, vợ chồng Dũng, Hà mặt nhăn nhó, đứng nép vào nhau và gọi “bà nội”: “Mẹ ơi, em bé “ị”. Vậy là mẹ Dũng tất tưởi chạy xuống, nhanh tay vệ sinh cho đứa cháu nội. Còn Dũng và Hà chỉ biết giương mắt lên nhìn, mặt lộ rõ vẻ “ghê ghê”.

Những cặp bố mẹ `trẻ ranh`
Đẻ con đã có ông bà!

Mới 16 tuổi, vì các con “trót dại”, lỡ để có bầu nên bố mẹ hai bên đành phải ê mặt tổ chức đám cưới cho Dũng và Hà. Dũng thì cứ tiếp tục đến lớp thôi nhưng còn Hà đương nhiên phải nghỉ học vì chửa đẻ.

Vẫn còn đang ở tuổi ăn, tuổi chơi, ngoài việc vợ cho bú, chồng thỉnh thoảng bế con thì cả Dũng và Hà đều chẳng biết làm gì. Từ A đến Z mọi việc như tắm rửa, giặt rũ, thay tã, quấy bột, mua sữa, mua bỉm, sắm quần áo cho em bé … đều đến tay các ông, các bà. Chăm sóc, canh chừng cậu con đang tuổi mới lớn đã bở hơi tai, nay lại chăm thêm cả đứa cháu, bà nội – mẹ Dũng cứ ngày một bạc mặt, gầy mòn. Hàng xóm ai nhìn cũng thông cảm: “Đúng là kiếp cháu mọn!”.

Thịnh, Hồng cũng là một cặp vợ chồng tuổi teen tương tự. Nhưng hơn ở chỗ họ đều là cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu. Khi Hồng đẻ, thuê hẳn hai “oshin” nên ông bà cũng đỡ vất vả.

Ỷ lại gia đình điều kiện, được ông bà và người giúp việc chăm sóc chu đáo, đẻ xong chưa hết cữ, hai vợ chồng Thịnh đã vi vu chơi bời khắp nơi như hồi còn đang yêu. Có hôm, con vứt cho ông bà, họ rủ nhau đi “quậy phá” cả đêm với đám bạn. Đứa trẻ nhớ mẹ, thèm sữa cứ khóc ngằn ngặt. Về nhà, bị mẹ trách mắng, Thịnh không hối lỗi còn ngang ngược cãi: “Con con nhưng là cháu ông bà, nhờ trông có một đêm mà ông bà đã kêu ầm lên”. Còn Hồng giận dỗi, ngúng nguẩy ôm con về nhà ngoại, tỏ ý “ta đây không thèm”. Rồi sau đó, nhất mực đòi “cai sữa” luôn để… tiện bề đi chơi. Thịnh sợ vợ nên chẳng dám ý kiến gì. Cuối cùng, cả vợ chồng con cái “rinh” nhau về nhà ngoại ở cho thoải mái, vì dẫu sao nhà ngoại cũng thương con gái!

Tư cách những bố mẹ “ranh”

Sinh con, chăm sóc con đã là những công việc khó khăn với các cặp vợ chồng tuổi teen. Nhưng dạy dỗ, trở thành tấm gương cho con xem ra mới là nhiệm vụ bất khả thi.

Hằng vội vàng vứt con dao ra khỏi tay đứa con hơn hai tuổi của mình. Đứa trẻ lập tức bảo: “Tiên sư mày!”. Quân – chồng Hằng nghe thấy vỗ đùi, cười thích thú: “Đúng rồi, chửi thế mới đúng!”. Hằng lườm chồng, trợn mắt chửi con: “Tiên sư mày, mất dạy!”. Đứa trẻ lại nhại theo: “Mất dạy!”. Hằng bực tức tét đít con và hét: “Im ngay!”. Đứa bé gào lên khóc, Quân bênh con, quay ra chửi vợ. Thế là cả nhà chửi nhau như một cái chợ vỡ, nheo nhéo toàn tiếng trẻ con.

Hàng xóm đã không ít lần chứng kiến khung cảnh ấy. Ai cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Cả nhà trẻ ranh!”. Lời nhận xét ấy đúng 100%. Quân và Hằng đều mới tròn 19 tuổi, chẳng ai chịu nhường ai. Mỗi lần lục đục là vợ chửi chồng, chồng chửi vợ trước mặt con. Đứa bé đang tuổi bi bô, thấy bố mẹ nói gì là bắt chước theo ngay. Con văng tục, thậm chí còn thấy hay hay, buồn cười nên càng khuyến khích. Kết quả là đứa bé mới tí tuổi đầu đã thuộc vanh vách những lời tục tĩu của người lớn.

Những cặp bố mẹ `trẻ ranh`
Những đứa trẻ rồi sẽ được dạy bảo ra sao khi mà chính bố mẹ chúng còn chưa "trưởng thành"?

Còn Tiến, một ông bố “choai choai” vừa cười khà khà vừa nói với bạn: “Trời ơi, tao nhận được giấy mời họp của con tao. Mày nhìn cái mặt tao có giống phụ huynh không? Đến tao còn đang bị người ta gọi điện đến mách phụ huynh đây này”. Tiến mới 24 tuổi đã có con lên 5. Nhà có công ty riêng nên cậu bị bố mẹ “ép” vào làm ở đây. Một tuần cậu đi làm được hai buổi, còn lại là đi đánh bài hoặc lê la ở các hàng game. Cấp trên, người chịu trách nhiệm quản lý Tiến ở công ty luôn phải gặp “sếp” để mách tội Tiến thường bỏ việc. Bản thân mình còn chẳng ra gì, huống hồ giờ còn được đi mời họp phụ huynh thì đúng là chuyện nực cười.

Hay như vợ chồng Bính – một tay ghiền billard. Ngày nào cũng vậy, vợ chồng con cái trực “thường niên” ở tiệm bi –a. Chồng chơi ăn tiền, vợ bế con xem cổ vũ. Lắm hôm, đến 12h đêm rồi, đứa bé ngáp ngắn ngáp dài, gục trên vai mẹ mà vợ chồng Bính vẫn chưa chịu về cho con ngủ. Vợ chồng “trẻ con” quá nên chẳng biết bảo nhau, nhìn rõ tội nghiệp thằng bé!

Đang tuổi mới lớn, hầu hết lại thuộc nhóm “ham chơi hơn ham học”, các cô cậu “xì tin” này bỗng chốc bị “gò” vào vai các ông bố, bà mẹ. Không chỉ làm khổ cha mẹ, người thân, đáng nói hơn cả là những đứa trẻ do họ sinh ra rồi sẽ được dạy dỗ ra sao? Phải chăng tương lai cũng sớm giống bố mẹ chúng, những tấm gương ngay trước mắt, dễ để chúng noi theo nhất.

Hoàng Nhi

Bạn có thể quan tâm