Những cậu bé có khả năng đặc biệt
Không thể giao tiếp như bao đứa trẻ bình thường nhưng một số trẻ tại Trường chuyên biệt Hướng Dương (TP.HCM) lại có những khả năng đặc biệt, như lặp lại bài hát sau 1 - 2 lần nghe; nhớ hàng loạt biển số xe chỉ sau một lần nhìn…
Nghe qua một lần đã thuộc nhạc
Trong một con hẻm trên đường Bành Văn Trân, Q.Tân Bình (TP.HCM), nhiều người đi ngang Trường chuyên biệt Hướng Dương đều nghe tiếng hát trẻ con mỗi sáng. Có người nhầm tưởng trường mời ca sĩ về biểu diễn khi nghe qua giọng hát. Nhưng được chứng kiến mới biết, giọng hát đó là của một trong những học sinh của trường.
Không chỉ sở hữu giọng hát khá tốt, L.G.L (sinh năm 2000) khiến nhiều người bất ngờ vì cậu bé có thể biểu diễn lại một ca khúc nào đó gần như trọn vẹn sau khi nghe qua 1 - 2 lần. Không kể tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, cậu bé đều có thể hát lại theo đúng cách luyến láy, nhả chữ… của ca sĩ biểu diễn.
Mỗi sáng, trước giờ học một tiếng, trong khi các bạn tập thể dục, sinh hoạt, vui chơi, L. thường xin cô giáo cho cầm micro để tự biểu diễn. Khi biểu diễn, cậu bé đứng lắc lư người theo nhạc, mắt không nhìn ai, chỉ hướng về phía loa.
Cô Lê Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hướng Dương kể, 7 tuổi L. vào học ở trường, đó cũng là năm đầu tiên thành lập của trường. Sang 8 tuổi thì các cô giáo phát hiện ra năng khiếu đặc biệt của bé.
Mỗi lần khi mở nhạc cho học sinh sinh hoạt buổi sáng, L. hay đến gần loa và hát theo. Từ đó, các cô giáo tìm kiếm bài hát trên mạng, mở cho L. nghe mỗi sáng và đưa micro cho em hát theo.
“Đối với các môn học văn hóa, L. học không nhạy. Đến nay, 24 chữ cái em vẫn chưa thể nhớ và phân biệt. Việc dạy chữ cho em hết sức khó khăn. Thế nhưng, em có khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt”, cô Chi cho biết.
“Duyên” với những con số
Cũng ở trường này, em N.H.M (sinh năm 1999) được các giáo viên gọi với cái tên “cậu bé chụp số”. Bởi lẽ, hễ đọc ngày, tháng, năm bất kỳ, em sẽ nói ngay ngày đó là thứ mấy hay ngày âm, dương lịch tương ứng là ngày nào. Theo lời các cô giáo, M. có một sở thích đặc biệt là bóc lịch. Các giáo viên ở đây phải đi xin lịch từ các nơi về cho M. xé và chơi.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, có thể do M. có khả năng nắm được sự tương quan thứ, ngày, tháng, năm, âm lịch, dương lịch sau đó nhẩm tính theo cách riêng của em. Và em không biết giải thích cách tính của mình như thế nào cho mọi người hiểu. Hiện nay M. chỉ mới học chương trình toán lớp 2 và chưa biết viết, biết đọc.
Trong khi M. không có khả năng nhớ tốt những chữ cái, câu văn thì em lại có thể đọc vanh vách biển số xe, màu sắc, hãng xe của từng người một trong trường; từ số xe cô hiệu trưởng, cô giáo, phụ huynh và cả người lạ vào trường.
Theo lời cô Chi, các cô giáo tình cờ phát hiện M. có khả năng này khi em vô tình ngồi lẩm nhẩm đọc các con số. Sau đó, cô giáo phát hiện ra là em đang đọc biển số xe. Cô giáo này đã gọi em lên, hỏi em số xe của cô giáo nào đó hoặc đọc biển số xe rồi hỏi em xe của ai, em đều trả lời chính xác. M. có thói quen đi gần tới bãi giữ xe, sờ tay vào từng bảng số xe hay chạy ra khỏi lớp khi có xe máy, xe ô tô đậu trước cổng trường để nhìn biển số xe.
Cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp, viết chữ, viết câu…, T.D.T.T (sinh năm 1998) học ở đây cũng khiến các cô giáo ngạc nhiên bởi khả năng tính nhẩm của mình.
Nếu như đối với các bài toán yêu cầu lời giải, khoảng 3 lời giải trở lên, T. sẽ bị “bí” khi phải viết lời giải. Nhưng em lại có thể cho ra kết quả cuối cùng. Còn với các phép tính, em có thể cộng, trừ, nhân, chia nhẩm theo hàng ngang những dãy số nhiều hơn 2 chữ số.
Trong lớp, cô giáo chỉ dạy T. làm phép tính số có 2 chữ số nhưng thỉnh thoảng em tự lên bảng viết ra phép toán với dãy số đến 4 - 5 chữ số rồi tự viết ra đáp án. Rất ít trò chuyện hay nhìn ai, nhưng khi có ai đó hỏi về bài toán nào đó hoặc viết dãy số toán trên bảng, T. lập tức bị chú ý và đưa ngay ra đáp án.
Ngoài giờ học, T. thường xuống phòng cô hiệu trưởng và tự mở máy vi tính để chơi game. Cô Chi cho biết, nhiều lúc cô giấu game rất kỹ trong một file nào đó, nhưng em vẫn tìm ra. Những trò chơi như gỡ mìn, gắp vàng, trúc xanh… khi chơi cùng các em nhỏ phát triển bình thường bằng tuổi T. đều tỏ ra nhanh trí hơn. Trong quá trình chơi điện tử, T. đặc biệt thích mở âm thanh lớn và sôi động.
Theo cô Chi, có thể, vỏ não của những em này phát triển không đồng đều, nên các em trở nên nhạy và nổi trội ở lĩnh vực nào đó nhưng lại hạn chế ở những lĩnh vực khác.
Theo Thanh Niên