Sau thời gian chống chọi với nhiều căn bệnh, cộng tuổi cao sức yếu, Giáo sư Trần Văn Khê – cây đại thụ của âm nhạc dân tộc Việt Nam trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng 24/6, hưởng thọ 94 tuổi. Dù gia đình, bạn bè, đồng môn... đều chuẩn bị tâm lý cách đây vài tháng nhưng khi nghe tin này, ai nấy đều bàng hoàng, tiếc nuối.
Trong đám tang tại nhà riêng (32 Huỳnh Đình Hai, Phú Nhuận, TP HCM), nhiều câu chuyện về vị Giáo sư đáng kính được bạn bè, đồng môn ôn lại. Lắng nghe để hiểu vì sao ông lại được yêu thương nhiều đến vậy.
Giáo sư tỉnh táo đến giây phút cuối cùng
Tại lễ tang, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng - học trò gần gũi nhất với Giáo sư Trần Văn Khê không có giây phút nghỉ ngơi. Cô đôn đáo nhắc nhở từng bộ phận chuẩn bị kỹ lưỡng, rồi nhiệt tình tiếp chuyện mỗi khi đoàn khách đến viếng. Không giấu được vẻ mệt mỏi lẫn thương đau hằn trên gương mặt, nhưng khi nói về người thầy đáng kính, người nghe cảm nhận được vùng trời yêu thương và kính trọng.
Theo chia sẻ nghệ sĩ Hải Phượng, trong những khoảnh khắc cuối đời, Giáo sư vẫn tỉnh táo và nhận ra tất cả người thân chứ không rơi vào trạng thái hôn mê.
Vài ngày trước, NSND Kim Cương vào bệnh viện thăm và khẽ nói: “Anh Hai, em Kim Cương đây, anh còn nhớ em không?”. Ông lập tức nhận ra giọng nói quen thuộc và mở mắt, gật đầu đáp lời. Lúc này, Giáo sư không nói được nhưng hành động hồi đáp cũng đủ khiến người em gái thân thương ấm lòng, gia đình thắp niềm hy vọng.
Thầy trò Giáo sư Trần Văn Khê và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng. |
Nghệ sĩ Hải Phượng tâm sự thêm: “Thầy là người có ý chí sống rất cao. Được học và đi chung với thầy, tôi biết tình yêu âm nhạc của thầy rất lớn. Những năm gần đây, dù tuổi cao sức yếu, nhưng mỗi khi có chương trình vinh danh văn hóa Việt, thầy đều nói như không có bất kỳ đau yếu trong cơ thể.
Lần này, gia đình, bạn bè và học trò đều chuẩn bị cho sự ra đi của thầy khi bệnh tình ngày càng xấu, nhưng không ai nghĩ thầy đã ra đi vĩnh viễn.Chúng tôi vẫn giữ niềm tin rằng, thầy cứ vào viện vài ngày lại ra như những lần trước”.
Dù đang bệnh, nghệ sĩ Kim Cương vẫn đến thắp nhang tiễn biệt người anh, người thầy và cũng là chỗ dựa tinh thần, là nơi bà yên tâm tìm đến trút bầu tâm sự từ khi má Bảy Nam mất. Bà nghẹn ngào nói: “Ai nấy đều biết rồi cũng sẽ có ngày này. Nhưng 3h khuya đêm đó, nghe tin anh Khê qua đời, tôi hụt hẫng vô cùng”.
"Suốt cuộc đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc, cuối cùng, thầy cũng tìm được chốn bình yên để đi về" - Thành Lộc. |
Còn NSƯT Thành Lộc chia sẻ: “Nghe tin, tôi vừa buồn lại vừa mừng vì thầy được an nghỉ. Suốt cuộc đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc, cuối cùng, thầy cũng tìm được chốn bình yên để đi về. Điều tôi tiếc nhất là sau thầy, sẽ rất khó tìm được người thứ 2 có được sự uyên thâm, tâm huyết lẫn tình yêu thật sự mãnh liệt dành cho âm nhạc dân tộc nữa”.
Tấm gương sáng cho nhiều thế hệ
Nhắc đến Giáo sư Trần Văn Khê, đó không chỉ là những công trình nghiên cứu giá trị, là khối lượng kiến thức uyên thâm, mà còn ở nhân cách sống cao quý, đầy tình thương của cả kiếp người.
Theo lời kể của nghệ sĩ Hải Phượng, Giáo sư từng nhận được rất nhiều lời mời đóng phim với cát-xê cao gấp vài lần học bổng. Tuy nhiên sau vài lần tham gia, ông quyết định dừng lại vì mục tiêu duy nhất là kiếm tiền làm luận án tiến sĩ.
“Trong cuộc sống, khi phải đưa quyết định khó khăn, thầy đắn đo rất kỹ. Sau cùng, phần thắng luôn thuộc về âm nhạc. Có những việc thầy muốn thực hiện, nhưng vẫn chấp nhận chịu thiệt thòi về phần mình để có cơ hội thực hiện điều lớn lao hơn”, cô nhớ lại.
Với nghệ sĩ Thành Lộc, hình ảnh đẹp nhất của Giáo sư là những ngày ông tìm đến nhà anh xin học hỏi NSND Thành Tôn (thân sinh Thành lộc) về nghệ thuật hát bội, dù thời điểm này ông đã là một người rất nổi tiếng.
“Ngày đó, mấy anh em chúng tôi rất thích mỗi khi thầy đến nhà vì biết chắc sẽ được xem ba và thầy hát nam, hát khắc, múa. Sau này cũng vậy, dù kiến thức đã dầy dặn, uyên thâm nhưng mỗi năm thầy vẫn đi nước ngoài để cập nhật thêm thông tin về âm nhạc. Tinh thần học, học nữa, học mãi của thầy là tấm gương để tôi và các em phải noi theo”, anh chia sẻ.
Đặt niềm tin yêu truyệt đối với âm nhạc dân tộc, nên dù từng có gần 60 năm sống, làm việc ở Pháp, ăn cơm Pháp, lĩnh lương Pháp, thậm chí khi bệnh, ông cũng uống thuốc Pháp, nhưng đến cuối đời, Giáo sư chưa bao giờ có ý định thay đổi quốc tịch.
Nói như vậy để biết khi mất Giáo sư Trần Văn Khê, cũng là lúc một ngôi sao của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam không còn tỏa sáng.
Lan tỏa tình yêu người và người
Khác hẳn với bề ngoài nghiêm khắc, chỉ những người có dịp tiếp xúc mới có thể cảm nhận trái tim nồng ấm và tình cảm của ông. Với những học trò, ông được ví là “chuyên viên” tư vấn tâm lý và tình cảm.
Nghệ sĩ Hải Phượng kể: “Ngày xưa, tôi thường nói vui rằng, thầy không bao giờ sợ thất nghiệp vì nếu không muốn nói về âm nhạc, thầy sẽ có nghề rất “hot” là tổng đài 1080 chuyên mục giải đáp thắc mắc tình cảm. Không phải một mà nhiều lần, có những người bế tắc, gọi điện cho thầy chỉ để chào lần cuối. Thế nhưng, sau khi nói chuyện, họ bỏ hẳn ý định đó. Hay có học trò từng nghĩ mình không thể theo đuổi con đường này vì nhiều lý do nhưng gặp thầy, họ lấy lại tinh thần, niềm cảm hứng và rất thành công trong sự nghiệp sau này”.
Riêng với cô, Giáo sư Trần Văn Khê không chỉ là người thầy tác động đến sự nghiệp mà còn là người cha thứ hai.
“Thầy cho tôi rất nhiều lời khuyên, có những điều tôi thậm chí không thể chia sẻ với gia đình. Dù lớn tuổi, nhưng thầy có suy nghĩ rất thoáng, cởi mở và đưa ra những lời khuyên vô cùng thiết thực” - nữ nghệ sĩ ôn lại kỷ niệm về thầy.
Với nghệ sĩ Kim Cương, Giáo sư Trần Văn Khê không chỉ là người anh, người thầy mà còn là chỗ dựa tinh thần. |
Suốt cuộc đời, tâm nguyện lớn nhất của Giáo sư Trần Văn Khê là lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nhưng với mọi người xung quanh, nguồn cảm hứng ông mang đến cuộc sống không dừng lại ở đó, mà còn là tình yêu giữa người và người.
Nghệ sĩ Kim Cương bồi hồi: “Tư cách của anh Khê cho tôi rất nhiều bài học từ văn hóa đến cuộc sống. Một người Giáo sư tên tuổi lừng danh nhưng lúc nào cũng hòa nhã, vui vẻ và sẵn sàng tiếp tất cả các em. Có những em vì quý mến thầy mà từ đám cưới, đám ma đến mở hàng, hát xiệc đều mời anh tới dự. Tôi từng nói Giáo sư phải lựa chọn, chứ ai kêu cũng đi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và riết cái tên anh cũng nhàm. Nghe vậy, Giáo sư nói rằng, anh về đây nhờ tình cảm bà con, em không cho anh đi, anh thà về Pháp ở còn hơn”.
Từ những suy nghĩ đơn giản của Giáo sư Khê, nghệ sĩ Kim Cương nhận ra bài học lớn lao là không được sống xa rời những người thương yêu mình, dù đôi khi phải chấp nhận hy sinh điều gì đó.