Nhiều đêm giáp mặt "xã hội đen"
Sau nhiều cuộc điện thoại, cuối cùng tôi cũng tìm được ông đang ở cuối đường Lê Văn Lương kéo dài thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Điều làm tôi thực sự xúc động khi chứng kiến cuộc sống thường nhật của ông trên thành phố để “chia lửa” với người vợ cũng đang tần tảo ở quê nuôi các con ăn học, đỗ đạt. Bà Hoàng Thị Thanh, 50 tuổi (vợ ông Tiến) trước đây còn đi phụ hồ, nhưng giờ sức khỏe yếu nên đi vặt lông vịt thuê, thường từ 0h đến 8h, được khoảng 50-60.000 đồng mỗi đêm.
Ngồi trò chuyện, ông Định cho biết: “Tôi ra thành phố đã hơn 10 năm nay. Dù là cách nhà chỉ hơn 30 cây số nhưng cả năm có khi vợ chồng, con cái mới ngồi ăn với nhau vài bữa cơm. Mấy năm trước tôi làm nghề sửa xe từ Cầu Giấy, đường Láng rồi đến đường Lê Văn Lương, nhiều lần không có chỗ ngủ, gặp trận mưa to phải ngủ nhờ phòng để đồ của nhà vệ sinh công cộng có hơn 1 mét vuông mà hai người nằm, chân co lại, không thể cựa mình”.
Cách đây khoảng 2 năm, ông Đặng Văn Giao 54 tuổi, là anh rể của ông Định mở quán nước ngay chân cầu vượt đường sắt khu vực phường Yên Nghĩa, ông Giao đã gọi người em vợ về đây cùng “làm ăn”. Cũng từ đó, hai anh em nương tựa vào nhau, người bán hàng nước, người bơm vá, chạy xe ôm, bốc vác thuê...
Cách đây khoảng 7 tháng, Trường Đại học Thành Tây đào móng xây tường nên đã phá bỏ tất cả các quán tạm. Hai anh em ông phải dựng tạm cái mái che mưa nắng để bám trụ nơi đây. Vì lán tạm, chật chội nên ông Định phải ra phía sau có cái cống thoát của công trường xây dựng bị bỏ hoang ở sát vỉa hè để ở.
Ông tự “thiết kế” bằng cách ghép tạm những tấm phên mục, gỗ nhặt từ công trường để che mưa che nắng. Đợt mưa bão vừa rồi, ống cống bị ngập, ông Định đành phải sang xin nhờ ngủ tạm lán công nhân đối diện bên đường. Còn việc ăn uống thường thì qua quýt cho xong bữa, trung bình cho cả ngày khoảng 15.000 đồng.
Tôi hỏi: “Ông ở đây một mình đêm hôm không sợ à?”, thì ông hóm hỉnh trả lời: “Thời gian trước đây tôi đã từng làm phu vàng nên cũng đã từng “ăn bờ ở bụi” với dân anh chị ''xã hội đen'' nên cũng cảm thấy bình thường. Với lại cả cơ nghiệp của tôi chỉ có chiếc bơm tay, vài đồ lặt vặt chữa xe, bơm vá thì sợ gì ai lấy mất hả chú”. Thế nhưng, ông cũng không giấu đã có lần giáp mặt dân anh chị ''xã hội đen'', mà nhiều lúc ngồi nhớ lại cũng cảm thấy rùng mình, ớn lạnh.
Ông kể: “Cách đây khoảng hơn một tháng, lúc đó khoảng nửa đêm có hai thanh niên gọi tôi dậy vá xe. Khi vá xong tôi xin tiền vá chẳng biết họ có nghe thấy không, nhưng thanh niên ngồi trước rút thanh kiếm sáng quắc đưa cho người ngồi sau mà cảm thấy lạnh sống lưng. Chả dám xin tiền, tôi vội vàng chui vào cống nằm chờ cho tiếng xe máy phóng đi mới hết run”.
Có những lần chạy xe ôm, khi chở đến nơi khách yêu cầu, đứng chờ lấy tiền thì người khách chỉ vén áo, để lộ hình xăm rồng phượng bảo ông lấy hình nào thì lấy chứ không có tiền...
Có đêm mưa, ông đang ngủ trong cống thì có một đôi “mèo mả gà đồng” vào xin trú tạm. Lúc đầu họ còn giữ ý, nhưng sau không thấy “chủ nhà” nói gì nên họ càng làm tới. Những hành động âu yếm thái quá diễn ra ngay trước mắt như ông không hề có mặt ở đó. “Mình chỉ biết nhắm mắt quay đi chỗ khác, cầu cho trời tạnh mưa để họ đi chỗ khác hành sự", ông Định kể lại.
Cuộc đời nhiều lần gặp biến cố
Qua câu chuyện được biết cuộc đời ông cũng gặp không ít biến cố. Là con thứ 3 trong một gia đình có 4 anh chị em, sinh ra trong một làng thuần nông ở xã Phương Tú, ông phải nghỉ học sớm phụ giúp gia đình. Chính điều này mà ông cảm thấy sự học quý giá đến nhường nào: “Bây giờ dù có khó khăn, vất vả đến mấy tôi cũng phải cho con theo học đến cùng”- ông tâm sự.
Thời còn trẻ, hai anh em ông trong một lần đi nhổ mạ đã tranh cãi với một đối tượng bất hảo ở địa phương, khi đối tượng này nhổ trộm mạ nhà người cô ruột. Tưởng mọi việc qua quýt cho xong, nào ngờ kẻ trộm mạ giữ mối thâm thù trong lòng, đang đêm đến tận nhà ông để hành hung. Lúc đó, ông đang nằm trên tấm phản cũ trong nhà liền bị đối tượng vụt thẳng côn vào người. Nhanh chân tránh được cú vụt kinh hoàng đó, ông bỏ chạy ra ngoài.
Cú vụt mạnh khiến chiếc côn gãy làm đôi và vỡ một mảng phản. Ra đến ngoài thì đối tượng gặp ngay người em trai ông đi về, liền lấy côn đập vào giữa đầu làm nứt hộp sọ. Đối tượng bị bắt và kết án tù, em ông dù cứu được mạng song, nhưng cũng từ đó lúc tỉnh lúc dại chẳng biết gì.
Trong một lần bị kích động, người em đã vác dao đuổi chém bố đẻ, ông bố vừa bỏ chạy vừa ngoái đầu nhìn lại nên vấp phải bậc thềm nhà hàng xóm ngã gãy xương chậu, sau đó phải nằm bất động một chỗ. Chỉ trong vòng vài năm gia đình ông đã phải liên tiếp hứng chịu nhiều tai họa. Người em trai sống như thế được hơn 10 năm rồi mất, chẳng bao lâu sau người cha cũng qua đời. Kinh tế gia đình rơi vào cảnh nghèo túng cùng cực.
Thời gian khá lâu sau đó ông mới lấy vợ là người trong làng, hiểu và thông cảm với hoàn cảnh gia đình. Sinh tới 4 người con, nhưng hai vợ chồng cũng chỉ có mấy sào ruộng sinh nhai. Các con còn nhỏ thì còn cố gắng được “bữa đói bữa no”, nhưng khi chúng lớn, tiền ăn, tiền học đã buộc ông phải khăn gói lên thành phố kiếm việc làm.
Hơn 10 năm trên thành phố trải qua biết bao vui buồn, khó khăn, vất vả, nhưng bù lại 4 người con của ông ai cũng chăm ngoan, học giỏi. Ông bảo: “Đó là niềm an ủi lớn nhất của cuộc đời tôi trong mỗi lần tất tả ngược xuôi kiếm tiền lo cho các con ăn học”.
Ông Định và hai cậu con trai Tiến, Tiền nói chuyện với khách. |
Ngồi trò chuyện với ông, mới thấy hết được sự hy sinh cao cả của người cha luôn hết lòng vì con. Nhưng cuộc đời không phải ai trồng cây cũng được hưởng trái ngọt. Tài sản và hy vọng lớn nhất của những người cha, người mẹ luôn đặt hết vào con cái. Niềm hạnh phúc ấy được đền đáp khi các con chăm ngoan, học giỏi và đỗ đạt.
Hai cô con gái đầu hiện đang là sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội-nhân văn và Cao đẳng Du lịch. Đợt thi đại học vừa qua, hai anh em sinh đôi Tiến và Tiền lần lượt đỗ các trường danh tiếng: Đại học Y, Dược và Bách khoa. Riêng Tiến đậu thủ khoa trường y với 29,5 điểm. Ngày biết tin con đỗ đầu, ông sung sướng đến nghẹn ngào, nhưng rồi lại lo lắng: “Để các con tôi được theo học đến cùng còn là cả một chặng đường chông gai và gian khổ đang chờ bố con tôi phía trước”.