Một ngày sau khi TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình Đặng Văn Hiến trong vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, hồi tháng 10/2016, các luật sư cho rằng phiên xử còn nhiều vấn đề chưa làm rõ.
Phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất côn đồ" đối với bị cáo Đặng Văn Hiến là yếu căn cứ.
Theo luật sư Hưng, nguyên nhân gây án của bị cáo Hiến là do hành vi trái pháp luật của nạn nhân và công ty Long Sơn. “Do đó, tòa bác tình tiết ‘phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân’ đối với Hiến cũng thiếu cơ sở. Hiến phạm tội do bị ức chế, dồn nén bởi hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn trong 10 năm qua", luật sư Hưng nói.
"Công ty Long Sơn đã nhiều lần san ủi, phá hủy cây cối và nhà cửa của người dân. Điển hình là có 3 vụ ‘cưỡng chế’ lớn. Năm 2008, công ty Long Sơn phối hợp với chính quyền huyện Tuy Đức san ủi hàng chục hecta điều của dân. Năm 2013, dưới sự chỉ đạo của một tay giang hồ, tên là ‘Thành nghĩa địa’, có khoảng 130 người vây ráp và phá hủy tài sản, nhà cửa của dân. Đến năm 2016, công ty Long Sơn đã tổ chức 2 lần cưỡng chế và đỉnh điểm là vụ nổ súng tạo ra vụ án này”, luật sư Hưng phân tích.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng Hiến thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Ảnh: Minh Quý. |
Vị luật sư nói thêm, tại thời điểm nổ súng, gia đình Hiến bị hơn 30 người của công ty Long Sơn vây ráp nhà để san ủi rẫy điều. Họ được trang bị công cụ hỗ trợ như khiên, áo giáp, gậy gộc, gạch đá...
Do đó, Hiến đã bắn 2 phát súng chỉ thiên, nhưng nhóm người này vẫn không sợ mà dùng đá tấn công vào nhà. Không còn sự lựa chọn nào khác, Hiến buộc phải cầm súng đi ra khỏi nhà và bóp cò trong tình trạng không còn kiểm soát được bản thân.
“Hiến bị dồn vào đường cùng, không còn sự lựa chọn nào khác, bởi nương rẫy là nguồn sống duy nhất, là chén cơm manh áo của gia đình”, luật sư Hưng nói thêm.
Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết mức án với Hiến là không thỏa đáng. Theo vị luật sư này, bị cáo Hiến phạm tội trong trạng thái tinh thần kích động mạnh. Bằng chứng là mâu thuẫn giữa công ty Long Sơn với Hiến đã xảy ra từ lâu.
Ngoài ra, bị cáo Hiến có 4 tình tiết giảm nhẹ hình phạt như đầu thú, khắc phục hậu quả sau vụ án, khai báo thành khẩn và được gia đình nạn nhân làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Trách nhiệm địa phương bị bỏ ngỏ
Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh trong hồ sơ điều tra thì các hộ dân sinh sống tại tiểu khu 1535 trước khi công ty Long Sơn được giao đất vào 2008.
Khu vực tranh chấp đất tại tiểu khu 1535 diễn ra nhiều năm nhưng không được chính quyền giải quyết dứt điểm. Ảnh: Minh Quý. |
Từ đó đến trước thời điểm xảy ra vụ nổ súng ngày 23/10/2016, những hộ dân này không hề bị chính quyền địa phương lập biên bản, hay có quyết định xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm, tranh chấp đất.
“UBND tỉnh Đắk Nông giao đất cho công ty Long Sơn thực hiện dự án nông lâm nghiệp với điều kiện bồi thường cho các hộ dân. Tuy nhiên, khi được giao đất công ty đã nhiều lần cưỡng chế đất của người dân. Người dân đã có đơn tố cáo, cầu cứu nhiều cơ quan chức năng nhưng không được can thiệp, xử lý dứt điểm. Trong vụ án này trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất lớn, thế nhưng không thấy đề cập đến”, luật sư Quynh nói.
Luật sư Quynh nói thêm, trước khi xảy ra vụ án, đích thân Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã vào khu vực trên để đối thoại với người dân và yêu cầu chính quyền địa phương cũng như công ty Long Sơn giữ nguyên hiện trạng.
“Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương xử lý dứt điểm việc khiếu nại kéo dài suốt 10 năm. Tuy nhiên, sau chỉ đạo này, công ty Long Sơn vẫn tiến hành san ủi vườn cây của người dân là coi thường pháp luật”, luật sư Quynh nói thêm.
Ba bị cáo Hiến, Bình, Trường nắm chặt tay nhau sau khi nghe tòa tuyên án. Ảnh: Minh Quý. |
Tương tự, theo luật sư Hưng, việc tranh chấp đất giữa công ty Long Sơn với các hộ dân tại tiểu khu 1535 xảy ra từ rất lâu, dai dẳng. Người dân đã có đơn tố cáo, cầu cứu rất nhiều cơ quan chức năng nhưng không được can thiệp, xử lý dứt điểm. Trong vụ án này trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất lớn.
“Một bản án, theo tôi là chưa toàn diện, bởi đã không xem xét hoàn cảnh, nguyên nhân sâu xa, động cơ phạm tội của bị cáo. Đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương đã để tình trạng khiếu nại kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư này nói.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cho rằng cơ quan chức năng của huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông không kịp thời trong công tác quản lý, nắm địa bàn, xử lý đối với người dân xâm canh, phá rừng, dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép diễn ra phức tạp. Tranh chấp kéo dài, giải quyết không dứt điểm để các bên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết hiện chưa có bản án của tòa nên địa phương chưa kiến nghị để xử lý những đơn vị, cá nhân sai phạm.
Theo ông Bốn, liên quan đến việc chính quyền địa phương để mất đất, rừng lâu nay, địa phương này đã tiến hành xử lý nhiều cán bộ.
Chiều 3/1, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt bị cáo Đặng Văn Hiến (47 tuổi) tử hình; Ninh Viết Bình (35 tuổi) 20 năm tù, Hà Văn Trường (32 tuổi, ngụ xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) 12 năm tù cùng về tội Giết người sau 2 ngày xét xử.
Bị cáo Đoàn Văn Diện (37 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) 9 tháng tù về tội Che giấu tội phạm; Nghiêm Xuân Thiên Sửu (55 tuổi, Phó giám đốc công ty Long Sơn) 6 năm tù và Phạm Công Thiện (40 tuổi, Trưởng quản lý công ty Long Sơn) 4 năm tù cùng về tội Hủy hoại tài sản.
Sáu bị cáo liên quan đến vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức hồi tháng 10/2016.