Với những bạn sinh viên mới ra trường vốn kiến thức, kỹ năng còn yếu thì việc đi phỏng vấn tuyển dụng vào các doanh nghiệp là vấn đề không đơn giản. Dưới đây là 10 câu hỏi thường gặp và những câu trả lời “ngây ngô” của các ứng viên trong quá trình phỏng vấn.
Anh Nguyễn Đức Hải. |
1. Nhà tuyển dụng (NTD): Em có thể dùng 3 từ để giới thiệu về bản thân em được không?
- Ứng viên: Dạ, thưa anh/chị, 3 từ đó là nhiệt tình, hòa đồng và ham học hỏi ạ!
Lời khuyên: Đây là câu trả lời khá phổ biến (đến nhàm chán) của các ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Khi hỏi câu này, nhà tuyển dụng muốn ứng viên nêu được những điểm nổi bật nhất của bản thân liên quan đến vị trí ứng tuyển. Nhưng để làm được điều này, các ứng viên phải hiểu rất rõ điểm mạnh yếu của bản thân mình và có vốn ngôn ngữ phong phú để diễn đạt một cách tốt nhất.
Ví dụ với các vị trí về nhân sự, các bạn có thể dùng từ: đồng cảm, thấu hiểu, nhạy cảm với con người, lắng nghe, sâu sắc… Ngược lại, với các vị trí kinh doanh, marketing thì có thể dùng từ chủ động, quyết đoán, tính cạnh tranh cao, tiên phong, dẫn đầu…
2. NTD: Mục tiêu nghề nghiệp của em là gì? Em có những dự định gì cho nghề nghiệp của mình trong vài năm tới?
- Ứng viên: Dạ thưa chị, chắc là em sẽ trở thành quản lý ạ, có thể là về nhân sự hoặc marketing.
Lời khuyên: Đa số các ứng viên trẻ đều lúng túng trước các câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp vì chưa có sự xác định mục tiêu rõ ràng cho nghề nghiệp của mình. Đối với những câu hỏi này, các ứng viên nên trả lời mục tiêu 5 năm (trở thành chuyên gia hay thành quản lý, chuyên gia về lĩnh vực gì và quản lý chuyên môn nào) một cách rõ ràng và cụ thể. Đặc biệt, phải có liên quan trực tiếp đến vị trí mà họ đang ứng tuyển.
3. NTD: Tại sao anh/chị nên tuyển em vào làm việc?
- Ứng viên: Dạ, em nghĩ là anh chị nên tuyển em vì em nhiệt tình và chăm chỉ. Em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành công việc tốt.
Lời khuyên: Công việc nào cũng yêu cầu sự nhiệt tình, chăm chỉ và sự cố gắng. Trả lời như vậy sẽ không gây được ấn tượng nào với nhà tuyển dụng cả. Ở đây, ngoài tính cách, các bạn nên đưa ra sự phù hợp của mình về mặt kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để nhà tuyển dụng thấy mình đủ năng lực để đảm nhận tốt các công việc được giao. Trong trường hợp vào thời điểm phỏng vấn, bạn chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng thì hãy cho nhà tuyển dụng thấy kế hoạch sắp tới bạn sẽ đi học tập, rèn luyện như thế nào để tự trau dồi kiến thức, kỹ năng phù hợp với công việc.
4. NTD: Tại sao em nghĩ em có thể đảm nhận tốt vị trí này?
- Ứng viên: Dạ, vì trong trường em cũng đã được học một số môn như… và đạt điểm số khá cao. Em cũng đã là trưởng nhóm để hướng dẫn các bạn làm bài tập nhóm…
Lời khuyên: Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn bạn thể hiện mình có kỹ năng làm việc, có thể xử lý tốt công việc đó. Các môn học trong trường chỉ cho bạn kiến thức nền tảng chứ không thể hiện bạn có thể làm được việc. Hãy nói về các công việc bạn đã làm trong các câu lạc bộ, việc part time, cộng tác viên, quá trình đi thực tập hoặc việc bạn đã tham dự một khóa đào tạo về chuyên môn nào đó.
5. NTD: Tại sao em muốn làm việc tại công ty chúng tôi?
- Ứng viên: Dạ, vì em thấy công ty mình khá chuyên nghiệp và có nhiều cơ hội cho em phát triển ạ.
Lời khuyên: Đây cũng là câu trả lời phổ biến được các ứng viên non tay hay sử dụng, dù cho đây có là một công ty Start – up hay công ty cỡ vừa. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có một số lượng rất hạn chế các doanh nghiệp đạt mức chuyên nghiệp. Trong câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn tìm thấy một (hoặc một vài) lý do thực sự thuyết phục khiến bạn ứng tuyển vào công ty, họ dựa vào đó để xem nhu cầu thực tế của bạn với vị trí này thế nào (vì nhiều ứng viên chỉ đi ứng tuyển thử, ứng tuyển để lấy kinh nghiệm, ứng tuyển cho vui). Tốt nhất là bạn hãy tìm hiểu thật kỹ về doanh nghiệp và vị trí ứng tuyển, chuẩn bị trước câu trả lời trước khi đi phỏng vấn.
Những câu hỏi phỏng vấn dành cho các ứng viên mới ra trường thường không khó và rất cơ bản. Đó đều là những câu hỏi tối thiểu mà các chuyên viên tuyển dụng phỏng vấn ứng viên. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị tốt, các ứng viên sẽ có những câu trả lời rất chung chung, “ngây ngô”, đôi khi còn khiến nhà tuyển dụng phải bật cười. Ưu điểm của cách trả lời như vậy là sự thật thà, nhưng nó cũng thể hiện sự thiếu tự tin, thiếu sự chuẩn bị của lực lượng lao động trẻ hiện tại. Mong rằng, qua bài viết này, phần nào sẽ giúp các bạn sinh viên mới ra trường có được những định hướng và sự chuẩn bị tốt hơn cho công việc của mình sau này.