Thủ khoa ĐH Y có bố sống trong ống cống
Hơn 10 năm, Ông Nguyễn Hữu Định cha của thủ khoa ĐH Y 2013 - Nguyễn Hữu Tiến sống tạm bợ, lúc ở vỉa hè dựng lều lán, thậm chí nơi ở chỉ là một chiếc cống bỏ hoang để bươn chải kiếm sống nuôi con học đại học.
Ông Định cùng hai người con trai sinh đôi. |
Ông Định có một “quán” sửa xe nhỏ, sơ sài trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Năm 2013, Tiến thi đỗ ĐH Y Hà Nội với số điểm 29,5. Cậu em song sinh với Tiến là Nguyễn Hữu Tiền cũng thi đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội.
Trước Tiến còn có một người chị đang học năm cuối ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; một người chị thứ 2 học năm thứ 3 CĐ Xây dựng trên Hà Nội.
Để cho các con được ăn học đầy đủ, người cha nghèo Nguyễn Hữu Định lăn lộn ngoài thành phố làm nghề bơm vá, sửa xe đạp, ai thuê gì làm nấy hơn 10 năm nay.
Ông Định từng chia sẻ với báo chí: “Tôi làm nghề tự do, bấp bênh lắm, làm gì có thu nhập ổn định. Ngày nắng, đông khách được hơn trăm nghìn, ngày mưa vắng khách thì chẳng được đồng nào. Như hôm nay, từ sáng làm gì có khách hả cháu, ngày nào may mắn ai thuê bốc vác thì thêm được dăm ba chục. Thôi thì cứ lo cho chúng nó ăn học, có vay nợ cả đời, làm thuê cũng được”.
Bố mẹ phụ hồ, con trai giành 2 Huy chương Vàng Toán quốc tế
Trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2015 vừa diễn ra tại Thái Lan, Thế Hoàn, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên ở Hà Nội đã giành Huy chương Vàng. Đây là lần thứ 2 liên tiếp em đạt được thành tích này.
Gia đình nhỏ của Hoàn. |
Thế Hoàn quê ở Thái Bình. Hết lớp 9, Hoàn cùng lúc thi đỗ vào lớp 10 chuyên Toán của ba trường: THPT Chuyên Thái Bình, THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, THPT Chuyên Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Hoàn sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà (Thái Bình). 3 sào ruộng cấy lúa quanh năm không đủ nuôi 4 miệng ăn, chưa nói đến việc đóng học phí, mua sắm đồ cho các con.
Hoàn từng chia sẻ về bố mẹ mình: “Để có tiền cho em ăn học, bố mẹ phải rời quê lên Hà Nội làm phụ hồ. Những hôm được nghỉ học, em lên thăm bố mẹ. Có hôm trời nắng chang chang, đã quá 12h trưa nhưng bố mẹ vẫn phải làm việc. Công việc nặng nhọc, nhìn bố mẹ mồ hôi chảy ướt cả áo, em chỉ muốn bật khóc”.
Ngày Hoàn nhập trường cũng là lúc bố mẹ em rời làng quê, khăn gói lên thủ đô đi phụ hồ. Vợ chồng anh chị không thuê nhà trọ mà cứ công trình ở đâu thì dựng lều bạt sống tạm tại đó.
Chị Nguyễn Thị Thảnh, mẹ của Nguyễn Thế Hoàn tâm sự, mỗi tháng hai vợ chồng kiếm được 6-7 triệu. Quá nửa số đó giành cho Hoàn đóng tiền học phí, sinh hoạt. Số còn lại anh chị gửi về quê cho ông bà chăm sóc giúp cậu con út đang học lớp 9 chuyên Văn.
Các phóng viên báo giới từng được chứng kiến cảnh bà mẹ này mắt đỏ hoe nhớ lại và kể về những tháng con nhịn ăn sáng để tiết kiệm chi phí. Khi ốm, em cũng chẳng gọi phụ huynh vì sợ bố mẹ lo và phải tốn tiền.
"Đến lúc con sốt cao, miệng nôn trôn tháo, bạn bè sợ quá gọi điện báo thì Hoàn mới để chúng tôi đưa vào viện truyền nước", chị Thảnh kể.
Bố làm cửu vạn, con đỗ đầu Đại học Bách khoa Hà Nội 2015
Trong kỳ thi THPT quốc gia, điểm môn Toán của Hoàng Minh Giám là 9,75; Hoá: 9,75; Lý: 9,5. Xét theo khối A, em được 29 điểm; khối B đạt 28 điểm. Giám cũng là một trong 5 thí sinh có điểm cao nhất toàn quốc. Theo công thức tính riêng của Đại học Bách khoa Hà Nội, cậu học trò quê lúa đạt 10,02 điểm (thang điểm 10).
Hoàng Minh Giám sinh ra trong gia đình nông thôn, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn ở Kiến Xương, Thái Bình.
Bà Nguyễn Thị Phường (mẹ của Giám) chia sẻ với báo giới: “Ở nhà, tôi cấy hơn mẫu ruộng, bố Giám làm nghề tự do trên Hà Nội, công việc không ổn định. Ông sống nay đây mai đó, lúc làm cửu vạn, khi phu hồ, thợ xây, hoặc bảo vệ, đến nay đã được 6 năm. Anh trai cả của Giám đã tốt nghiệp Đại học Xây dựng hơn một năm”.
Bà Phường cũng cho hay, Giám rất ngoan, nghe lời mẹ và luôn tự giác học hành. “Chỉ một lần con mải chơi, được thầy giáo và bố mẹ nhắc nhở và từ đó không tái phạm. Tôi thương con đi học xa, cứ sáng dậy ăn mì tôm hoặc cơm nguội, cơm rang, đạp xe gần chục km. Trưa, cháu ăn cơm ở nhà trọ, tối lại đạp xe về nhà”, mẹ Giám kể.
Bà Phường chia sẻ, sau khi đạt danh hiệu thủ khoa, con trai út không đòi hỏi bố mẹ món quà nào cả. “Giám đang dùng chiếc điện thoại đen trắng cũ, chỉ để nghe gọi. Tôi bảo bố mẹ gom góp tiền mua điện thoại mới, cháu nói bố mẹ dành tiền cho con nhập học”.