Tại khoa Điều trị liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu trung ương, chị Phùng Thị Hà (ở Yên Lập, Phú Thọ) liên tục ngồi nắm bóp đôi chân cho con trai Hoàng Nhật Tân (5 tuổi) theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nhìn con, người mẹ trẻ mang nhiều tâm sự với thân hình gầy nhom không giấu được sự xót xa. Chị Hà cho biết, vợ chồng chị có 2 người con. Chị gái của Tân bị câm, điếc bẩm sinh nên mọi hy vọng dồn hết lên người cậu bé. May mắn, Tân sinh ra khỏe mạnh và thông minh nên gia đình dù nghèo nhưng luôn tràn ngập niềm vui.
Chị Hà liên tục nắn bóp chân cho con trai bị di chứng thần kinh do viêm não Nhật Bản. Ảnh: Hà Quyên. |
Liệt tứ chi vì biến chứng viêm não Nhật Bản
Một lần, khi đang chơi, Tân bỗng nhiên bị sốt. Gia đình đưa cháu đến phòng khám của một bác sĩ về hưu. Tại đây, bác sĩ chỉ cắt thuốc viêm họng cho cháu về nhà uống.
“Tối hôm đó, cháu sốt nặng, mắt lờ đờ, gia đình lo lắng đưa tới viện, nhưng các bác sĩ chỉ cho truyền nước. Lúc đó, con tôi đã không nói được, chân tay co cứng. Gia đình xin chuyển lên tuyến trên nhưng viện nhất quyết không cho. Mãi tới khi cháu mê man, cháu mới được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ tại đây kết luận cháu bị viêm não Nhật Bản”, chị Hà ngậm ngùi.
Với biến chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, bé Tân từ một cậu bé nhanh nhẹn, bình thường, giờ bị liệt toàn bộ tay chân, không đi lại, không nói được, đầu óc không tỉnh táo.
“Nhìn con nằm một chỗ mà tôi như đứt ruột. Con đau mà không nói được, chỉ ú ớ. Hai chân tay teo lại, người gầy khô, không thể chạy nhảy như trước”, chị Hà tâm sự.
Người mẹ này cho biết tài chính của cả gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng nên phải vay ngân hàng toàn bộ để chữa trị cho con trai với mong muốn "còn nước con tát".
Được người quen giới thiệu, chị Hà đưa con tới điều trị tại khoa Nhi, đơn vị Điều trị liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em, thuộc Bệnh viện Châm cứu trung ương bởi châm cứu lúc này là cách điều trị tốt nhất đối với con. Sau gần 2 tháng điều trị tại đây, bé Tân đang bắt đầu có những tiến triển khả quan.
Chị Hiền bế con gái Bảo Ngọc đang điều trị tại viện khi mới chỉ 42 ngày tuổi với cánh tay phải bị liệt. Ảnh: Hà Quyên. |
Trần Bảo Ngọc có lẽ là bệnh nhi bé tuổi nhất tại đây khi nhập viện từ lúc chỉ 42 ngày tuổi. Chị Trần Thị Hiền (mẹ Bảo Ngọc, ở Hà Tĩnh) cho hay, con chị bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay dẫn đến liệt tay phải do tai biến sản khoa. Ngay từ khi chào đời, bé Bảo Ngọc đã bị mất cử động toàn bộ tay phải nên sau khi điều trị tây y không thành công, hai mẹ con mới tìm đến phương pháp châm cứu, bấm huyệt.
Niềm hy vọng từ những chiếc kim
Ths.BS Dương Văn Tâm, Trưởng đơn vị Liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em, cho hay điều trị bằng châm cứu có rất nhiều lợi thế và lành tính.
Tại đây, các bệnh nhân được phối hợp nhiều hình thức điều trị (nội trú, ngoại trú, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng) và nhiều kỹ thuật như điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, tập luyện vận động, chiếu tia hồng ngoại,… kết hợp giữa y học cổ truyền và hiện đại nên hiệu quả điều trị rất cao.
“Với các cháu nhỏ, khi mới châm kim vào người, chắc chắn sẽ cảm thấy đau, nhưng chỉ một lát là các cháu sẽ cảm thấy dễ chịu. Nhiều cháu ngủ ngon lành khi được châm cứu”, thạc sĩ Tâm chia sẻ.
Theo ông mỗi năm bệnh vện đón hơn 5.000 lượt bệnh nhân đến điều trị phục hồi chức năng. Trong đó, các bệnh nhi đều mang di chứng thần kinh, phải phục hồi chức năng do các bệnh như bại não, tự kỷ, di chứng thần kinh sau viêm não, viêm đa rễ thần kinh…
Thạc sĩ Dương Văn Tâm tiến hành châm cứu cho các cháu bé mang di chứng thần kinh. Ảnh: Hà Quyên. |
Bác sĩ Tâm từng chữa trị thành công cho một học sinh 17 tuổi, ở Phú Thọ, bị câm vì ức chế tâm lý. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã nói trở lại.
“Nếu các bé được đưa đến càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao. Tuy nhiên hầu như các cháu nhập viện đều mắc bệnh cấp tính và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi và mang nhiều biến chứng", bác sĩ Tâm chia sẻ.
Do đó, chuyên gia này khẳng định quá trình điều trị cho các bệnh nhi đòi hỏi lâu dài, kiên trì, phối hợp nhiều chuyên ngành nhi khoa, sản khoa, nhà giám định tật học, tâm lý học, ngôn ngữ học và quan trọng nhất là bố mẹ, người thân phải kiên trì, giúp đỡ các cháu.
Là người trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhi bị bãi não, thạc sĩ Dương Văn Tâm cho rằng hiện nay các bác sĩ sản khoa đang quá dễ dàng trong việc chỉ định mổ đẻ. Trong khi đó, sinh mổ để lại di chứng thần kinh rất cao ở trẻ, nó làm tăng đến 30% nguy cơ bại não so với trẻ được đẻ thông thường.