Đã nhiều năm qua nhưng bác sĩ Hán Thị Hồng Tuyến (trung tâm cai nghiện Nhị Xuân, huyện Hóc Môn, TP HCM) vẫn chưa quên được cảm giác sợ hãi khi bị học viên cai nghiện lên cơn tấn công.
Vào năm 2003 - 2004, bác sĩ này mới về công tác tại trung tâm Nhị Xuân. Vào một buổi chiều, khi đang khám bệnh cho học viên trong phòng thì người này chộp lấy chiếc kéo nhọn trên bàn dí vào cổ bác sĩ rồi kéo ra ngoài, yêu cầu bảo vệ phải mở cổng cho anh ta ra ngoài. Cơ sở phải huy động tất cả lực lượng để giải cứu cho bác sĩ.
"Mới đây, tôi vào chích thuốc cắt cơn cho học viên thì bị anh ta lao vào đánh. Thấy vậy nhiều học viên ở ngoài chạy vào giúp bác sĩ khống chế người này", bác sĩ Nghĩa nhớ lại.
Một nữ bác sĩ đã nghỉ việc cũng ở vào tình trạng như trên. Khi bác sĩ vào khám thì liền bị 2 học viên đập bóng đèn dài 1,2 m làm hung khí, dí vào cổ và hông. Cả 2 con nghiện kéo chị từ trong phòng y tế ra đường và đòi cán bộ trung tâm phải mở cửa cổng, lấy xe chở anh ta về trung tâm thành phố.
Để tránh xảy ra tình trạng người nghiện bạo động trốn trại, mới đây khi UBND TP HCM cho tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động để đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở xung quanh trung tâm cai nghiện lớn này.
Theo các bác sĩ, khi bị đưa vào trung tâm, nhiều học viên muốn được ra ngoài nên bày rất nhiều trò như cắt gân tay, tự rạch bụng hay nuốt kim loại.
"Có người nuốt cây sắt dài. Thậm chí có con nghiện còn chế ra thanh kim loại hình chữ thập, hình chéo nuốt vào mắc ngay ở cổ khiến trung tâm phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Đó là những chiêu mà người nghiện sử dụng để đòi ra khỏi trung tâm. Hoặc lâu không được người nhà cho về, họ bức xúc tìm mọi cách để thoát khỏi cơ sở bằng được", bác sĩ Tuyến nói.
Hàng ngày các học viên cai nghiện tập thể hình để rèn luyện sức khỏe. |
Theo lãnh đạo Nhị Xuân, trước đây hầu hết học viên nghiện heroin thường chơi một mình, khi phê là ngủ. Còn bây giờ họ chơi ma túy tổng hợp theo nhóm, tập thể ở các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ.
Cô gái tên Vũ Bích Thủy (22 tuổi, ở Bình Phước) bị loạn thần khi đưa vô Nhị Xuân được giải cơn, uống thuốc xong nằm ngủ. "Giờ giải lao tôi mở nhạc lên và theo dõi trong camera thì thấy cô ngồi lắc lư cả giờ. Hỏi ra mới biết Thuỷ làm phục vụ trong vũ trường ở Sài Gòn", một nhân viên của trung tâm cho biết.
Học viên Lê Xuân Bình (43 tuổi, ở Hóc Môn) có con đang học đại học, nhưng nghiện ma túy đá không nhớ mình là ai. Khi bị hoang tưởng ảo giác, anh ta đứng nhìn camera, chắp tay quỳ lạy.
Nhưng khi tỉnh, Bình kể: "Khi trước làm nghề lái xe, mỗi khi đến điểm dừng thì được cánh tài xế mời đánh bài, lôi kéo hút thử ma tuý rồi nghiện lúc nào không hay".
Trong thời gian điều trị loạn thần, học viên cai nghiện thích chăm sóc hoa. |
Còn anh Phạm Quốc Thắng (34 tuổi, ở quận Bình Tân) hoang tưởng... tự cao. Anh ta cho mình là bác sĩ chữa khỏi bệnh HIV, thường hay nói "mấy hôm nữa người Mỹ phải qua học em về cách chữa bệnh này".
Bác sĩ Nghĩa cho biết lúc trước Thắng nghiện heroin, đi cai ở Lâm Đồng về. Vài tháng người này lại chuyển qua chơi ma túy đá và bị tâm thần, nói nhảm.
Nhiều học viên hoang tưởng, ảo giác nặng hay nhảy múa ở trong phòng hoặc cởi truồng đi vòng vòng. Gia đình đưa vào điều trị được mấy tháng lại cho về. Về nhà lại nghiện và nhờ công an đưa vào gấp.