Theo một thống kê của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP.HCM), chỉ trong 10 tháng đầu năm, Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm (PC45) đã bắt 439 người, trong đó 348 người mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Trong số các nghi phạm liên quan đến ma túy, có đến 90% nghiện ngập từng có tiền án, tiền sự về các tội khác nhau, trong đó nổi lên là tội trộm cắp, cướp giật tài sản. Điều đáng nói, có nghi phạm có đến 3, 4 tiền án về cướp giật tài sản.
Một nghi phạm cướp giật có sử dụng ma túy (người che mặt). |
Trong nhiều chuyên án mà PC45 thực hiện, rất nhiều băng nhóm liên quan đến ma túy thực hiện các vụ cướp giật tài sản. Hầu hết các nghi phạm tuổi đời rất trẻ, thường tụ tập thành băng nhóm trên dưới 10 người, trước khi gây án chúng thường tụ tập trong các khách sạn hoặc nhà riêng để sử dụng ma túy.
Gần đây, phải kể đến băng nhóm của Lưu Văn Lộc (tức Lộc đen, 22 tuổi, ngụ quận 10) gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sản tại các quận trung tâm thành phố. Băng nhóm này có đặc điểm chung là đều nghiện nặng, nhiều tiền án tiền sự. Mỗi khi thực hiện các vụ cướp giật chúng đều lên “dây cót” tinh thần bằng nhiều liều ma túy đá. Băng nhóm này rất táo tợn, chạy xe bạt mạng, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Một trinh sát cho hay, trong quá trình lấy lời khai, hầu hết đều khai nhận có sử dụng ma túy, nguồn tiền để sử dụng ma túy chủ yếu từ hoạt động phạm tội mà việc “cướp giật tài sản” thường được chọn là ưu tiên số 1, do kiếm được tiền từ việc này rất nhanh.
Về độ táo tợn khi thực hiện hành vi phạm tội, trung tá Nguyễn Anh Tuấn (đội phó đội hình sự công an quận Gò Vấp) cho rằng, các nghi phạm này thường có xu hướng hung tợn, quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội hơn các thành phần không nghiện ma túy.
“Chắc chắn việc gom người nghiện sẽ đẩy lùi được tình trạng mất an ninh trật tự tại các địa phương. Tình trạng cướp giật tài sản, trong thời gian tới sẽ được kéo giảm”, ông Tuấn nhận định.
Thiếu tá Nguyễn Quang Thắng, Phó Chánh văn phòng công an TP.HCM cùng nhiều cán bộ công an thuộc các quận huyện, các phòng nghiệp vụ của công an TP.HCM đều đưa ra nhận định, không chỉ riêng tình trạng cướp giật tài sản, từ trước đến nay, các loại án man rợ như giết người chặt xác thì các nghi phạm đều có liên quan đến ma túy. Việc tập trung người nghiện không nơi cư trú không những giảm áp lực cho công an TP.HCM mà còn kéo giảm được tội phạm hình sự, đặc biệt lấy lại được hình ảnh thân thiện, an toàn, tạo tâm lý yên tâm cho người dân, người ngoài tỉnh và khách du lịch khi đến TP.HCM.