Các hàng sửa xe, hay một số thợ sửa xe thường có những cách khác nhau để kiếm thêm tiền từ khác hàng. Đáng tiếc là số lượng này không ít, nên nếu không cẩn thận, người đi sửa xe sẽ phải tốn thêm nhiều tiền cho những thứ không quá cần thiết.
Tính tiền công hoặc tiền phụ tùng với "giá trên trời"
Hầu hết tiệm sửa chữa xe máy đều có bán phụ tùng của xe máy và nhận lắp ráp lên xe cho khách. Không ít cửa hàng thường tăng giá các món phụ tùng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần giá thật của món hàng. Tiền công sửa chữa ở những tiệm này sẽ không có giá cố định mà được tính bằng cách "nhìn mặt đặt giá", đối với những người không hiểu biết nhiều về xe cộ thì việc bị ép giá sẽ xảy ra.
Sửa chữa trong đại lý chính hãng giá có thể cao hơn bên ngoài nhưng phần nào an tâm về chất lượng phụ tùng. |
Khi xe gặp trục trặc khách hàng nên đem xe tới những tiệm sửa chữa quen biết hoặc có thể đem vào các đại lý chính hãng như HEAD của Honda hay 3S của Yamaha... Một số phụ tùng trong hãng sẽ có giá cao hơn bên ngoài, bù lại khách hàng có thể yên tâm về chất lượng hàng hóa cũng như tay nghề thợ. Giá của phụ tùng cũng có thể tìm hiểu trên mạng để đảm bảo bạn không bị hét giá chênh lệch quá lớn.
Yêu cầu thay mới dù không cần thiết
Xích (dây sên) của xe bạn bị chùng, bạn quyết định đem xe đến một cửa hàng sửa xe để nhờ căng xích (tăng sên) thì được thợ báo là dây xích đã quá dãn và đề nghị bạn thay thế. Đây là một trong các chiêu trò của thợ sửa xe để dụ dỗ khách hàng thay mới những món đồ không cần thiết.
Cần tìm hiểu kỹ những phụ tùng nào nên thay thế sau một thời gian sử dụng. |
Thợ sửa xe thường nhắm vào đối tượng là nữ hay những người không có kiến thức về xe, dùng cách dọa dẫm về hậu quả có thể xảy ra nếu như không thay thế những món đồ đó. Thậm chí một số cửa hàng còn thay thế phụ tùng vẫn hoạt động tốt trên xe của khách và đổi bằng hàng cũ hay hàng kém chất lượng.
Để tránh gặp phải tình trạng này, chủ xe nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về xe như cách căng xích xe, chỉnh phanh (phanh tang trống) như thế nào... Đây là những kiến thức cơ bản nhưng vô cùng cần thiết. Khi nắm được một số kiến thức cơ bản, bạn sẽ tự tin hơn khi đối mặt với những thợ sửa xe muốn moi tiền của bạn.
Phá xe trong lúc sửa chữa
Đem xe đi vá và được thợ báo rằng ruột xe bị hỏng bắt buộc phải thay, là một tình huống không hiếm gặp khi sửa xe. Thực chất ruột xe của bạn hoàn toàn bình thường cho đến khi thợ sửa xe tiếp cận.
Ngoài ra thợ sửa xe còn có những "chiêu trò" phá xe khác như vặn lỏng ốc chỉnh li hợp trên các dòng xe phổ thông như Yamaha Sirius, Honda Wave... khi ốc này bị vặn lỏng ra thì vặn ga xe không thể lăn bánh được vì các lá bố trong bộ ly hợp đã bị tách ra. Lúc này thợ sẽ báo bạn là bộ ly hợp bên trong động cơ bị hư và yêu cầu sửa chữa phần động cơ, với chi phí đắt đỏ.
Chỉ vài "thủ thuật" của thợ sửa là có thể khiến cho xe bạn ngừng hoạt động. |
Những cách phá xe này tuy đơn giản nhưng rất dễ dàng qua mắt chủ xe, đặc biệt là những người có thói quen phó mặc xe của mình cho thợ sửa. Quan sát xe khi sửa chữa có thể giúp bạn phát hiện kịp thời những sai sót của thợ sửa xe, đồng thời có thêm kiến thức về xe máy.
Nguyên nhân chính thợ sửa xe dễ dàng phá xe cũng như ép giá phụ tùng là do sự thiếu hiểu biết cũng như bất cẩn của chủ xe. Tốt nhất nếu không có nhiều kiến thức, hãy tìm tới những cửa hàng sửa chữa chính hãng, giá dịch vụ và phụ tùng có thể cao hơn, nhưng vẫn rẻ hơn là đưa xe cho những thợ sửa xe tham lam.
Nếu như xe của bạn gặp trục trặc và phải đem xe vào những tiệm sửa chữa không uy tín, cần trao đổi thật kỹ về giá cũng như các chi tiết cần phải sửa chữa hoặc thay thế. Trường hợp không có nhiều kiến thức về xe máy, có thể gọi điện cho bạn bè hoặc người thân am hiểu về xe máy và nhờ họ tư vấn hướng giải quyết.