Tự nhận quá béo nên không thể giết người
Edward Ates, một người đàn ông ở Florida, Mỹ, bị buộc tội bắn và giết con rể cũ của mình sau một cuộc tranh cãi năm 2006. Luật sư của ông lập luận rằng với cân nặng hơn 130 kg, Ates gặp khó khăn khi di chuyển nên không thể phạm tội bởi vì anh ta không đủ linh hoạt.
Edward Ates tại tòa thượng thẩm Hackensack, New Jersey (Mỹ). Ảnh: AP. |
Tòa án đã bác bỏ những lý lẽ không thuyết phục này bởi vì Ates có kinh nghiệm quân sự, đã nghiên cứu cách giết người chỉ một thời gian ngắn trước khi sát hại nạn nhân. Hơn nữa, có một người thân nói dối để giúp che giấu nơi ở của anh ta. Cuối cùng, tòa kết luận Ates không béo đến nỗi được sử dụng béo phì như một chứng cứ ngoại phạm và bị kết án giết người.
Bắn cấp trên vì bị ép ăn kiêng
Rashad Valmont, một người lính của Cục Dự trữ Quân đội ở Atlanta (Mỹ) đã bị buộc tộc giết người khi bắn chết cấp trên của mình là thượng sĩ Pedro Mercado (47 tuổi) vào tháng 6/2010.
Rashad đã bắn Pedro 6 lần bằng một khẩu súng ngắn sau đó lái xe đến một đồn cảnh sát để tự thú. Anh ta sau đó đã đưa ra nguyên nhân của vụ sát hại là do bị ép ăn kiêng.
Rashad Valmont đã bị kết án chung thân vì bắn cấp trên của mình. Ảnh: thisAintHell.us. |
Theo đó, Pedro đã ra lệnh cho Rashad giảm 3% mỡ cơ thể trong một ngày, và anh ta tuyên bố rằng cơn đói và mất nước đã khiến anh ta phát điên. Rashad nói anh ta rơi vào trạng thái không tỉnh táo đến nỗi không kiểm soát được hành động của mình và không nhận thức được việc mình đang làm. Tuy nhiên, thẩm phán đã bác bỏ lập luận này và anh ta bị kết án chung thân.
Sát hại hai người vì ăn đồ ăn nhanh
Vụ sát hại chính trị gia Mỹ Harvey Milk và Thị trưởng San Francisco George Moscone năm 1978 là một thảm kịch. Dan White, một giám sát viên nghỉ hưu đã bắn chết cả hai người và bị khởi tố tội danh giết người.
Trong phiên tòa, luật sư của White lập luận rằng anh ta không có lỗi vì Dan bị trầm cảm và đã thay đổi chế độ ăn uống của mình sang những đồ ăn vặt không lành mạnh ví dụ như các loại bánh của Hostess.
Không hiểu sao, điều này thực sự có hiệu quả và anh ta chỉ phải ngồi tù 8 năm vì tội ngộ sát, thay vì tội giết người. Chứng cứ ngoại phạm này sau đó được công chúng gọi bằng cái tên "Lập luận Twinkie" (tên một loại bánh xốp của hãng Hostess).
Harvey Milk (bên trái) và George Moscone đã bị sát hại tại San Francisco ngày 27/11/1987. Ảnh: The Chronicle Archive. |
Trái với suy nghĩ của nhiều người, luật sư của White không trực tiếp tuyên bố rằng Twinkies và đồ ăn vặt là nguyên nhân của vụ giết người. Tuy nhiên, anh ta đã nói rằng những đồ ăn này là một trong những nhân tố gây ra chứng trầm cảm và suy giảm khả năng của White.
Không phải là kẻ giết người vì còn bận sử dụng heroin
Bằng chứng chống lại Alan Bienkowski trong một vụ án giết người năm 2013 rất rõ ràng. Có vết máu trên giày, anh ta thường xuyên đến khu vực của tội phạm đồng thời quen thuộc với cây búa được sử dụng làm vũ khí giết người.
Đối mặt với những lập luận này, anh ta đưa ra một chứng cứ ngoại phạm gây khó chịu cho toàn bộ bồi thẩm đoàn rằng anh ta đang bận sử dụng heroin khi vụ án mạng xảy ra.
Alan Bienkowski. Ảnh: Văn phòng công tố hạt Monmouth. |
Bằng chứng ngoại phạm này đã không giúp Alan thoát tội mà còn tố cáo thêm một hành vi bất hợp pháp của anh ta. Alan đã bị kết án 35 năm tù giam.
Giết chủ nhà vì nghĩ rằng đang ở trong ma trận
Một trong những cách mà tội phạm tạo chứng cứ ngoại phạm là tuyên bố rằng họ hoàn toàn không ở trong thế giới thực, mà là trong ma trận. Đáng ngạc nhiên, bằng chứng ngoại phạm này đã được sử dụng nhiều lần trong các vụ giết người.
Điển hình là trường hợp của Tonda Lynn Ansley. Năm 2002, Ansley bắt đầu nghi ngờ cô đang sống trong ma trận, mặc dù sự thực là cô đang sống ở Ohio.
Ansley đã giết bà chủ nhà nơi cô thuê ở vì cho rằng người phụ nữ 55 tuổi này không phải bà chủ nhà thật sự. Ansley sau đó đã tự bắn vào đầu mình. Tại phiên tòa, cô giải thích rằng cô đã không thực sự có mặt tại hiện trường vì cô đã ở trong ma trận suốt thời gian đó.
Thật kỳ lạ là bằng chứng ngoại phạm này đã được chấp nhận nên Ansley đã không bị kết tội giết người. Người ta đã gửi cô đến một bệnh viện tâm thần thay vì nhà tù.
Giết người vì nghi bị nguyền rủa
Năm 2014, Amanda Lopez (26 tuổi) đã chuyển từ Florida đến New York (Mỹ) để tránh xa bạn trai của mình nhưng bắt đầu tin rằng cô bị anh ta nguyền rủa. Niềm tin này trở nên mạnh mẽ đến nỗi cô bắt đầu cảm thấy rằng lối thoát duy nhất là giết anh ta hoặc tự sát.
Amanda Lopez đâm chết bạn trai cũ vì cho rằng mình bị nguyền rủa. Ảnh: Nhà tù hạt Orange. |
Vì vậy, cô đã bay trở lại Kissimmee, lấy một con dao dùng để ăn bít tết và đâm liên tục 10 nhát vào bạn trai cũ khi anh ta đang ngồi trên ghế dài. Cô nói với cảnh sát rằng đó là tự vệ và mẹ cô giải thích rằng cô có vấn đề về tình cảm. Tất cả những điều này không ngăn được Lopez bị buộc tội giết người cấp độ một.
Vẹt là nhân chứng của vụ giết người
Đôi khi, để có một bằng chứng ngoại phạm thuyết phục, bạn chỉ cần một nhân chứng đáng tin cậy. Và vì một số lý do, một người đàn ông ở bắc California (Mỹ) đã nghĩ rằng một con vẹt sẽ làm được điều đó.
Vào năm 1991, một người phụ nữ tên Jane Gill đã được tìm thấy bị bắn chết trong căn hộ của mình. Đối tác kinh doanh của cô, Gary Joseph Rasp, đã bị buộc tội giết người với đầy đủ bằng chứng. Tuy nhiên, Rasp tin rằng có một nhân chứng của vụ giết người, đó chính là Max, con vẹt xám châu Phi của nạn nhân.
Người ta đã nghe thấy con vẹt nói, "Đừng bắn!" và, "Richard, không, không, không!" liên tục sau vụ giết người. Rasp cho rằng vẹt xám châu Phi là một trong những loại vẹt thông minh nhất. Chắc hẳn anh ta gợi ý rằng ai đó tên Richard là kẻ giết người thực sự? Các luật sư của Rasp đã cố gắng gọi con chim là nhân chứng, nhưng thẩm phán không chấp nhận nhân chứng này. Cuối cùng, Rasp bị kết tội và Max không bao giờ xuất hiện tại tòa nữa.
Giết người vì làm theo lời bài hát
Âm nhạc có thể điều khiển được hành động của con người, và đó là điều mà hai thiếu niên Milwaukee dùng để biện minh cho hành động tấn công cảnh sát vào năm 1994. Vào ngày 7/9, Curtis Lee Walker và Denziss Jackson đã lên kế hoạch và thực hiện một cuộc tấn công bắn tỉa vào xe cảnh sát khiến một sĩ quan bị chết.
Khi bị bắt, hai thanh niên này nói rằng họ đã bị ảnh hưởng, thậm chí bị thôi miên bằng một bài hát của Tupac Shakur. Họ nói rằng bài hát rất bạo lực trong đó có đề cập đến việc giết cảnh sát, và nhịp điệu của nó đã đưa họ vào trạng thái không ý thức được hành động của mình.
Và tất nhiên, lý do này đã không được chấp nhận tại tòa án, đặc biệt là khi đó là tội sát hại một cảnh sát. Hai thanh niên sau đó đã bị kết án chung thân.