a - la - la lá là lả lã lạ
o - lo - lo ló lò lỏ lõ lọ
ô - lô - lô lố lồ lổ lỗ lộ
…
Những tiếng đánh vần ê a vang lên ở lớp học tại chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
17 năm qua, cứ vào sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, lớp học nhỏ sau chùa lại rộn tiếng học trò. Ở đó, mỗi em một hoàn cảnh, có em mắc bệnh tự kỷ, có em mắc hội chứng down, chậm phát triển, có cả những “em” đã chạm 30 tuổi.
Những đứa trẻ khuyết tật kém may mắn ấy đang theo học tại lớp học tình thương do cô Lê Thị Hòa (51 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Đông Sơn, Chương Mỹ) thành lập.
Lớp học tình thương tại chùa Hương Lan diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Ảnh: Ngọc Bích. |
Bị mắng “dở hơi”, “đồng bóng” khi dạy trẻ khuyết tật
“Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố chỉ học hết lớp 5, còn mẹ không biết chữ. Khi nuôi 6 anh chị em tôi ăn học, bố mẹ chỉ mong sau này, chúng tôi làm được gì đó có ích cho xã hội, nhất là với những người yếu thế, khó khăn”, cô Hòa bắt đầu câu chuyện của mình với Tri Thức - Znews.
Ngày mới ra trường, cô Hòa được phân công về trường Tiểu học Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Lớp học đầu tiên cô đảm nhận có 9 học sinh, nhưng cả 9 em đều nhiễm chất độc da cam. Cái duyên với trẻ khuyết tật cũng bắt đầu từ đây.
Năm 1997, sau khi lập gia đình, cô giáo chuyển công tác về trường Đông Sơn. Cách trường Trường Yên không xa, 2 em khuyết tật ở trường cũ thường theo về nhà cô chơi. Dưới căn bếp 10 m2, cô dạy 2 em viết chữ, dùng ngói đỏ làm bút, nền đất làm vở. Cứ thế, các trò học từng chữ cái.
Một vài học sinh khuyết tật ở quanh nhà thấy vậy cũng kéo đến học cùng. Thấy con tự nhiên thay đổi, biết lễ phép, biết cả chữ, những phụ huynh này hỏi ra mới biết do cô Hòa dạy. Thế là “tiếng lành đồn xa”, căn bếp nhà cô đông dần học sinh, có khi lên tới 14 em.
Không đủ chỗ cho cô trò, năm 2007, cô Hòa đến chùa Hương Lan xin với sư thầy cho mở lớp học. Được sự đồng ý, cô làm đơn xin các cấp chính quyền, cùng một số đồng nghiệp khác dạy học miễn phí.
Năm đầu tiên dạy học, cô Hòa thậm chí phải đi vận động để phụ huynh cho con đến lớp. Nhiều người mắng cô “bị dở hơi”, “đồng bóng”, “không bình thường” mới đi gom trẻ khuyết tật về dạy. Nhưng với cô Hòa hay những cô giáo còn lại ở lớp, tất cả đều xuất phát từ tình thương.
Cô Lê Thị Hòa kiên nhẫn với từng học trò khuyết tật. Ảnh: Ngọc Bích. |
Những đứa trẻ không lành lặn
Đợi con bên ngoài lớp học, anh Nguyễn Hoàng Anh (47 tuổi, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ) cho biết đã 5 năm nay, cứ cuối tuần, anh lại chở con đi khoảng hơn 10 km để đến lớp học tình thương.
Con trai Anh Thái mắc bệnh tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, từ năm lớp 7 đã không còn đến trường. 17 tuổi, Thái vẫn như đứa trẻ tiểu học. Từ ngày tham gia lớp học tình thương, Thái tiến bộ hơn nhiều, em đã thuộc những bài hát, bài thơ.
Trước đây, Thái thích chơi một mình, không thích tiếng ồn hay nơi đông người. Nhưng bây giờ, mỗi tuần, em đều mong ngóng được đến lớp, bày tỏ thích đi học.
“Có hôm, trời mưa lớn, cô thông báo nghỉ học, con không tin, đòi đến lớp bằng được”, người bố kể.
Cháu gái Thanh An mới tham gia lớp học tình thương hơn một tháng, bà Cấn Thị Hải (85 tuổi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có phần lo lắng, sốt ruột hơn anh Nguyễn Anh. Bà cứ đứng cửa lớp để theo dõi cháu học, mong đợi cháu đánh vần, tập tô từng chữ o, ô, ơ.
Bà Hải kể An mắc tự kỷ, cách đây 4-5 năm bị ngã nên căn bệnh có phần nặng hơn. Bố mẹ đi làm xa, hai bà cháu An ở quê tự chăm nhau.
An chưa từng đi học. Bà nghe nói đến lớp học tình thương, 17 tuổi, An mới được đến lớp có đông bạn bè. Hàng tuần, hai bà cháu bắt xe buýt từ xã bên cạnh để đi học.
Mỗi lần đến lớp, An đều háo hức đi về phía tủ sách. Em mang ra bàn những quyển truyện tranh, dù không biết đọc, ánh mắt An vẫn ánh lên niềm vui khi nhìn hình ảnh.
Bà Hải lặng lẽ đứng ngoài cửa theo dõi cháu gái học. Ảnh: Ngọc Bích. |
Ngoài An và Thái, danh sách lớp học tình thương còn 90 em, đa số là khuyết tật. Khoảng 60 em đi học thường xuyên. Học trò nhỏ nhất là 6 tuổi, lớn nhất đã ngoài 30, là người trong xã Đông Sơn hoặc các xã, huyện lân cận. Có em mới chỉ học vài tháng, nhưng cũng có em đã gắn bó với các cô từ ngày đầu mở lớp.
Mười cô giáo thay nhau đứng lớp, tất cả đều là giáo viên đang giảng dạy tại các trường trong huyện Chương Mỹ hoặc giáo viên đã về hưu. Anh Hoàng Anh nói nể phục các cô vì sự nhẫn nại, hy sinh, gác lại công việc gia đình để gắn bó với lớp gần 20 năm.
Bị trò cắn, đánh vẫn ôm chặt học sinh
Cô Hòa phân lớp thành 2 nhóm, một nửa là những học sinh chưa biết đọc, một nửa là các em đã biết viết, biết làm Toán - trình độ lớp 2 đến lớp 5. Hàng tháng, hàng năm, cô Hòa đều đánh giá trình độ để cho các em “lên lớp”.
Học sinh đông, các cô giáo cứ luôn chân luôn tay cả buổi. Các em được học môn Toán, Tiếng Việt, đôi khi là học hát, học múa. Những đôi mắt háo hức nhìn theo cây thước gỗ của cô giáo, khó khăn nắn chỉnh khuôn miệng sao cho âm phát ra được tròn, rõ.
Để thuộc mặt chữ, biết tính toán, thậm chí là giao tiếp, vệ sinh cá nhân thông thường, các em phải mất cả tháng hay cả năm.
“Có những bài hát, một số em phải học 4-5 năm mới thuộc. Có em học hơn 7 năm mới bằng trình độ học sinh lớp 3”, cô Hòa kể.
Ở lớp học này, các cô chẳng có giáo án hay phương pháp nào ngoài tình yêu thương, sự nhẫn nại. Gần 20 năm gắn bó, cô Hòa không ít lần chứng kiến học sinh la hét, hoảng loạn, trèo lên bàn, thậm chí cả đánh, cắn cô đến chảy máu tay. Mọi hành động của các em theo bản năng quá lớn.
"Tôi ôm các con vào lòng, mặc cho bị cắn vào tay, đến khi con qua cơn hoảng loạn mới thôi", cô Hòa kể.
Dù khuyết tật trí tuệ, tâm hồn các em vẫn luôn trong sáng, yêu thương nhau. Ảnh: Ngọc Bích. |
Cô Trần Thị Thoa (71 tuổi, người gắn bó với lớp học tình thương từ những ngày đầu) cũng gặp trường hợp tương tự. Hôm ấy, khi gọi học sinh lên bảng đọc bài, cô Thoa bất ngờ bị em này đấm vào bụng do không kiểm soát được.
“Cú đấm mạnh. Tôi ôm bụng, muốn khóc vì đau. Nhưng ngay lúc đó, tôi kiềm chế, vội ôm lấy con, vỗ về, thủ thỉ để con ổn định lại tinh thần, nhận ra lỗi và ôm cô. Các con thiệt thòi về trí tuệ nhưng rất tình cảm. Tôi nói các con hiểu, chỉ là chậm hơn”, cô Thoa chia sẻ.
17 năm theo lớp, điều cô Thoa vui nhất là nhiều em đã biết đọc, biết viết, biết làm Toán. Không riêng cô Thoa, đây cũng chính là động lực để các cô giáo ở lớp học tình thương gắn bó với học trò.
Cô Hòa kể một số học sinh đã “tốt nghiệp”, có em được nhận vào làm tại công ty sản xuất đồ chơi, công ty dệt may. Có em vẫn đến lớp vào cuối tuần, những ngày còn lại sẽ đi rửa bát, bưng bê thuê - như Văn Chung (29 tuổi).
Chung bị thiểu năng trí tuệ, ở với mẹ, gia cảnh rất khó khăn. Dừng lại ở biết viết, biết làm Toán đơn giản, nhưng Chung mơ ước có một chiếc máy vi tính và làm công việc sửa chữa máy tính để kiếm tiền.
Gắn bó với lớp học hơn 20 năm, từ những ngày còn ở căn bếp cũ, Chung coi cô Hòa như mẹ của mình. Cô chỉ dạy, nhắc nhở Chung từ việc chào hỏi đến “cạo râu để trông gọn gàng”.
Không riêng Chung, nhiều học trò cũng coi các cô giáo ở lớp như người mẹ thứ hai. Cứ đến lớp hay giờ ra chơi, các em lại quanh quẩn, ôm lấy cô. Cô Hòa nâng niu từng bức thư, bài thơ mà học trò ở lớp tình thương gửi tặng. Đó là sự nỗ lực, cố gắng nhưng cũng chính là tình cảm của các em dành cho các cô.
“Tôi chưa bao giờ nản, sẽ theo các con tới cùng, dù có khó khăn thế nào. Tôi chỉ mong mình thật khỏe mạnh để mỗi tuần có thể đến lớp gặp các con”, cô Hòa chia sẻ.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.