Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 1.000 giáo viên nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 giáo viên và Nhà giáo ưu tú cho 1.167 thầy cô, tổng cộng là 1.188 người. 

21 thầy cô được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Ảnh: Moet.

Sáng 17/11, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

21 người được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân

Theo Bộ GD&ĐT, từ ngày 30/5/1985, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc.

Từ năm 1986 đến năm 2020, qua 15 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng 650 Nhà giáo nhân dân và 9.081 Nhà giáo ưu tú.

Đối với việc xét tặng lần thứ 16 vào năm 2023, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16.

Việc tổ chức xét tặng được triển khai thực hiện theo các cấp hội đồng từ Hội đồng cấp cơ sở (tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học và cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương) đến Hội đồng cấp huyện, Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước.

Theo đó, các nhà giáo đủ tiêu chuẩn, điều kiện về tài năng sư phạm, có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, có uy tín về chuyên môn, có ảnh hưởng trong ngành và lĩnh vực được lựa chọn để trình cấp có thẩm quyền xét, trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

Đến Hội đồng cấp Nhà nước, Bộ GD&ĐT là cơ quan thường trực Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2023 đã nhận được 1.225 hồ sơ, gồm 24 hồ sơ đề nghị Nhà giáo nhân dân và 1.201 hồ sơ đề nghị Nhà giáo ưu tú, trong đó có 33 nhà giáo người dân tộc thiểu số.

Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng cấp Nhà nước đã họp, bỏ phiếu, trình Thủ tướng Chính phủ xét và sau đó trình Chủ tịch nước.

Kết quả, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo và Nhà giáo ưu tú cho 1.167 nhà giáo, tổng cộng là 1.188 người.

ngay nha giao viet nam anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cao vai trò của các nhà giáo. Ảnh: Moet.

Hơn 1.800 nhà giáo được tặng bằng khen

Ngoài danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm" nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa trong toàn ngành, qua đó tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Từ năm 2017 đến năm 2023, qua 7 lần xét chọn Nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng GD&ĐT tạo đã ký quyết định trao tặng Bằng khen cho 1.600 nhà giáo.

Đến năm 2024, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2040/QĐ-BGDĐT ngày 31/7/2024 về Quy chế xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu" và được tổ chức 2 năm/lần, thực hiện từ năm 2024. Theo đó, bộ nhận được 252 hồ sơ xét chọn Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

Hội đồng xét chọn 251 Nhà giáo tiêu biểu. Các nhà giáo được lựa chọn đều có thành tích tiêu biểu, nổi trội, xuất sắc trong nuôi dạy, giảng dạy, giáo dục, quản lý, tâm huyết, tận tụy với nghề, có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, lĩnh vực hoặc cấp huyện, cấp tỉnh.

Đồng thời, nhà giáo còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội, phục vụ cộng đồng hoặc hỗ trợ nuôi dạy, giảng dạy người học có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên trong học tập, xây dựng trường, lớp, vận động được người học có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn đến trường và duy trì sĩ số học sinh, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa tại địa phương hoặc trong toàn ngành.

Đến năm 2024, sau 8 lần xét chọn Nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng GD&ĐT đã ký quyết định tặng bằng khen cho 1.851 nhà giáo.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó.

Để đạt được danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp.

"Kính mong các thầy các cô tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình, lan tỏa tới đồng nghiệp, tới học trò, tới xã hội tinh thần làm thế nào mà mình đã trở nên ưu tú, góp phần làm cho ngành ta những người ưu tú ngày càng đông thêm và sự ưu tú gia tăng thêm, đặc biệt hơn là sẽ lan tỏa mãi", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Những nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người

Nhiều công trình đổi mới, sáng tạo, thực tiễn đã được các nhà giáo Hà Nội đưa vào vận dụng tại trường học mang lại hiệu quả tích cực trong dạy và học, góp phần xây dựng nhà trường.

Thái An

Bạn có thể quan tâm