Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu. Ảnh: VGP. |
Sự kiện cũng có sự góp mặt của Phó thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. 60 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước đã tham dự cuộc gặp mặt.
Cả nước có 1,6 triệu nhà giáo
Sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đã trở thành sự kiện thường niên mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Năm 2024 là năm thứ 4 Thủ tướng tiếp tục duy trì và dành thời gian cho sự kiện này.
Từ 251 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024, Bộ GD&ĐT chọn được 40 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu đại diện các cấp học, vùng miền và đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp trong cả nước được gặp mặt Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, 20 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tham dự.
Đây là các thầy, cô giáo có thành tích tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, giảng dạy đối tượng học sinh khuyết tật, công tác tại các địa bàn khó khăn, dân tộc thiểu số và các nhà giáo có các hoạt động mang tính cộng đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rằng Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt và ưu tiên phát triển lực lượng đội ngũ nhà giáo. Ảnh: VGP. |
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rằng Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt và ưu tiên phát triển lực lượng đội ngũ nhà giáo, coi nhà giáo là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.
Bộ trưởng cũng thông tin đến nay, tính cả khối công lập và ngoài công lập, cả nước hiện có 1,6 triệu nhà giáo ở tất cả cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, và đại học.
So với năm học 2022-2023, số lượng giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông tăng 17.000 giáo viên. Trong khi đó, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giảm hơn 700 người.
Bộ trưởng nói đây cũng là năm học các địa phương tích cực tổ chức tuyển dụng giáo viên, đồng thời thực hiện việc tinh giản, thu gọn đầu mối giảm số lượng cán bộ quản lý và đội ngũ nhân viên trường học.
Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, cơ bản thích nghi được với yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc thực hiện các chính sách tôn vinh, khen thưởng đội ngũ nhà giáo cũng được các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện kịp thời, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng người, đúng thành tích, chú trọng khen thưởng giáo viên, giảng viên trực tiếp đứng lớp, người lao động trực tiếp có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp công tác đem lại hiệu quả cao.
Điều này tạo động lực quan trọng thúc đẩy để đội ngũ nhà giáo không ngừng đổi mới, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài áp dụng các chính sách chung của Nhà nước, nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục có các chính sách riêng để thu hút, hỗ trợ nhà giáo.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT nêu rằng đội ngũ nhà giáo phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và từng bước khắc phục được tình trạng bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề của nhà giáo.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là trình độ kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm từng bước được chuẩn hóa và nâng cao.
Đội ngũ nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN đáp ứng yêu cầu giảng dạy các chương trình chuyển giao, tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Nhiều hội thi, phong trào thi đua các cấp trong giáo dục nghề nghiệp đã được các nhà giáo tham gia, hưởng ứng để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: VGP. |
Tiếp tục đôn đốc địa phương tuyển dụng giáo viên
Nhận thức sâu sắc về các thách thức phát triển lực lượng nhà giáo, Bộ GD&ĐT xác định rõ các việc ngắn hạn và dài hạn cần thực hiện.
Cụ thể, trong thời gian trước mắt, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương tập trung triển khai một số việc như tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2024-2025 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW.
Bộ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức tuyển dụng đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các cấp học theo tinh thần Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Đồng thời, bộ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ, công tác triển khai thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo tại các địa phương.
Ngoài những nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rằng ngành giáo dục vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phát triển lực lượng nhà giáo.
Bên cạnh các thách thức đã có và chưa thể giải quyết triệt để như đảm bảo đời sống nhà giáo; đảm bảo cơ cấu đội ngũ nhà giáo phù hợp giữa các khu vực, vùng miền; thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương..., một trong những thách thức lớn nhất của giai đoạn này là tạo ra hành lang pháp lý đảm bảo được vai trò, vị thế, quyền lợi của nhà giáo, đặc biệt phát triển nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước trong giai đoạn mới.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.