Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những con đường Giáng sinh tại TP.HCM vắng vẻ

Không còn cảnh nhộn nhịp người tham quan, chụp ảnh như những dịp lễ trước, nhiều con đường Giáng sinh nổi tiếng tại TP.HCM khá vắng vẻ, đìu hiu vào năm nay.

Tối 20/12, trên con đường Phạm Thế Hiển (quận 8), nhiều nhà dân, cửa hàng bắt đầu thắp đèn và tất bật hoàn thành những khâu cuối cùng của bối cảnh Giáng sinh.

Đây là nơi quy tụ nhiều nhà thờ, xóm đạo nên các hoạt động chào đón Noel thường được quan tâm, đầu tư đặc biệt.

Hàng năm, tuyến đường này là một trong những điểm đến nổi tiếng với người dân Sài Gòn thích chụp hình check-in, trải nghiệm không khí lễ hội. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, các công trình trang trí năm nay khá đơn sơ, ít sắc màu hơn năm ngoái.

Theo ghi nhận của Zing, không chỉ đường Phạm Thế Hiển mà một số con phố khác như Thành Công (quận Tân Phú), Lê Lợi (quận 1) cũng có diện mạo ảm đạm vì thiếu cây thông to, đèn chớp nhiều màu và những hang đá hoành tráng.

Khung cảnh ảm đạm

Vừa loay hoay chỉnh sửa các vật dụng trang trí, ông Kiên (51 tuổi, quận 8) vừa hướng dẫn mọi người sắp xếp tiểu cảnh trong hang đá.

“Bình thường nhà tôi toàn trang trí trước 1 tuần hoặc 10 ngày. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chúng tôi đợi sát lễ mới bắt tay vào việc”, ông nói.

Chia sẻ với Zing, ông Kiên cho biết thông thường, những gia đình ở xóm đạo chi rất nhiều tiền cho các hoạt động trang hoàng Giáng sinh. Những tiểu cảnh hay hang đá lấp lánh, bắt mắt có thể lên đến hàng chục triệu đồng tùy theo quy mô và vật liệu.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, nhiều người lo sợ việc đầu tư trang trí sẽ thu hút người dân tập trung đông đúc, dễ lây nhiễm bệnh nên chỉ làm đơn giản hoặc dựng cây thông trong nhà.

“Sống ở khu này mấy chục năm, tôi chưa thấy mùa Noel nào vắng vẻ, đìu hiu như năm nay. Giáng sinh là dịp để quây quần, vui vẻ, thật sự rất đáng tiếc khi mọi người phải đón lễ trong không khí này”, ông Kiên nói thêm.

Ngồi ở ghế đá lặng lẽ quan sát khách đến chụp hình, ông Chính (62 tuổi, quận 8) cho biết đây là một mùa Giáng sinh buồn với người dân tại con phố này.

Năm ngoái, ông và một số nhà lân cận gom góp khoảng 20 triệu đồng để dựng hang đá cùng những tiểu cảnh được thiết kế đặc biệt. Tuy nhiên, năm nay ông chỉ tận dụng lại vật dụng cũ, không mua thêm đồ trang trí mới.

“Thời điểm này những năm trước là cả con đường đã rực sáng với đèn chớp, cây thông đủ màu. Nhà thì làm khu vườn Noel, nhà thì đầu tư cả máy phun tuyết giả. Đến tầm 19-20h là khung giờ nhộn nhịp nhất, nếu đi xe máy vào thì không có cách nào chen nổi. Nhưng năm nay lại thiếu vắng tất cả điều đó”, ông Chính nói với Zing.

Ngắm nhìn khung cảnh ảm đạm, ông Chính chỉ thở dài tiếc nuối. Tuy tổ chức Giáng sinh nhỏ hơn mọi năm, ông vẫn dựng hang đá trước cửa nhà để cùng mọi người chung vui, cầu mong năm mới tốt đẹp. Toàn bộ công trình mất khoảng 5 ngày từ khâu lên ý tưởng đến thi công.

“Ngồi đây từ chiều, tôi thấy nhiều gia đình dẫn con nhỏ ghé qua để chụp hình. Tôi chuẩn bị sẵn bình xịt khuẩn để mọi người dùng, dịch Covid-19 vẫn còn nên an toàn là trên hết”, ông Chính nói.

Tranh thủ thời gian rảnh, Trần Minh Duy (20 tuổi, quận Bình Thạnh) đến khu vực Phạm Thế Hiển để thực hiện bài tập nhiếp ảnh về chủ đề Giáng sinh. Những năm trước, Duy thường rủ bạn bè đi tham quan các xóm đạo gần nhà để trải nghiệm không khí lễ hội. Đây là lần đầu tiên anh đến con đường này.

“Mình chạy xe vòng quanh để ngắm các công trình trang trí và ghi lại hình ảnh người dân check-in. Thú thật, mình đã nghĩ nơi này sẽ đông đúc lắm, nhưng lượng người thưa thớt như hiện tại sẽ an toàn, đảm bảo 5K hơn”, Duy chia sẻ.

Sau khi chụp đủ ảnh trên tuyến đường này, Minh Duy sẽ di chuyển đến những nhà thờ lớn khác trong thành phố để tham quan và hoàn thành bài tập của mình.

Thiếu vắng tiểu cảnh Giáng sinh

Khác với những dịp Noel trước, năm nay, gia đình Như Hảo (22 tuổi, ngụ đường Thành Công, quận Tân Phú) quyết định không trang trí Giáng sinh. Không chỉ nhà Hảo mà những hộ dân sống xung quanh con đường này cũng có ý định như vậy.

Đây là năm thứ 2 đường Thành Công thiếu vắng không khí náo nhiệt của những bản nhạc Noel, khách tham quan, chợ đêm và các tiểu cảnh độc đáo.

“Những năm trước, khu vực này được trang trí từ đầu tháng 12. Lúc đó, cả con đường ngập tràn cây thông, hang đá, người tuyết, đèn chớp xanh, đỏ đậm chất lễ hội. Thế nhưng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người hạn chế trang trí, thậm chí có nhà bỏ hẳn khoản này để đảm bảo an toàn”, Hảo bộc bạch.

Lần đầu đón Noel cùng nhau, Yến Nhi (23 tuổi) và Minh Quân (25 tuổi) tìm đến các con đường nổi tiếng, thường được đầu tư hoành tráng trong dịp này để chụp ảnh kỷ niệm.

Trái với mong đợi của đôi trẻ, khá ít khu vực trang trí Giáng sinh, các bối cảnh cũng không đặc sắc như năm trước.

“Mọi năm không đến check-in thì họ trang hoàng rực rỡ lắm, năm nay lại làm đơn giản hơn nhiều. Hơi tiếc một chút nhưng sau dịch ai cũng khó khăn, còn chỗ để ‘sống ảo’ như thế này là vui rồi”, Yến Nhi nói.

Tại góc đường Lê Lợi (quận 1), nơi tập trung nhiều cửa hàng và phương tiện qua lại, không khí Noel có phần nhộn nhịp hơn.

Những tiểu cảnh đặc trưng của mùa lễ hội thu hút các gia đình đến đây chụp ảnh check-in. Không ít bạn trẻ đầu tư trang phục, phụ kiện nổi bật cùng thiết bị chuyên nghiệp để có những tấm ảnh ưng ý.

Tuy nhiên, mọi người vẫn khá e dè, chỉ nán lại ít phút để ghi lại khoảnh khắc đẹp và nhanh chóng rời đi.

Mỹ Ly (24 tuổi, quận Gò Vấp) và Đỗ Minh (26 tuổi, TP Thủ Đức) có mặt ở khu vực này từ 19h. Không mất quá nhiều thời gian, hai bạn trẻ nhanh chóng tìm được góc chụp như ý, phù hợp với outfit đã chọn.

“Theo mình quan sát thì khá nhiều người cũng mang thiết bị đánh sáng, máy ảnh xịn đến đây chụp hình. Đây là năm đầu tiên tụi mình đầu tư như vậy. Sau khi làm vài kiểu ảnh ở đây, tụi mình dự định ghé qua quán cà phê để chụp thêm”, Ly cho hay.

Bánh bao ông già Noel thu hút giới trẻ ở TP.HCM

Những chiếc bánh có tạo hình độc đáo, bắt mắt trên xe bánh bao của bà Lệ (quận 3) đã thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến mua ăn thử và chụp hình check-in.

Du dinh lam viec xuyen Tet hinh anh

Dự định làm việc xuyên Tết

0

Nhiều lao động không còn xem Tết là dịp về quê nghỉ ngơi, tận hưởng. Thay vào đó, họ muốn tận dụng đợt lễ cuối năm để làm việc, bù lại khoảng thời gian trì trệ vì dịch bệnh.

Hồng Anh - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm