Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những công nhân 'triệu view' đang xoay chuyển nước Mỹ

Sự xuất hiện của những sao mạng là thợ điện, thợ sửa ống nước Gen Z đang thúc đẩy xu hướng người trẻ chọn học nghề thay vì lấy bằng đại học ở xứ cờ hoa.

Czumak-Abreu (27 tuổi, Mỹ) sinh ra trong gia đình có ông và bố đều là thợ điện. Hiện cô sở hữu tổng cộng 2,2 triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội.

Năm 2022, Czumak-Abreu bắt đầu đăng tải những video lên mạng xã hội về nghề thợ điện của mình. Các video ngắn của Czumak-Abreu đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn người xem, khiến họ hứng thú hơn với các ngành nghề kỹ thuật.

Điều này trùng hợp với xu hướng ngày càng nhiều người trẻ Mỹ cân nhắc theo đuổi những ngành nghề này. Họ bày tỏ nỗi lo lắng về chi phí học đại học và hoài nghi giá trị của tấm bằng cử nhân.

Trong khi đó, tỷ lệ đăng ký khóa học nghề tăng lên. Cụ thể, số lượng sinh viên theo học tại các trường cao đẳng cộng đồng dạy nghề đã tăng 16% vào năm ngoái, đạt mức cao nhất kể từ năm 2018. Giới trẻ đang tìm kiếm những công việc được trả lương cao, không cần ngồi bàn giấy, không phải gánh khoản nợ sinh viên lớn và có tiềm năng tự làm chủ.

Thúc đẩy xu hướng này có sự góp phần của những công nhân “triệu view” như Czumak-Abreu. Thậm chí, một số sao mạng trong lĩnh vực nghề kỹ thuật còn kiếm được nhiều tiền hơn từ hoạt động sáng tạo nội dung so với việc sửa ống nước hoặc đi dây điện.

cong nhan trieu view,  xoay chuyen nuoc my,  cong nhan,  lao dong chan tay,  co con xanh, anh 1

Thợ điện Lexis Czumak-Abreu đăng tải những video về công việc của mình lên mạng xã hội. Ảnh: Adrienne Grunwald.

Phá định kiến 'nghề tay chân'

Trên TikTok, trong 4 tháng đầu năm, hashtag #bluecollar (cổ cồn xanh) đã thu hút 500,000 bài đăng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Các bài đăng có hashtag #electrician (thợ điện) tăng 77%, #constructionworker (công nhân công trường) và #mechanic (thợ máy) cũng có mức tăng tương đương.

Nhiều bài đăng ca ngợi mức lương mà người lao động chân tay có thể kiếm được. Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu ADP ở Mỹ, mức lương đầu vào trong ngành xây dựng hiện vượt xa mức lương các ngành dịch vụ chuyên môn như kế toán.

Bên cạnh đó, những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực nghề kỹ thuật cho biết họ đang cố gắng chống lại định kiến kéo dài hàng thập kỷ, rằng họ thật dơ dáy hoặc làm công việc cấp thấp trong xã hội.

"Có định kiến cho rằng những thợ hàn nào cũng trông lấm lem, kiểu làm việc ở tiệm sửa xe vậy", Chloe Hudson (31 tuổi), một thợ hàn sinh sống ở Huntersville (bang North Carolina, Mỹ), cho biết. Trong khi đó, công việc của Hudson là hàn những sợi kim loại mỏng manh thành khí cầu, chẳng liên quan gì đến định kiến.

Trên mạng xã hội, cô thường xuyên đăng ảnh đang thực hiện công việc với gương mặt được trang điểm kỹ càng, cũng như mô tả nơi làm việc của mình như “Taj Mahal của nghề hàn”. Thông qua các bài đăng, Hudson muốn truyền tải thông điệp rằng: Việc thể hiện tính nữ trong một ngành nghề do nam giới thống trị là hoàn toàn bình thường.

“Chúng tôi khiến ngành nghề này hấp dẫn hơn. Chúng tôi có những chiếc xe đẹp. Chúng tôi sở hữu nhà cửa, chúng tôi thành đạt”, Matt Panella (27 tuổi), một thợ mộc lái xe Tesla, chia sẻ.

Những video hướng dẫn chi tiết và thể hiện quá trình dựng khung nhà ở miền trung California của anh đã giúp Panella thu hút lượng người theo dõi đông đảo trên YouTube, cùng với khoản thu nhập hơn 200.000 USD/năm từ các công ty như 3M.

Mặc dù thu nhập từ quảng cáo và hợp tác thương hiệu với các công ty như Klein Tools và Carhartt lên đến 200.000 USD/năm, thợ điện Czumak-Abreu vẫn tiếp tục làm việc, đều đặn 7 ngày/tuần.

"Tôi muốn công ty hiểu rằng tôi là một nhân viên đáng tin cậy", cô nói.

Czumak-Abreu cho biết nếu cắt giảm giờ làm, cô sẽ bỏ lỡ những hợp đồng thương mại - yếu tố then chốt tạo nên nội dung thu hút trên kênh của cô với những cuộn cáp ngoại cỡ, rãnh đào ngoài trời và máy móc hạng nặng.

'Đồng xu hai mặt'

Khi hoạt động hiệu quả, mạng xã hội có thể thúc đẩy kinh doanh và thậm chí truyền cảm hứng cho việc tuyển dụng nhân sự mới.

John Coffman đã điều hành một công ty xây dựng trong nhiều thập kỷ ở Parker (bang Colorado, Mỹ). Ông cho biết sau khi phần nào được truyền cảm hứng từ Matt Panella, con trai ông, Jarod Coffman (22 tuổi), bắt đầu làm thợ đóng khung và đăng video lên mạng xã hội. Kể từ đó, những người lao động tiềm năng bất ngờ tìm đến ông Coffman, thậm chí từ các tiểu bang khác, để xin việc.

“Bọn trẻ không biết đến tôi qua những trang tuyển dụng, họ biết thông qua các video trên mạng xã hội”, ông John Coffman nói.

Cùng với đó, thương hiệu kinh doanh vòi nước Pfister Faucets đã chi 2 triệu USD để sản xuất một loạt phim tài liệu trên YouTube, làm nổi bật cuộc sống của những người thợ sửa ống nước trên khắp đất nước. Chương trình nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng đến nghề nghiệp này, thu hút 13 triệu lượt xem, trong đó một nửa người xem ở độ tuổi dưới 34.

“Nếu không có thợ sửa ống nước, sản phẩm của chúng tôi sẽ không được lắp đặt,” Spencer Brown, Giám đốc bán hàng cấp cao của Pfister, nói.

Tuy nhiên, ngành nghề nào cũng có mặt trái.

cong nhan trieu view,  xoay chuyen nuoc my,  cong nhan,  lao dong chan tay,  co con xanh, anh 4

Czumak-Abreu vẫn chăm chỉ theo đuổi công việc thợ điện dù có thu nhập "khủng" từ việc sản xuất nội dung mạng. Ảnh: Adrienne Grunwald.

David Coleman (34 tuổi), một thợ sửa chữa đa năng chuyên về cơ khí, từng phải phẫu thuật lưng sau nhiều năm chui rúc dưới bồn rửa và các gầm chật chội. Anh cho biết ngành nghề kỹ thuật không hề dễ dàng cho cơ thể, và mạng xã hội lại gây khó khăn theo cách khác.

Sau 4 năm kể từ lần đầu tiên đăng video hướng dẫn để giúp các đồng nghiệp mới vào nghề, đến nay Coleman kiếm được khoảng 500.000 USD/năm từ mạng xã hội.

Cuộc sống nghe chừng hào nhoáng, nhưng anh lại bị nghiện cập nhật newsfeed. Nỗi ám ảnh viral khiến anh dần xa rời sở thích cá nhân, như câu cá hay dành thời gian cho gia đình.

"Tôi mất động lực làm những việc không tạo ra lượt thích, lượt theo dõi hay tiền. Tôi cảm thấy sự trống rỗng trong đó", anh chia sẻ.

Hiện Coleman vẫn đăng bài nhưng ít thường xuyên hơn trước, dự đoán rằng thu nhập của mình sẽ giảm. Anh tập trung trở lại vào lý do ban đầu khiến anh đăng bài, và dành thời gian đi nhà thờ.

“Bạn không cần có bằng cử nhân để hạnh phúc hay thành công. Và tôi không giới thiệu mạng xã hội cho nhiều người đâu, nhưng chắc chắn không gian mạng đem lại nhiều lợi thế khi tham gia ngành 'cổ cồn xanh'", Coleman nhận định.

Sự thật về bài đăng khoe lương 100 triệu đồng trên MXH

Nhiều người dùng Threads thừa nhận từng "khai khống" mức lương, thưởng lớn để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, hay gia tăng cơ hội nhận dự án cá nhân.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm