Bài đăng khoe lương thưởng trở thành nội dung phổ biến trên Threads. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Một bức ảnh chụp màn hình điện thoại ghi lại khoảnh khắc tài khoản cá nhân được cộng 84 triệu đồng với nội dung “Công ty thanh toán lương thưởng tháng 1” xuất hiện trên trang cá nhân của Hồng Ngọc (25 tuổi, quận 7, TP.HCM). Bài đăng nhận về hơn 1.000 lượt thích trên mạng xã hội Threads.
Đi kèm với bức hình, Hồng Ngọc để lại dòng chú thích: “Sau 5 năm đi làm, mức lương thưởng của mình tăng gấp hơn 10 lần. Mình biết khoản thu nhập này không cao bằng nhiều người, nhưng vẫn xin phép khoe thành quả của bản thân”.
Dòng trạng thái của Hồng Ngọc nhận về nhiều luồng ý kiến. Trong khi một số thể hiện sự ngưỡng mộ, đồng thời chia sẻ về sự chênh lệch giữa mức lương khởi điểm và hiện tại, nhiều người lại cho rằng bài đăng này mang tính chất khoe khoang, tạo ra áp lực đồng trang lứa.
Theo Hồng Ngọc, mục đích của bài đăng đó là thu hút ứng viên cho công ty cô. Cụ thể, Ngọc dự đoán rằng nhiều người dùng Threads tò mò, đặt câu hỏi về vị trí công việc, đơn vị công tác của cô.
“Khi có người hỏi, tôi lập tức giới thiệu về công ty và để lại thông tin tuyển dụng các vị trí trống cho mọi người tham khảo”, chuyên viên marketing 25 tuổi nói.
Nhận sự khoe thu nhập trên mạng xã hội Threads để thu hút ứng viên, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và quảng bá bản thân. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Hồng Ngọc là một trong số nhiều người dùng Threads khoe thu nhập trên mạng xã hội này. Tri Thức - ZNews ghi nhận số lượng lớn bài đăng công khai lương thưởng trên Threads, phần lớn con số được chia sẻ đều đạt mức cao.
Thu hút ứng viên, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, quảng bá bản thân để nhận công việc freelancer (tự do) là những mục đích được người dùng đưa ra. Một số còn thừa nhận làm giả số liệu để câu kéo tương tác.
Tại sao khoe thu nhập?
Sở hữu hơn 2.000 lượt theo dõi trên nền tảng Threads, Hồng Ngọc được cấp trên và bộ phận nhân sự nhờ đăng bài thu hút ứng viên ở mạng xã hội này.
Khác với Facebook và Instagram, nền tảng này đề xuất bài đăng cho người lạ, không chỉ giới hạn phạm vi phân phối ở người theo dõi, cho phép chia sẻ của Ngọc tiếp cận nhiều nhân sự tiềm năng.
Cô thành công giúp bộ phận nhân sự công ty thu về 9 hồ sơ ứng tuyển qua bài đăng khoe lương thưởng này.
Hồng Ngọc đăng bài khoe thu nhập để giúp công ty tìm kiếm ừng viên. Ảnh: NVCC. |
Trong khi đó, Trần Hùng (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) coi Threads như một nền tảng hỗ trợ quảng bá bản thân mới. Để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trên mạng xã hội này, anh khoe mức lương cứng 5 triệu đồng và thưởng doanh thu 30 triệu đồng.
“Đây là con số thể hiện năng lực, khả năng bán hàng của nhân sự ngành bất động sản như chúng tôi. Thưởng doanh thu lớn đồng nghĩa với việc ‘chốt’ thành công hợp đồng nhà đất giá trị cao”, Hùng nói.
Như dự đoán, bài đăng giúp Trần Hùng nhận được tin nhắn mời làm việc từ nhiều doanh nghiệp trong ngành. Anh hiện không ở trong tình trạng thất nghiệp, chỉ tham khảo những lời mời này, sẽ cân nhắc nhảy việc khi có cơ hội nhận mức thu nhập cao gấp 1,5 lần con số hiện tại.
Không chỉ tự xây dựng hình ảnh cá nhân trên Threads, Trần Hùng còn tích cực quảng cáo bản thân trên LinkedIn, cho rằng đây vẫn là nền tảng việc làm hàng đầu. Tuy nhiên, khi sử dụng LinkedIn, anh không công khai lương thưởng, mà chia sẻ những bài viết về chuyên môn, lĩnh vực, thể hiện sự chuyên nghiệp hơn.
Là nhân viên thiết kế tự do và nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, Đức Mạnh (30 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tận dụng sức hút của Threads để gia tăng cơ hội nhận các dự án freelance, đồng thời tăng lượt xem video YouTube, số lượng người theo dõi các tài khoản cá nhân của mình.
Mạnh chụp màn hình nhiều giao dịch với tổng giá trị chạm mức 100 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng, cho biết đây là khoản thù lao đến từ các dự án mà anh nhận được trong một tháng.
Bên cạnh những bức ảnh chụp màn hình, Đức Mạnh cũng bổ sung dòng chú thích kêu gọi bình luận: “Lần đầu bạn kiếm được 100 triệu đồng là bao giờ?”.
“Threads là mạng xã hội của giới trẻ, tôi phải ‘nhập gia tùy tục’, đăng tải nội dung dễ thu hút sự chú ý, ‘câu like’ bằng con số”, Đức Mạnh chia sẻ.
Khi công khai mức thu nhập 8 số 0, nhân sự thiết kế tự do này cũng dễ dàng tạo niềm tin đối với khán giả xem video hướng dẫn nhập môn, sử dụng công cụ thiết kế và tìm kiếm việc làm mà anh đăng tải.
Bài đăng công khai thu nhập trên Threads giúp nhân sự tự quảng cáo hình ảnh cá nhân. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
'Khai khống' lương thưởng
Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, Đức Mạnh thừa nhận không thành thật 100% với bài đăng công khai thu nhập của mình. Những khoản cộng vào tài khoản ngân hàng không đến từ các dự án được tiến hành trong một tháng.
Thậm chí, một số giao dịch còn là khoản thanh toán chậm trễ của các khách hàng ký hợp đồng từ năm ngoái.
“Tôi làm công việc tự do, không ai xác nhận thu nhập hàng tháng, quyết tâm đánh liều ‘ăn gian’ một chút. Tôi cho rằng đây là lời nói dối vô hại, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến ai”, Mạnh nói.
Trên thực tế, mức thu nhập cao nhất anh từng nhận trong một tháng là 80 triệu đồng. Tuy nhiên, đó thường là tháng Tết, khi nhu cầu của khách hàng tăng cao. Trong mùa thấp điểm, Đức Mạnh cũng loay hoay với mức thu nhập chỉ bằng 1/10, nỗ lực tìm kiếm dự án.
Thu hút các đơn vị outsource (tạm dịch: “thuê ngoài”) nhân sự thiết kế cũng là lý do chính thúc đẩy anh đăng tải bài viết khoe thù lao trên Threads.
Nhiều người dùng Threads nói dối về mức thu nhập trên mạng xã hội để phục vụ mục đích cá nhân. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Tương tự Đức Mạnh, Hồng Ngọc cũng thừa nhận “ăn gian” khi khoe thu nhập trên mạng xã hội này. Khoản tiền 84 triệu đồng bao gồm lương tháng và thưởng Tết của cô.
“Tôi cũng chia sẻ rằng đây là lương và thưởng, chỉ không liệt kê rõ từng khoản. Hơn nữa, tôi cũng để nguyên nội dung chuyển khoản là ‘lương thưởng tháng 1’, ai tinh ý sẽ nhận ra”, Ngọc nói.
Sau khi ứng viên tiếp cận với bài viết của cô, gửi CV về bộ phận HR và gọi điện phỏng vấn, đôi bên sẽ trao đổi rõ ràng về phúc lợi.
Trong khi đó, Trần Hùng không nói dối, công khai mức thu nhập thực tế trên mạng xã hội Threads. Anh ngại bị các nhà tuyển dụng phát hiện “khai khống” khi phỏng vấn, mất uy tín trong ngành.
“Lĩnh vực của tôi tương đối nhỏ. Doanh nghiệp mới hoàn toàn có thể liên hệ công ty cũ để kiểm tra mức lương thưởng của tôi”, Hùng nói.
Tuy nhiên, Trần Hùng cũng chọn tháng có thưởng doanh thu cao nhất trong một năm gần đây để công bố. Đây là cách để anh vừa tránh việc “ăn gian” vừa tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.