Sau 3 năm đảm nhiệm vị trí nhân viên của bộ phận tiền sảnh tại một khách sạn 5 sao, Hồng Ngọc (24 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) chính thức nhận quyết định bổ nhiệm vào vị trí quản lý hồi tháng 2.
Cô trở thành quản lý khu vực sảnh khách sạn, có 5 nhân sự dưới quyền đều thuộc lứa 9X. Chưa kịp ăn mừng vai trò mới, Hồng Ngọc phải đối mặt với khó khăn khi quản trị cấp dưới hơn tuổi.
“Tôi sinh năm 2000, là người trẻ nhất bộ phận, phải chịu phản ứng gay gắt từ phía một số nhân sự 9X khi nhận vị trí quản lý. Vài người còn đề đạt mong muốn chuyển bộ phận lên lãnh đạo cấp cao vì không muốn gọi tôi là ‘sếp’”, Hồng Ngọc nói.
Sau 4 tháng quản lý bộ phận tiền sảnh, Ngọc nhiều lần bị cấp dưới cô lập, nói xấu, thậm chí chống đối. Để xử lý tình trạng lục đục nội bộ này, quản lý 24 tuổi vừa đưa ra quyết định sa thải một nhân sự để cảnh cáo tập thể.
Nhân sự lớn tuổi hơn không hợp tác với quản lý trẻ, thể hiện thái độ khó chịu, ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Hồng Ngọc không phải trường hợp cá biệt. Nhiều lãnh đạo sinh sau năm 2000 cũng cho biết phải đối mặt với sự phản đối từ cấp dưới nhiều tuổi hơn khi đảm nhiệm vị trí quản lý.
Trong khi đó, nhân sự 9X cũng thừa nhận khó nể phục, cảm thấy bất công khi làm việc dưới quyền chỉ đạo của sếp kém tuổi, ít kinh nghiệm hơn.
Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Việt Nam. Theo nghiên cứu từ Đại học Washington (Mỹ) được công bố trên tạp chí Tâm lý học Ứng dụng vào năm 2023, sự chênh lệch giữa tuổi tác và chức vụ của các lãnh đạo trẻ dễ khiến khiến hệ thống thăng chức bị nhìn nhận là thiếu công bằng.
Cách nhìn nhận này có thể dẫn đến thái độ làm việc kém, chất lượng công việc đi xuống và tinh thần tập thể lao dốc.
Cái khó của những quản lý chưa đầy 25 tuổi
Theo Hồng Ngọc, người tiền nhiệm của cô sinh năm 1993, đảm nhiệm vai trò quản lý tiền sảnh trong 3 năm. Tất cả nhân sự dưới quyền, bao gồm Ngọc, đều kém tuổi sếp cũ, luôn giữ thái độ tôn trọng đối với cấp trên.
Tuy nhiên, cách ứng xử này không được duy trì khi Hồng Ngọc nhậm chức. Cấp dưới của cô bắt đầu chia bè kéo phái, lập nhóm chat không có quản lý để thuận tiện nói xấu, than phiền.
Hồng Ngọc loay hoay ứng phó với thái độ chống đối của nhân sự cấp dưới hơn tuổi. |
Ban đầu, Ngọc cho rằng đây là phản ứng tất yếu, có thể giảm dần theo thời gian. Song, tình trạng trở nên đáng báo động khi thái độ tiêu cực của nhân sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, tiến độ công việc chung.
Với đặc thù làm việc theo ca, cấp dưới của Hồng Ngọc rời sảnh ngay khi thời gian ca trực kết thúc, không đợi nhân viên thế chỗ đến, dẫn đến tình trạng khu vực tiếp đón khách bị bỏ trống người nhiều lần.
Hơn nữa, nhân sự ca trước cũng không ghi lại dặn dò của khách hàng cho ca sau, khiến một đoàn du lịch nước ngoài chậm lịch trình do không nhận được wakeup call (điện thoại đánh thức của khách sạn).
Sự cố này khiến bộ phận của Hồng Ngọc bị kỷ luật, buộc cô đưa ra quyết định sa thải một nhân viên, quyết tâm chấn chỉnh lại tinh thần tập thể.
“Bước ra khỏi khách sạn, tôi có thể gọi các bạn là “anh”, “chị”. Tuy nhiên, khi mặc đồng phục lên người, các bạn là nhân sự dưới quyền tôi”, Ngọc nói.
Khác với Hồng Ngọc, Trung Nam (24 tuổi, quận 4, TP.HCM) đảm nhiệm vị trí quản lý nhóm digital marketing ở công ty mới.
Được bộ phận hành chính - nhân sự của doanh nghiệp bất động sản này liên hệ, mời vào vị trí quản lý với mức đãi ngộ tốt, Nam nhanh chóng gật đầu, chưa lường trước công tác quản trị một nhóm nhân viên hơn tuổi.
Bước vào công ty mới, Trung Nam trở thành sếp của 2 nhân sự sinh năm 1996 và 1997. Ban đầu, anh chưa công khai năm sinh để dễ chỉ đạo, song biết không thể giấu được trong thời gian dài.
Khi biết tuổi của Trung Nam, nhân viên dưới quyền anh tỏ thái độ không phục, báo cáo công việc với lãnh đạo cấp cao thay vì quản lý trực tiếp. Lúc đầu, anh không hài lòng và cho rằng đây là điều tối kỵ trong môi trường làm việc.
“Nhưng tôi cũng hiểu rằng đó là phản ứng tự nhiên của nhân sự hơn tuổi quản lý. Tôi chọn cách xử lý ‘lạt mềm buộc chặt’ để vừa lấy lòng cấp dưới, vừa ghi điểm với ban lãnh đạo doanh nghiệp mới”, Trung Nam nói.
Hiểu rằng không thể giải quyết gay gắt vì mới “chân ướt chân ráo” vào công ty, quản lý 24 tuổi này xoa dịu nhân sự dưới quyền bằng cách mời họ đi ăn sau giờ làm thay cho lời chào hỏi. Anh cũng chủ động chia sẻ khó khăn của bản thân, bày tỏ mong muốn nhân viên cởi mở hơn với mình.
Sau nhiều lần hỏi thăm từ chuyện công việc đến vấn đề cá nhân, Nam dần giành được niềm tin từ cấp dưới. Tuy chưa nhận được sự tín nhiệm như mong muốn, anh coi đây là bàn đạp tốt cho công tác quản trị trong tương lai.
Tâm lý của nhân viên 9X
Thu Huyền (28 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), nhân viên của Trung Nam, thừa nhận việc không phục quản lý mới khi biết năm sinh của anh. Cô cho rằng kinh nghiệm trong lĩnh vực của cấp trên còn ít hơn mình, khó tin tưởng xin ý kiến chỉ đạo.
“Tôi mới chỉ nghe nói về thành tích, khả năng làm việc của quản lý mới, chưa tận mắt chứng kiến nên không thể lập tức nể phục”, chuyên viên marketing 28 tuổi cho biết.
Hơn nữa, sếp cũ còn là mentor (người hướng dẫn) trực tiếp của Huyền từ những ngày đầu bước chân vào lĩnh vực bất động sản. Sự ra đi của người này để lại một vị trí khó thay thế.
Đối với những quyết định quan trọng, Thu Huyền vẫn trình lên lãnh đạo cấp cao. Cô không muốn gây khó dễ cho quản lý trực tiếp, nhưng cần thêm thời gian để tin tưởng vào năng lực của người mới.
Sau 3 tháng làm việc với quản lý sinh năm 2000, Thu Huyền dần loại bỏ định kiến tuổi tác ban đầu và hiểu lý do ban lãnh đạo bổ nhiệm anh vào vị trí này. Hơn nữa, sếp của cô cũng thể hiện sự quan tâm đến nhân viên, thẳng thắn bày tỏ mong muốn gắn kết.
Nhận thấy thái độ hợp tác và khả năng lãnh đạo của Trung Nam, Huyền dần tin tưởng trao đổi công việc trực tiếp với sếp mới, cởi mở hơn trong các cuộc họp nhóm.
Nhân sự khó nể phục lãnh đạo ít tuổi, thiếu kinh nghiệm, đồng thời cần thời gian để thích nghi với phong cách quản lý mới. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Không giống Thu Huyền, nhân viên bán hàng Việt Dũng (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) có mối quan hệ tốt với quản lý trẻ tuổi hơn. Sếp trực tiếp của Dũng sinh năm 2000, kém anh 2 tuổi, nhưng có kinh nghiệm trong ngành hàng bán lẻ hơn anh.
“Tôi nghĩ rằng tuổi đời không phải vấn đề quan trọng. Nếu nhất quyết không làm việc dưới quyền quản lý kém tuổi, tôi có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội học hỏi”, nhân viên bán hàng này nói.
Lúc đầu, Việt Dũng gặp khó khăn trong việc xưng hô, giao tiếp. Trước đây, anh thường đáp lời bằng các cụm từ “dạ”, “vâng” để thể hiện sự tôn trọng đối với cấp trên.
Tuy nhiên, quản lý mới không yêu cầu Dũng câu nệ trong cách thức giao tiếp, chỉ cần thể hiện thái độ đúng mực với sếp. Vì vậy, anh dần cảm thấy thoải mái hơn, không còn gặp rào cản trong quá trình làm việc với quản lý kém tuổi.
Việt Dũng cũng cho biết thích làm việc với sếp trẻ tuổi hơn, cảm thấy được tự do trình bày ý tưởng và đề xuất hướng giải quyết của bản thân. Trước đó, khi dưới quyền lãnh đạo lớn tuổi, anh luôn phải tuân thủ 100% ý kiến chỉ đạo của cấp trên, ít có cơ hội giải trình ý kiến cá nhân.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.