Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những công trình biểu tượng đã biến mất ở Sài Gòn

Giữa dòng thay đổi của thành phố, nhiều công trình biểu tượng, mang hồn cốt Sài Gòn ở trung tâm đã khoác lên diện mạo mới, đầy hiện đại, nhưng không ít ngổn ngang.

Tượng Trần Nguyên Hãn

Cư dân Sài Gòn hẳn chưa quên được bức tượng Trần Nguyên Hãn sừng sững với cánh chim trên tay, ngay vòng xoay Quách Thị Trang trước cổng chợ Bến Thành. Bức tượng làm bằng xi măng, đầy thâm trầm và hiên ngang qua nhiều thời kỳ lịch sử giữa khu trung tâm ồn ã nhất của Sài Gòn.

Trải qua gió bụi thời gian, tượng Trần Nguyên Hãn xuống cấp trầm trọng, đỉnh điểm, một chân của tượng từng rơi vỡ xuống đường vào năm 2013. Sau nhiều nỗ lực bảo dưỡng của thành phố, năm 2014, tượng được dời về công viên Phú Lâm, quận 6 để giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt đô thị TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên).

Không ít người dân từng nuối tiếc vào thời điểm đó và cả hiện tại nữa, khi cổng chợ Bến Thành đầy hoang vắng phía trên đầu và mặt đất là công trường lắm ngổn ngang.

2 Thương xá Tax

Thương xá Tax là biểu tượng của nền kinh tế thịnh vượng Sài Gòn suốt hơn 130 năm. Mỗi giai đoạn, thương xá Tax luôn là trung tâm hàng hóa cao cấp, với mọi thương hiệu quốc tế "tìm là có".

Sang thế kỷ 21, dù đã có nhiều trung tâm thương mại hiện đại hơn, sang trọng hơn mọc lên như nấm xung quanh, Tax vẫn có chỗ đứng không thể thay thế trong lòng người dân Sài Gòn.

Nhưng thời gian qua đi, thương xá Tax dần già cỗi. Tháng 10/2016, thương xá Tax được tháo dỡ để xây tổ hợp thương mại, dịch vụ mới. Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu gìn giữ những nét đặc trưng của Tax trong quá trình làm mới.

3 Bùng binh Cây Liễu

Trong Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển dành nhiều giấy mực cho bùng binh "đầu tiên của Sài Gòn", bùng binh Cây Liễu được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nhìn ghé lên thương xá Tax, trên đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay). Từ thời Pháp, đây đã là con đường "Tây" với những hàng quán sang trọng, phục vụ nhiều loại hình văn nghệ cho người dân Sài Gòn.

Sau này, bùng binh Cây Liễu đánh dấu cho giao lộ giữa Lê Lợi và Nguyễn Huệ, và luôn được phủ xanh bởi hàng liễu thướt tha ôm gọn đài phun nước ở giữa và xe cộ không ngớt xung quanh.

Năm 2015, đường Nguyễn Huệ được quy hoạch thành phố đi bộ, bùng binh Cây Liễu biến mất, nhưng có lẽ ký ức về nó khó lòng phai nhạt trong tâm trí người Sài Gòn.


Tháp đồng hồ vòng xoay Nguyễn Huệ

Một công trình khác cũng biến mất theo phố đi bộ Nguyễn Huệ là tháp đồng hồ Orient.

Thực tế, tháp đồng hồ Orient là một câu chuyện dài. Năm 1964, hãng đồng hồ Nhật Bản tặng tháp đồng hồ 4 mặt cho Sài Gòn, và nó tồn tại ngót nghét nửa thế kỷ, chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử.

Cuối năm 2014, vì nhiều lý do, tháp đồng hồ được thay thế, dấy lên một cuộc tranh cãi sôi nổi về vấn đề bảo tồn những công trình biểu tượng của Sài Gòn trước yêu cầu phát triển thời đại.

Nhưng rồi mọi tranh cãi cũng chấm dứt, cuối năm 2015, đường đi bộ Nguyễn Huệ đi vào hoạt động, tháp đồng hồ ngày nào giờ trở thành vòi phun nước, biểu diễn ánh sáng vào những dịp lễ hội. 


5 Công viên Lam Sơn

Công viên Lam Sơn là tên gọi quen thuộc cho mảng xanh trước cổng Nhà hát Thành phố. Trước đây, công viên Lam Sơn thường là nơi phục vụ du lịch, chụp ảnh bởi hàng cây cổ thụ trăm tuổi vừa mát xanh, vừa cổ kính.

Trước năm 2014, đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện triển lãm, giải trí... cho người dân Sài Gòn. Cuối năm 2014, hàng cây cổ thụ tại đây bị đốn hạ, các mô hình công viên cũng được dỡ bỏ nhằm phục vụ tuyến ga điện ngầm số 1 Bến Thành – Suối Tiên.


6 Đường sách Nguyễn Văn Bình

Đường sách Nguyễn Văn Bình là một trong những điểm sáng lớn nhất của Sài Gòn trong vài năm trở lại đây. Từ một con phố yên tĩnh chỉ để gửi xe, giờ đây con đường nhỏ bên hông Nhà thờ Đức Bà đã trở thành trung tâm tri thức nhộn nhịp, nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật của thành phố.


Đường sách đầu tiên của Sài Gòn đã trở thành kiểu mẫu cho nhiều địa phương khác học tập theo, thu hút được sự quan tâm của người dân thành phố.

Hoàng Thiên - Kỳ Sơn

Bạn có thể quan tâm