Năm 1980, BBC đưa tin đồng hồ Big Ben, biểu tượng của thủ đô London (Anh), sẽ chuyển sang dạng kỹ thuật số. Bản tin cho biết bảng hiện số mới thay cho mặt đồng hồ cũ sẽ sớm được lắp đặt. Tin tức này là một cú lừa ngày 1/4 song đã đi quá xa khiến người Anh bị sốc và vô cùng tức giận. BBC sau đó phải xin lỗi vì trò đùa quá trớn của mình. Ảnh: CNN. |
Ngày 1/4/1998 xuất hiện thông tin các nhà lập pháp ở bang Alabama (Mỹ) đã thông qua một dự luật nhằm quy định số Pi sẽ chỉ đơn giản là 3, thay vì là số thập phân vô hạn, không tuần hoàn xấp xỉ 3,14. Mặc dù tin tức này chỉ là một trò lừa bịp từ một người đàn ông tên là Mark Boslough, nó đã lan truyền rộng rãi và được nhiều người tin tưởng. Ảnh: CNN. |
Ngày 1/4/2010, một tờ báo ở Jordan đăng bài viết khẳng định UFO chở người ngoài hành tinh đã hạ cánh gần thị trấn Jafr. Cách ứng phó của thị trưởng Jafr là sơ tán 13.000 người. Đối mặt với khả năng bị kiện vì thông tin thất thiệt, các nhân viên của tờ báo đã xin lỗi công khai. "Chúng tôi chỉ muốn giúp mọi người giải trí và không hề có ý định gây hoang mang, lo sợ", tờ báo cho biết. Ảnh: Handout. |
Vào năm 2001, một DJ ở Anh đã chơi khăm thính giả trong ngày 1/4 khi thông tin rằng con tàu trông giống như Titanic có thể được nhìn thấy từ những vách đá ở Beachy Head, East Sussex. Hàng trăm thính giả đã bị lừa khi leo lên các mỏm đá để tận mắt chứng kiến. Người và phương tiện giao thông đổ về vách đá đông đến mức đã tạo nên một vết nứt trên mặt đất. Vài ngày sau, một phần của vách đá đã đổ sụp xuống biển. Ảnh: Shutterstock. |
Năm 1994, tạp chí PC đã đăng một dự luật được thông qua bởi quốc hội sẽ cấm người say rượu bia sử dụng Internet. Mặc dù tên của tác giả được ghi là Lirpa Sloof (đánh vần ngược lại là April Fools), nhiều người đã thực sự tin rằng đây là thông tin có thật. Ảnh: iStock. |
Ngày 1/4/1992, chương trình Talk of the Nation trên đài phát thanh Mỹ NPR đưa tin cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon (cầm quyền từ năm 1969 đến 1974) tuyên bố tái tranh cử tổng thống. Nhiều thính giả bị lừa và gọi tới đài phản đối đầy giận dữ. Nhưng thực sự đó chỉ là cú chơi khăm của đài NPR và một diễn viên đã giả giọng Nixon. Ảnh: Getty. |
Trong bản tin ngày Cá tháng Tư năm 1957, đài BBC nói rằng nông dân Thuỵ Sĩ đã mở hội ăn mừng một mùa vụ mì ống spaghetti bội thu nhờ mùa đông không lạnh và sâu bọ bị tiêu diệt. Nhà đài thậm chí đăng một đoạn video dàn dựng, quay cảnh nông dân kéo các sợi mì từ cành cây xuống. Theo History, bản tin dàn dựng của BBC là một trong những trò lừa thành công nhất lịch sử ngày 1/4. Ảnh: Getty. |