Zing trích dịch bài đăng từ BBC, đề cập đến tư tưởng cấm yêu đương, kết hôn với người khác tôn giáo trong xã hội Ấn Độ. Đây được coi là một loại "tệ nạn xã hội".
Từ lâu, kết hôn với người khác tôn giáo hoặc giai cấp là một vấn đề cấm kỵ trong các gia đình Ấn Độ có tư tưởng bảo thủ. Thậm chí, trong thời gian gần đây, những cuộc tranh luận xung quanh chủ đề này còn trở nên gay gắt hơn nữa.
Tháng 10, thương hiệu trang sức nổi tiếng Ấn Độ Tanishq buộc phải gỡ bỏ một clip quảng cáo sau khi bị chỉ trích dữ dội trên Internet. Nội dung đoạn clip xoay quanh tiệc mừng cháu nội sắp chào đời do một phụ nữ theo đạo Hồi tổ chức cho con dâu theo đạo Hindu.
Quảng cáo gây tranh cãi của hãng trang sức Tanishq, xoay quanh câu chuyện giữa mẹ chồng người Hồi giáo và con dâu theo đạo Hindu. Ảnh: Tanishq. |
Tanishq, hãng trang sức thuộc Tatas - một trong những tập đoàn lớn nhất Ấn Độ, cho biết thông điệp trong quảng cáo mới nhất muốn hướng đến “sự thống nhất trong đa dạng”.
Tuy nhiên, họ không ngờ rằng đoạn clip lại gây “phản tác dụng” khi làm lộ ra những vấn đề tồn tại trong xã hội.
Các nhóm Hindu cực đoan cho rằng quảng cáo của thương hiệu trên ủng hộ “love jihad” - một thuật ngữ ám chỉ hành động dụ dỗ rồi kết hôn phụ nữ theo đạo Hindu của đàn ông Hồi giáo hòng chuyển tín ngưỡng của vợ.
Theo đó, nhóm này đã tạo nên làn sóng tẩy chay mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Trong tuyên bố mới nhất, hãng Tanishq cho biết họ đã hủy bỏ chiến dịch quảng cáo vì lo ngại đến sự an toàn của các nhân viên công ty.
Đám cưới của Maria Manjil và Sadeep Jain 22 năm trước. |
Hai tuần sau vụ lùm xùm đáng tiếc, cặp vợ chồng nhà báo Samar Halarnkar và Priya Ramani cùng bạn của họ, nhà văn Niloufer Venkatraman, khởi động dự án India Love Project trên Instagram.
“Dự án này nhằm tôn vinh tình yêu giữa các tôn giáo/giai cấp trong thời đại đầy chia rẽ, hận thù”, trích phần mô tả.
Bị coi là tệ nạn xã hội
Tại Ấn Độ, hơn 90% cuộc hôn nhân đều được gia đình sắp đặt để đảm bảo rằng con dâu/rể tương lai cùng đẳng cấp, địa vị hoặc tôn giáo.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Điều tra Phát triển Con người Ấn Độ, chỉ khoảng 5% số cặp vợ chồng không ở cùng giai cấp và 2,2% không cùng tôn giáo. Ngoài ra, những người này có nguy cơ cao bị sỉ nhục, đánh đập, thậm chí là thủ tiêu.
“Hồi tháng 2, chính phủ Ấn Độ tuyên bố trước Quốc hội rằng không có bộ luật nào ngăn cấm tình yêu liên tôn giáo nhưng định kiến này vẫn tồn tại và ăn sâu và xã hội. Tính đến nay, ít nhất 4 bang do Đảng Nhân dân Ấn Độ lãnh đạo đã công bố kế hoạch ban hành luật để kiềm chế ‘tệ nạn xã hội’ này”, nhà báo Halarnkar chia sẻ.
Xuất phát từ thực tiễn “đầy hận thù” này, dự án India Love Project muốn chia sẻ nhiều hơn những cuộc hôn nhân liên tôn giáo, đẳng cấp, địa vị có thật tới công chúng.
Những mẩu chuyện tình này được viết ngắn gọn, súc tích, kể về các cặp vợ chồng tin rằng tình yêu không bị giới hạn bởi luật lệ của con người.
Một đám cưới liên tôn giáo mới diễn ra vào tháng 9/2020 giữa cô dâu Martina Roy và chú rể Zain Anwar. |
Ngày 28/10, câu chuyện đầu tiên được đăng tải, kể về “thiên tình sử” của bố mẹ người đồng sáng lập dự án Venkatraman - ông S Venkatraman, một tín đồ theo đạo Hindu và bà Bakhtawar Master, một người Parsi.
Từ đó, mỗi ngày dự án đều đặn chia sẻ một chuyện tình. Chỉ sau 2 tuần, tài khoản thu hút hơn 7.300 lượt theo dõi.
Rupa, một người phụ nữ theo đạo Hindu, viết về phản ứng đầu tiên của mẹ khi cô tuyên bố muốn thành thân với Razi Abdi - một tín đồ Hồi giáo.
“Rồi sẽ có một ngày nó kêu ‘talaq, talaq, talaq’ và đuổi con ra đường ở đấy”, mẹ Rupa kiên quyết phản đối. Bà lo lắng về tục ly hôn tức thì bằng miệng, không cần thông qua luật pháp trong đạo Hồi sẽ ảnh hưởng đến con gái.
“Thế nhưng, khi bố mẹ tôi gặp Razi và nhận ra anh ấy là một con người tuyệt vời như thế nào, sự hoài nghi trong họ dần tan biến”, Rupa kể lại.
Đến nay, Rupa và Razi đã bên nhau được 30 năm và có 2 con trai trưởng thành. Họ ăn mừng cả ngày lễ của người Hồi giáo và người Hindu trong gia đình.
Không cấm cản tình yêu
Trong bài đăng gần đây, Tanvir Aeijaz, một người Hồi giáo đã chia sẻ về cuộc hôn nhân với Vineeta Sharma, một người theo đạo Hindu.
Khi cặp vợ chồng vừa đón mừng con gái chào đời, những người xung quanh đã liên tục hỏi họ những câu như: Đặt tên con theo đạo Hindu hay đạo Hồi? Con gái họ sẽ theo tôn giáo nào khi lớn lên?
Nhà báo TM Veeraraghav và vợ. |
“Mọi người đặt quá nhiều kỳ vọng vào cuộc hôn nhân của chúng tôi. Họ tin rằng tôi sẽ thay đổi tín ngưỡng của vợ và con gái nhưng tôi đã không làm vậy. Họ thất vọng não nề khi nhận ra đây là tình yêu đích thực, chứ không phải ‘love jihad’ như họ mong muốn”, anh kể lại.
Nhà báo TM Veeraraghav cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Nói về cuộc hôn nhân 15 năm với người vợ theo đạo Hindu, anh khẳng định tôn giáo hay tín ngưỡng đều không quan trọng.
“Tôi duy trì việc ăn chay, cô ấy vẫn ăn thịt cừu ưa thích. Còn con trai của chúng tôi ăn gì cũng được”, anh kể.
Maria Manjil, một người Công giáo không ăn chay đến từ một gia đình tự do ở Kerala, đã kết hôn với Sadeep Jain, một người Jain ăn chay đến từ một gia đình bảo thủ ở miền bắc Ấn Độ.
Trong suốt 22 năm kết hôn, cặp vợ chồng phải đối mặt vô số rào cản từ gia đình, bạn bè và xã hội. Thế nhưng, Manjil vẫn khẳng định “thành thân với Jain là điều đúng đắn nhất cô từng làm”.
“Sao mà bạn có thể chạy trốn khỏi tình yêu? Chồng tôi là một người tốt, có trái tim nhân hậu, cư xử lịch thiệp, thông minh, có cùng quan điểm với tôi trong nhiều chuyện và yêu tôi vô cùng. Tôi không thể chia tay Jain chỉ vì anh ấy cầu nguyện cho một vị thần khác", cô chia sẻ.