Phong Nha là một hang sông, thuộc hệ thống hang nước dài hơn 79 km, với chiều dài lên đến gần 10 km. Đó là hang động xưa kia một số nhà khoa học như Lê Quý Đôn đã từng đề cập, người Pháp cũng có các phát hiện khi thám hiểm trong ánh sáng đuốc ở vài chục mét đầu tiên. Hang động chỉ thực sự khoe mình khi những năm 90 của thế kỷ XX, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đặt chân thám sát. Họ thực sự ngỡ ngàng với vẻ tráng lệ hơn bất cứ hang động nào trên thế giới vào năm 2003.
Ngày nay, người ta tìm thêm được những hang động trứ danh khác, nhưng danh tiếng của Phong Nha vẫn còn lưu truyền, với các bí mật chưa thể khám phá hết.
Phong Nha còn nhiều khu vực chưa được khám phá. |
Một trong những kỳ bí làm rất nhiều người thắc mắc, vì sao trong đoạn thám hiếm “Chiều sâu bí ẩn” có nhiều tảng đá bị bào mòn hình những chiếc chén uống trà nhỏ, đều nhau như thể có thợ chạm đá cầu kỳ đẽo gọt. Có những tảng đá dày đặc những chiếc “chén” trà đều xứng tâm, có nơi xuất hiện nhiều lỗ chén lúc to, lúc nhỏ. Có nơi đá được tạo tác thành những đường mỏng như lưỡi kiếm, bén đến kỳ lạ.
Du thám ở đoạn “Chiều sâu bí ẩn” với những nhà thám hiểm địa phương, chúng tôi kinh ngạc khi được tận thấy những hình hài lỗ “chén” ấy. Thật ra, chẳng có bàn tay nào của con người nào làm ra hàng vạn lỗ “chén” như thế, chúng được tạo ra từ cuộc trường chinh của nước. Chính nước đã bào mòn đá. Nước kéo ra các dòng chảy, đưa đến những cát, sạn, cuội, sỏi, va vào các vách đá, bào mòn, chạm mạnh, trở mình, nghiêng qua nghiêng lại, lật lên lật xuống, nảy theo điệu nước chảy, nương theo điều khiển của nước mà tạo thành những lỗ chén độc đáo, bí ẩn.
Nước chảy hàng triệu năm, vô số xoáy nước qua vô vàn trận lũ nhiệt đới đã tạo nên kỳ tích đó. Các lỗ chén ấy đã xuất hiện từ lâu và được tạo ra không phải từ một vài năm mà vài nghìn đến vài triệu năm.
Hồ nước trong động Phong Nha. |
Lũ lụt như một bậc thầy về đẽo gọt, tạo nên vẻ huyền thoại đầy bí ẩn của Phong Nha mà càng đi sâu càng thấy chúng tinh vi hơn cả tưởng tượng của con người. Đó là câu chuyện về một huyền thoại ở Phong Nha mà chúng tôi được khám phá. Lũ có thể vùi dập nhiều thứ nhưng đã tạo ra kiệt tác Phong Nha - một phần di sản thiên nhiên được thế giới công nhận.
Với động Phong Nha, nhiều người dường như cho rằng, hang động này đã được khám phá hết, tuy nhiên không gian bên trong vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn. Những phát hiện mới về các buồng hang và hai hồ treo trong lòng hang chứng minh điều ngược lại. Vào động Huyền Không (được đặt tên đầu năm 2012), chúng ta được chiêm ngưỡng kiểu kiến trúc thạch nhũ buông xuống hai bên tường hang, dài hơn 50 m, cao đến 20 m. Một bức rèm độc đáo như buông hờ trên vách với đủ khối cầu kỳ, trên đó còn điểm xuyến vô số búp măng nhũ nhỏ như một thế giới thần tiên với nhiều cảnh quan sinh động.
Đi sâu nữa, ta sẽ thấy một đại thạch nhũ khổng lồ đứng giữa một vực hang rộng lớn. Khối thạch nhũ này đã có hàng trăm triệu năm tuổi. Những đường nhũ hiện rõ dưới ánh đèn led, vô số đường vân bện chặt bởi canxi già, hình hài của ngày một đẹp lên nhờ vô số tia nước từ trần hang và không khí ẩm. Nhìn khối thạch nhũ vĩ đại này, người ta dễ liên tưởng tới biểu tượng linga ai đó tự tay nhào nặn. Nhưng tuyệt phẩm này được tạo ra bởi vô số giọt nước giàu canxi, tích tụ hàng trăm triệu năm mới có hình hài như ngày hôm nay.
Cách khối thạch nhũ này chừng 30 m là hai khối tháp khác sừng sững như tòa tháp đôi trứ danh của Malayxia. Hồn của nước cũng kết tinh khi giữa năm 2012, đội khảo sát địa phương đã phát hiện 2 "hồ treo" trang lòng hang. Một hồ nhỏ chừng 70 m2, một hồ lớn hơn khoảng 300 m2. Phía rìa của hồ treo có rất nhiều thạch nhũ mảnh khảnh và những hố lồi lõm là trầm tích để lại của lũ đã khoét sâu vào lòng đá. Điều đó chứng tỏ dòng nước mạnh đến nỗi đá cũng bị khuất phục do bào mòn theo thời gian.
Loài cá không mắt trong hang. |
Nước cũng là linh hồn cho sự sống trong không gian hang động Phong Nha. Con sông ngầm ở đây dài đến gần 10 km. Xưa kia, dòng sông là nơi đánh bắt cá của người bản địa. Từ ngày trở thành di sản, cá trong lòng hang được bảo vệ. Ở đây có rất nhiều cá trắm và cá chình. Cá chình Phong Nha nhiều đến mức, khi bóng trời khuất núi, vãn du khách, từng đàn thi nhau vùng quẫy tưng bừng, khiến lòng hang trở nên rộn ràng.
Trong lòng hang, các nhà khoa học còn phát hiện ra những loài động vật không xương sống. Chúng không cần tới mắt mà sử dụng bộ râu và chân có các cấu trúc cảm ứng vùng rung động để lẩn tránh kẻ thù và đi tìm mồi. Loài bò cạp Việt Nam có tên khác là bò cạp mù đã được tìm ra ở đây và được công nhận là loài mới. Điều đó càng cho thấy không gian Phong Nha còn nhiều bí ẩn chờ đợi được khám phá.