Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Những điều cần biết về cúm mùa năm nay

Dịch cúm diễn biến phức tạp do nhiều yếu tố cộng hưởng, bao gồm thời tiết, miễn dịch cộng đồng, ô nhiễm, tỷ lệ tiêm chủng và sự biến đổi của virus.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CÚM MÙA NĂM NAY

Dịch cúm diễn biến phức tạp do nhiều yếu tố cộng hưởng, bao gồm thời tiết, miễn dịch cộng đồng, ô nhiễm, tỷ lệ tiêm chủng và sự biến đổi của virus.

cum mua anh 1cum mua anh 2

cum mua anh 3

Lê Quốc Hùng

Tiến sĩ, bác sĩ

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). TS Hùng có hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền nhiễm. Ông cũng thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn thông qua hội nghị khoa học và các phương tiện truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh truyền nhiễm.

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp do các chủng virus cúm (Influenza virus) gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào những thời điểm nhất định trong năm, đặc biệt là vào mùa đông - xuân, khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển và lây lan nhanh chóng. Virus cúm được chia làm 3 nhóm chính:

  • Cúm A: Loại nguy hiểm nhất, có thể lây lan rộng và gây đại dịch toàn cầu.
  • Cúm B: Chỉ lây giữa người với người, thường ít đột biến hơn cúm A nhưng vẫn có thể gây bệnh nặng.
  • Cúm C: Hiếm gặp, triệu chứng nhẹ, hầu như không gây thành dịch lớn.

Nguyên nhân gây cúm nặng

Cúm mùa năm 2025 đang diễn tiến phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thời tiết mùa đông - xuân năm nay đột ngột lạnh hơn tạo điều kiện cho virus cúm có khả năng tồn tại và phát triển mạnh.

Ô nhiễm không khí do bụi mịn tăng, dễ gây viêm phổi và từ đó tạo điều kiện cho virus xâm nhập dễ dàng hơn. Ngoài ra, miễn dịch cộng đồng vốn đã yếu đi sau giai đoạn phong tỏa và giãn cách xã hội phòng chống đại dịch Covid-19, đồng thời giảm tỷ lệ tiêm chủng vaccine cúm mùa hàng năm. Cả hai yếu tố này gây giảm mạnh khả năng miễn dịch với bệnh cúm mùa trong cộng đồng.

Trong khi đó, kháng thể chống lại cúm mùa chỉ tồn tại dưới một năm. Do đó, nếu hàng năm không được chích ngừa hay bị tái nhiễm, bạn sẽ không còn kháng thể đặc hiệu với virus cúm.

Người dân cũng có thể dễ nhiễm cúm thứ phát sau khi bị viêm đường hô hấp do virus HMPV, RSV... Điều này giải thích vì sao một số người vừa mắc cúm khỏi vài ngày lại mắc bệnh trở lại.

Cuối cùng là chủng cúm A chủ đạo đang gây bệnh hiện nay là H3N2. Đây là chủng virus có khả năng lây lan nhanh và dễ gây biến chứng nặng ở trẻ em, người già và những trường hợp mắc bệnh nền suy giảm miễn dịch (đái tháo đường, suy thận mạn tính, viêm phế quản mạn tính...). Tất cả nguyên nhân này cùng cộng hưởng gây ra tình trạng dịch cúm năm nay trở nên nặng nề, phức tạp.

Bên cạnh virus cúm, nhiều tác nhân khác gây ra viêm đường hô hấp cấp, chúng có thể là virus (không phải virus cúm) như RSV, HPMV, Adenovirus, Rhinovirus, Parainfluenza virus… hay các loại vi khuẩn không điển hình. Chúng ta không thể dựa trên triệu chứng bệnh để xác định được chủng virus gây bệnh là gì.

Vaccine phòng cúm mùa

Hiện nay, có hai loại vaccine cúm mùa phổ biến là vaccine tam giá và tứ giá, tương ứng với khả năng phòng ngừa 3 hoặc 4 chủng virus cúm. Tuy nhiên, cả hai loại này thường bao gồm hai chủng cúm A là H1N1 và H3N2, do đây là những chủng lưu hành thường xuyên trong các đợt dịch cúm hàng năm.

Virus cúm A có khả năng biến đổi linh hoạt, chủ yếu nhờ vào sự tái tổ hợp giữa hai loại protein bề mặt là H (hemagglutinin) và N (neuraminidase). Về mặt lý thuyết, sự kết hợp giữa 18 loại H và 11 loại N có thể tạo ra hơn 130 chủng virus khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 9 chủng chính gây bệnh cho người, xếp theo mức độ nguy hiểm giảm dần:

H5N1, H7N9, H5N6, H7N7, H3N2, H2N2, H1N1, H9N2, H7N3.

Không phải tổ hợp HN nào cũng có khả năng xâm nhập và thích nghi với tế bào người. Tuy nhiên, do sự tái tổ hợp liên tục, một chủng cúm hoàn toàn mới có thể xuất hiện (dù hiếm), làm dấy lên nguy cơ gây ra đại dịch.

Mặc dù sự xuất hiện của một chủng cúm mới hoàn toàn là hiếm, nhưng các đột biến nhỏ trong từng chủng virus đã biết xảy ra hàng năm. Điều này gây khó khăn trong việc tạo vaccine cúm mùa, vì virus liên tục thay đổi để thích nghi.

Nhiều người có thể thấy rằng tên thương mại của vaccine cúm mùa hàng năm không thay đổi, thậm chí các chủng virus được ghi trên nhãn vaccine vẫn giống nhau. Tuy nhiên, thực chất công thức vaccine có thể đã được điều chỉnh đáng kể để phù hợp với các biến thể mới.

Để dễ hình dung, có thể ví virus cúm A như một "nhóm gà" thì các chủng cúm A khác nhau giống như các giống gà: H1N1 giống như gà tam hoàng; H3N2 giống như gà tre; H5N1 giống như gà chọi.

Mỗi giống gà có đặc điểm riêng biệt, nhưng theo thời gian, vẫn có những biến đổi nhỏ về màu lông, kích thước, hình dạng mào gà… Dù vậy, tên giống gà vẫn không thay đổi. Chỉ khi có sự lai tạo giữa các giống gà khác nhau, một giống gà hoàn toàn mới mới xuất hiện.

Tương tự, các chủng cúm A vẫn giữ nguyên tên gọi (H1N1, H3N2, H5N1…) qua các năm, nhưng bản chất của chúng có thể đã thay đổi đáng kể. Điều này đòi hỏi vaccine cũng phải được điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả bảo vệ tối ưu, dù tên vaccine không thay đổi.

Vaccine cúm mùa dành cho năm kế tiếp được sản xuất trước 6 tháng so với mùa dịch dự kiến. Trong một số trường hợp, vaccine của năm trước có thể được tái sử dụng, nhưng chỉ khi các chuyên gia theo dõi hàng triệu mẫu virus và xác nhận rằng không có đột biến lớn xảy ra.

Một điểm quan trọng cần lưu ý là hiệu quả của vaccine cúm mùa không đạt 100%. Thông thường, mức độ bảo vệ chỉ khoảng 60%, thậm chí có thể thấp hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vaccine kém hiệu quả.

Mục tiêu chính của vaccine cúm mùa không phải là tạo miễn dịch cộng đồng, mà là bảo vệ nhóm nguy cơ cao, bao gồm:

  • Người già
  • Trẻ nhỏ
  • Người có bệnh nền
  • Phụ nữ mang thai

Nhờ đó, vaccine giúp giảm số ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm áp lực lên hệ thống y tế và từ đó quan trọng nhất là giảm tỷ lệ tử vong.

Ngoài ra, vaccine còn có hiệu ứng bảo vệ chéo, nghĩa là dù chủng virus thực tế không hoàn toàn khớp với vaccine, hệ miễn dịch vẫn được kích hoạt và giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vì vậy, tiêm vaccine cúm mùa mang lại lợi ích trực tiếp cho mỗi cá nhân được tiêm, giúp họ có hệ miễn dịch tốt hơn trước nguy cơ mắc bệnh.

Dấu hiệu cảnh báo biến chứng nặng

Sau khi tiếp xúc với người bệnh khoảng 1-4 ngày, bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng: sốt cao, đau nhức cơ, mệt mỏi, ớn lạnh, ho khan, đau họng, nghẹt mũi xen chảy nước mũi. Trẻ nhỏ có thể kèm nôn, tiêu chảy.

Các triệu chứng này sẽ kéo dài khoảng 2-3 ngày. Trong thời gian này khả năng lây bệnh cho người khác rất cao, cần chú ý tránh tiếp xúc và thực hiện mọi biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng lây bệnh cho người xung quanh.

Ngày thứ 3-5 kể từ khi khởi phát, các triệu chứng sốt, đau sẽ giảm nhanh, nhưng ho dai dẳng kèm đau tức ngực (thường tăng về chiều đêm) và còn mệt mỏi kéo dài. Đây là giai đoạn khá nhạy cảm vì có thể gặp các biến chứng nặng.

Mặc dù cúm mùa thường tự khỏi, ở một số trường hợp, đặc biệt là người có bệnh nền và suy giảm miễn dịch, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi nặng do virus hoặc bội nhiễm vi khuẩn gây suy hô hấp cấp; viêm cơ tim, viêm não…

Do vậy, người bệnh cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo biến chứng nặng gồm:

  • Khó thở (thở nhanh, co rút lồng ngực)
  • Đau ngực kéo dài, tím tái
  • Lơ mơ, co giật
  • Nôn ói liên tục
  • Sốt cao kéo dài hay tái phát trở lại sau khi đã giảm/hết sốt
  • Ở trẻ nhỏ: bỏ bú, quấy khóc, da tái nhợt

Nếu có một trong các triệu chứng này, người bệnh nên nhập viện ngay, đặc biệt là ở nhóm trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi, có bệnh nền. Tuy nhiên, bạn cũng nên thật bình tĩnh, không quá lo lắng mà nhập viện khi chưa có dấu hiệu cảnh báo.

Đối với người có xu hướng bệnh cải thiện, khả năng lây cho người xung quanh đã giảm nhưng vẫn cần chú ý thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh. Nếu sau 5-7 ngày kể từ khi khỏi phát, các triệu chứng bệnh từ từ thuyên giảm hay hết hẳn, bạn yên tâm sẽ phục hồi tốt. Ngay cả một số trường hợp hết triệu chứng nhưng mệt mỏi còn kéo dài đen hơn một tuần kế tiếp cũng không đáng ngại.

Uống thuốc gì khi bị cúm?

Hầu hết trường hợp cúm mùa không cần dùng thuốc đặc trị (thuốc kháng virus), vì cơ thể có thể tự sản sinh kháng thể chống lại virus trong khoảng 5-7 ngày.

Người bệnh nên dùng các biện pháp điều trị hỗ trợ sớm để làm giảm triệu chứng như:

  • Uống thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau
  • Thuốc kháng histamine để chống chảy nước mũi
  • Thuốc giảm ho gốc codein hay dextromethorphan (chỉ dùng khi bị ho khan nhiều, đau tức ngực) hay một số thuốc ho thảo dược
  • Vitamin C liều cao

Các biện pháp cổ truyền như xông toàn thân, xông mũi cũng hiệu quả, giúp giảm nhanh triệu chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cần đảm bảo ăn uống đủ chất (nhất là rau củ quả), uống nhiều nước, nghỉ ngơi tránh làm việc quá sức, giữ ấm cơ thể (đặc biệt là vùng cổ họng và vào ban đêm).

Lưu ý, thuốc kháng virus chỉ dùng cho người có nguy cơ cao hay có diễn tiến bệnh nặng. Đặc biệt là mỗi loại thuốc kháng virus thường chỉ có tác dụng lên một số virus nhất định.

Do vậy, bệnh nhân chỉ nên dùng khi đã có xét nghiệm xác định được chủng virus gây bệnh. Ví dụ, thuốc kháng virus nhóm Oseltamivir (Tamiflu) chỉ có tác dụng với virus cúm A. Vì vậy, nếu bị viêm đường hô hấp cấp do cúm B, C hay không phải virus cúm, chúng hoàn toàn không có tác dụng.

Một số thuốc kháng virus khác đang có trên thị trường hiện nay cũng có tác dụng tương tự trên một số tác nhân virus khác có chọn lọc. Điều này chứng minh rằng bạn không nên tự sử dụng thuốc kháng virus vì lợi ích đem lại thấp hơn hiệu quả và đôi khi lại gặp bất lợi do tác dụng có hại của thuốc.

Bạn có thể quan tâm