Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điều cần biết về Tết Hàn thực

Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng.

Tết Hàn thực là ngày tết vào 3/3 Âm lịch (năm nay là 9/4 Dương lịch). "Hàn thực" nghĩa là "thực ăn lạnh". Ngày tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Hàn thực

Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ được truyền tụng nhiều đời.

Chuyện kể rằng, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết nên đem lòng cảm kích vô cùng.

ngay Tet Han Thuc anh 1
Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh: Nghia Nguyen.

Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Về sau, Tấn Văn Công nhớ ra cho người đi tìm.

Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, muốn thực ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh. Kết cục, cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ 3-5/3 Âm lịch hàng năm).

Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Vào ngày mùng 3/3 Âm lịch hàng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.

Tết Hàn thực của người Việt không liên hệ tới Giới Tử Thôi mà những món ăn ngày này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu đều hướng về tổ tiên, nguồn cội. Trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng 3/3 Âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình.

Bánh trôi - bánh chay: Đặc trưng của Tết Hàn thực

Trong Tết Hàn thực, người ta thường chú ý nhất vào món ăn đặc trưng mang cả hương vị thanh trong của đất trời. Món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày này chính là bánh trôi, bánh chay.

Chúng đều được làm từ nguyên liệu chính là những hạt gạo nếp cái hoa vàng thơm lừng, ngây ngất. Với mùi thơm phức của đỗ xanh, đường mật, không khí tết dường như trở nên sôi động và ý nghĩa hơn.

ngay Tet Han Thuc anh 2

Mọi người háo hức chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay cứ mỗi khi đến Tết Hàn thực. Ảnh: Vietantv.

Về phong tục cúng lễ trong ngày này, các sách như 100 điều cần biết về phong tục Việt Nam hay Văn khấn nôm tại nhà - Tập văn cúng gia tiên, hướng dẫn: "Mâm lễ cúng ngày Tết Hàn thực gồm hương, hoa, trầu cau và 5 hoặc 3 bát bánh trôi cùng 5 hoặc 3 bát bánh chay".

Ngoài bánh trôi và bánh chay, các gia đình cũng có thể mua thêm hoa quả và các thứ bánh trái khác tùy tâm. Sau khi bày lễ lên ban thờ, các gia đình thường thắp hương và khấn gia tiên theo bài cúng Tết Hàn thực được lưu truyền từ xưa đến nay. 


Cách làm bánh trôi Tết Hàn thực ngon miệng

Những chiếc bánh trôi nhỏ xinh, tròn trịa, cùng bánh chay thơm mát làm hương vị ngày Tết Hàn thực thêm ngọt ngào và ấm cúng.


P.A (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm