Hè đến là lúc nhiều người quan tâm hơn đến việc sử dụng kem chống nắng. Đa số chúng ta quan niệm kem chống nắng là để chống cháy nắng, đen da. Tuy nhiên, kem chống nắng còn nhiều tác dụng hơn thế...
Làn da bị ảnh hưởng thế nào bởi ánh nắng mặt trời?
Ánh nắng mặt trời ảnh hưởng đến trái đất bởi tia cực tím (UV) trong đó có tia A (UVA), tia cực tím B (UVB). Tia UVA chiếm 95% và 5% còn lại là tia UVB. Trong đó:
- Tia UVB không đi qua được cửa kính, nhưng bị phản chiếu rất mạnh từ tuyết, mặt nước, nhựa đường, gây cháy da, tổn thương da. Tia UVB không những làm tình trạng da đen sạm do cháy nắng mà còn có thể dẫn đến ung thư tế bào hắc tố, ung thư biểu mô tế bào đáy và vảy.
- Tia UVA xuyên qua được các vật liệu như cửa kính, quần áo, đám mây… nên dù trời râm mát, hay bịt kín áo chống nắng, thậm chí ngồi trong phòng, thì làn da vẫn bị ảnh hưởng. Tia UVA có khả năng tiếp cận vào các lớp sâu hơn của da khoảng 50 lần so với tia UVB. Do đó, nó gây tổn thương tới da nhiều hơn so với tia UVB. Mặc dù không gây cháy bỏng, đen da ngay như UVB, nhưng tia UVA lại gây lão hóa da và suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, UVA còn tác động tới lớp tế bào chân đáy của thượng bì, nơi phát sinh phần lớn các ung thư da.
Thoa kem chống nắng để bảo vệ da trước tác hại của tia UV. |
Nếu bị ảnh hưởng cấp tính của tia cực tím (UV) trong thời gian ngắn, các tổn thương da có thể phục hồi. Nhưng nếu hàng ngày làn da tiếp nhiễm với tia cực tím, sẽ tích lũy dần theo thời gian, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và nguy hiểm như đứt gãy collagen; ức chế hệ thống miễn dịch; tổn thương mắt và ung thư da...
Kem chống nắng có tác dụng gì?
Khi làn da đã bị tổn thương nặng do tia cực tím thì các biện pháp điều trị cũng chỉ hỗ trợ cải thiện một phần và khó trả lại làn da khỏe mạnh. Do đó, điều quan trọng là phòng ngừa không để da bị cháy nắng bằng cách bôi kem chống nắng và dùng các biện pháp cơ học khác.
Trước hết, nên hạn chế đến mức thấp nhất phải ra đường khi nắng to và nếu phải ra ngoài, cần bảo vệ làn da cẩn thận bằng mũ/nón, áo khoác và sử dụng kem chống nắng.
Kem chống nắng giúp phòng chống ung thư da, bằng cách bảo vệ da khỏi các tia cực tím nguy hiểm. Ngoài ra, kem chống nắng còn giúp chống lão hoá, chống nám, tàn nhang và các vấn đề về da.
Kem chống nắng nên sử dụng cho tất cả các lứa tuổi, giới tính, type da, nhưng để sử dụng đúng, tránh các khó chịu và tác hại có thể có của kem chống nắng, thì cần lựa chọn sản phẩm phù hợp và sử dụng đúng cách.
Cách sử dụng kem chống nắng an toàn, hiệu quả
Lựa chọn kem chống nắng
- Hãy chọn cho mình kem chống nắng vừa có chỉ SPF 30 trở lên, để chống lại tia UVB (khiến da bị cháy nắng, sậm màu) và cả PA để có thể bảo vệ trước tia UVA (khiến da bị lão hóa).
- Chọn kem chống nắng phù hợp với type da (da dầu, da khô, da hỗn hợp, da đang bị trứng cá…).
- Dùng đúng loại kem cho từng vùng da. Không dùng kem chống nắng toàn thân cho da mặt. Việc dùng kem chống nắng toàn thân cho vùng mặt sẽ khiến da rất bí, đổ dầu nhiều và dễ sinh ra mụn do sản phẩm chống nắng dành cho da toàn thân thường rất nhiều chất dầu.
Cách thoa kem chống nắng
Luôn luôn thoa kem chống nắng ít nhất 15 phút trước khi ra nắng để các thành phần chống nắng kịp thẩm thấu vào da và phát huy tác dụng. Nên thoa kem chống nắng mỗi ngày nếu bạn ra đường, kể cả những ngày trời âm u cũng nên thoa kem chống nắng.
Đối với người làm văn phòng, kem chống nắng cần thiết ngay cả khi không ra ngoài. Bởi vì tia UVA có thể xuyên qua cửa kính, gây nên nám, tàn nhang, nếp nhăn cho da. Có thể thoa theo công thức sau: ½ muỗng uống trà, thoa đều cho cả khuôn mặt. Nên thoa kem chống nắng cho cả vùng cổ.
Thoa lại sau 2-5 tiếng, tùy loại kem chống nắng sử dụng. Nếu bạn có trang điểm thì có thể dụng kem chống nắng dạng xịt hoặc dạng phấn phủ để bổ sung. Nhớ bảo vệ da môi bằng cách thoa dưỡng môi có tính chất chống nắng.
Tránh bôi kem chống nắng vào niêm mạc vì một số loại kem chống nắng có thể gây kích ứng nếu dính vào vùng niêm mạc như mắt, miệng…
Thành phần chống nắng có trong các sản phẩm trang điểm như phấn nền không đủ để bảo vệ da trước tia cực tím. Lớp kem dưỡng bên dưới tạo nên lớp màng khiến các thành phần chống nắng không thể thẩm thấu vào da. Do đó nên thoa kem chống nắng trước khi trang điểm, hoặc chọn loại kem dưỡng da ban ngày có độ chống nắng.
Ngoài kem chống nắng, cần bảo vệ da bằng mũ rộng vành. |
Cách nhận biết các chỉ số của kem chống nắng
- PA là cách để đánh giá mức độ chống tia UVA. Dấu cộng đằng sau chữ PA (PA+) xác định mức độ chống tia UVA của sản phẩm là nhiều hay ít. Ví dụ PA+++ có nghĩa là sản phẩm có khả năng chống tia UVA cao.
- SPF (sun protection factor) là chỉ số thời gian chống nắng của mỗi sản phẩm. Theo nghiên cứu thì một người bình thường có thể ở ngoài nắng tầm 10 phút mà không bị cháy nắng. Vậy nên, nếu SPF là 15, thì thời gian được bảo vệ sẽ là 15 x 10=150 phút. Tuy nhiên, SPF 30 trở lên thì con số thời gian này không còn ý nghĩa nữa, vì không có kem chống nắng nào có thể bảo vệ quá 5 tiếng.
Các chỉ số SPF còn chỉ mức độ bảo vệ da:
- SPF 15 bảo vệ da được 93%.
- SPF 30 bảo vệ da được 97%.
- SPF 50 bảo vệ da được 98%.
- Không có kem chống nắng nào có thể bảo vệ da được 100%. Vì vậy chỉ cần dùng kem chống nắng SPF 30-50 là được chứ không cần phải cao hơn. Vì SPF cao hơn 50 là chỉ số quảng cáo chứ không có ý nghĩa để bảo vệ bạn. Dù kem chống nắng có SPF cao, bạn vẫn cần phải thoa lại kem sau 2 tiếng đi ngoài nắng, hay sau khi xuống nước hoặc khi đổ mồ hôi nhiều.
Ngoài sử dụng kem chống nắng, cần bảo vệ da bằng các biện pháp khác:
- Tránh nắng khi có thể, nhất là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều.
- Mặc quần áo tay dài, đội nón rộng vành và đeo mắt kính to bản...
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.