![]() |
Trong ngày 23 tháng Chạp, người Việt có phong tục thả cá chép tiễn ông Táo chầu trời. Không chỉ mang ý nghĩa “đưa ông Táo bay về trời”, hành động phóng sinh còn hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Chính vì vậy, tục thả cá không coi trọng nhiều hay ít, cá to hay nhỏ mà quan trọng ở tấm lòng của người phóng sinh, không phạm vào những điều đại kỵ làm mất đi ý nghĩa của tục lệ và gây hại cho môi trường. |
![]() |
Không thả cá từ thành cầu, ném cá xuống sông hồ từ những vị trí trên cao: Hành động này thể hiện sự sơ sài, cẩu thả của người phóng sinh, đồng thời nhiều khả năng cá có thể bị chết do rơi từ trên cao, lực ném quá mạnh. |
![]() |
Theo phong tục thả cá chép, cá nên được đặt trong lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Thao tác nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn và tránh việc đổ, ném, quăng cá mạnh tay từ xô, chậu, túi nylon xuống thẳng sông hồ. |
![]() |
Không thả cả túi nylon và cá xuống sông: Hình ảnh túi nylon, bao bì nhựa trôi nổi khắp mặt sông mặt hồ mỗi dịp ông Công ông Táo chầu trời là hình ảnh xấu xí. Việc thả cá cùng túi nylon không chỉ làm mất đi nét đẹp của một tục lệ truyền thống mà còn thể hiện sự vô ý thức với môi trường sống. |
![]() |
Túi nylon thả cùng cá có thể khiến chúng chết ngạt và ảnh hưởng đến sự sống của các sinh vật khác trên sông hồ. Hành động thả cá cũng vì vậy mà mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu là phóng sinh. |
![]() |
Sau khi thả cá không nên vội vàng rời đi ngay mà cần chờ xem cá đã bơi được chưa hay bị mắc kẹt hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt vào bờ. Người phóng sinh cũng cần thu dọn sạch sẽ giấy rác, bao bì sau khi thả cá xuống sông hồ. |
![]() |
Không nên phóng sinh cá ở giếng, các vùng nước đọng và những nơi nguồn nước bị ô nhiễm vì cá sẽ ít có cơ hội sống sót. Cũng cần chọn nơi ít người câu cá để tránh việc cá vừa thả ra đã bị đánh bắt. |